Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - "Th ương trường là chiến trường” - người ta vẫn thường dùng câu nói này để hình dung về nỗi vất vả, khó khăn mà những người hoạt động kinh doanh phải đối mặt. Với các nữ doanh nhân Hà Tĩnh, “chiến trường” đó càng khốc liệt và con đường xây dựng, phát triển doanh nghiệp của họ càng gập ghềnh hơn bội phần.

1. Chị Nguyễn Thị Mai Loan - Giám đốc Mobifone Hà Tĩnh

Gần 23 năm thương hiệu Mobifone đến với thị trường Hà Tĩnh cũng là ngần ấy năm chị Nguyễn Thị Mai Loan (SN 1977) - Giám đốc Mobifone Hà Tĩnh gắn bó với công việc xây dựng, phát triển mạng lưới di động này.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Mai Loan - Giám đốc Mobifone Hà Tĩnh

Chị Loan nhớ về những buổi đầu gian khó khi vừa đầu quân cho Mobifone vào năm 1999: “Thời kỳ đó, mạng di động vẫn là thứ “xa xỉ” với người dân Hà Tĩnh nên lựa chọn công việc này có thể nói là một sự “mạo hiểm” đối với người trẻ như tôi. Văn phòng đầu tiên chỉ với 2 nhân viên nên tôi phải đảm nhận hầu hết công việc từ thu cước, chăm sóc, tìm kiếm khách hàng mới. Mỗi năm, chúng tôi chỉ phát triển được khoảng 50 thuê bao”.

Năm 2009, Chi nhánh Mobifone Hà Tĩnh chính thức được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu công việc, chị Loan phải nỗ lực hết mình khi vừa học vừa làm và đã quyết tâm lấy được tấm bằng cử nhân ở Đại học Kinh tế quốc dân, rồi bằng Thạc sỹ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2011, chị được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc Chi nhánh Mobifone Hà Tĩnh vào năm 2017. Ở những vị trí mới, chị càng không cho phép mình được bằng lòng với những kiến thức, kỹ năng đã có.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Mai Loan điều hành cuộc họp ban lãnh đạo công ty

“Dù là nữ, lại đã lớn tuổi nhưng tôi không thể để mình tụt hậu về công nghệ bởi Mobifone không còn là một doanh nghiệp (DN) viễn thông đơn thuần mà đã chuyển sang kinh doanh trên nền tảng số. Tôi học mọi lúc, mọi nơi, dưới mọi hình thức để có thể triển khai tốt công việc, hỗ trợ khách hàng” - chị Loan chia sẻ.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, chị Loan đã cùng tập thể xây dựng nên một chi nhánh Hà Tĩnh vững mạnh với 13 điểm giao dịch tại các huyện, thị, thành; 80% nhân viên tại chi nhánh tỉnh có trình độ thạc sỹ; phát triển 150.000 thuê bao trả trước, trả sau và mạng internet; hơn 1.000 DN sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số (chiếm ¼ tổng số DN sử dụng các dịch vụ này trên địa bàn toàn tỉnh)...

Với những đóng góp cho DN, chị Loan nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tổng công ty; chiến sỹ thi đua cấp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giai đoạn 2019-2021. Chi nhánh Mobifone Hà Tĩnh được nhận cờ thi đua xuất sắc. Chia sẻ cảm nhận về nữ lãnh đạo, chị Trần Thị Thanh Hoài - nhân viên Chi nhánh Mobifone Hà Tĩnh cho biết: “Chị Loan là một lãnh đạo có tâm, có tầm. Tinh thần tự học, vượt lên khó khăn của chị trở thành tấm gương để chúng tôi noi theo”.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Khách hàng giao dịch tại Văn phòng Mobifone Hà Tĩnh

Là một doanh nhân nữ, chị Loan rất thấu hiểu khó khăn của những người phụ nữ làm chủ DN khác, đặc biệt là việc ứng dụng KHKT, công nghệ thông tin vào SXKD. Tham gia Ban Thường vụ Hội Doanh nhân nữ Hà Tĩnh, chị Loan đã tích cực hỗ trợ các doanh nhân nữ về chuyển đổi số như: sử dụng tổng đài chăm sóc khách hàng, hệ thống quản trị bán hàng, hóa đơn điện tử, chữ ký số...

2. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Công ty CP Nguyệt Quang

Bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2014, chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1974) - Giám đốc Công ty CP Nguyệt Quang (thị trấn Thạch Hà - huyện Thạch Hà) đã “thấm” bao nỗi vất vả, từng rơi những giọt mồ hôi, nước mắt trên thương trường.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Công ty CP Nguyệt Quang (thị trấn Thạch Hà - huyện Thạch Hà)

DN của chị Nguyệt chuyên về cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; liên kết chăn nuôi lợn, gà trang trại, gia trại. Thời điểm thành lập đến nay, DN hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. Liên tiếp các đợt dịch gia súc, gia cầm, dịch COVID-19, tình hình chiến sự tại một số nước trên thế giới... khiến giá cả nguồn nguyên liệu tăng cao, thị trường bất ổn, có những thời điểm ngưng trệ.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa DN đứng vững và phát triển tại thị trường Hà Tĩnh, chị Nguyệt đã phải đi những bước đi “liều lĩnh”. Chị vay thêm vốn đầu tư hệ thống kho bãi; cung ứng các giống con chất lượng; hỗ trợ khách hàng là hộ chăn nuôi về kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Nhờ đó, trong những thời điểm khó khăn, công ty của chị vẫn duy trì được lượng khách hàng ổn định, mỗi tháng, xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn thức ăn chăn nuôi, 60.000 con giống; liên kết với hàng trăm hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại vệ tinh...

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thứ 2, hàng đầu từ trái sang) nhận giải nhì Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022, do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức.

Không bằng lòng với những kết quả đó, đầu năm 2022, chị tiếp tục “thai nghén” một dự án mới là “sản xuất gà mát thương hiệu Công ty CP Nguyệt Quang”. Đây là loại gà được thực hiện quy trình giết mổ theo những tiêu chuẩn nhất định, bảo quản ở nhiệt độ 1,5-4oC trong thời gian 6 tiếng, sau đó cho vào túi hút chân không rồi mới tiến hành vận chuyển, phân phối ra thị trường. Sản phẩm gà đến tay người tiêu dùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng so với gà đông lạnh.

Chị Nguyệt cho biết: Với mong muốn giúp người chăn nuôi tìm được đầu ra cho sản phẩm; mang gà giết mổ sạch, an toàn, dinh dưỡng đến người tiêu dùng, tôi đã ấp ủ và bắt đầu những bước đầu tiên để thực hiện dự án. Hiện công ty đã được Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chuyển giao quy trình chăn nuôi gà ri giống; lên kế hoạch xây dựng nhà máy, tìm kiếm đầu ra... Dự án đã đạt giải nhì tại cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022" do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Chuyên tâm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không quên trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với vai trò là thành viên BCH Hội Chữ thập đỏ huyện Thạch Hà, chị Nguyệt tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Hằng năm, Công ty CP Nguyệt Quang hỗ trợ hàng chục mô hình chăn nuôi trị giá hàng chục triệu đồng cho người dân; tặng nhiều suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết...

3. Chị Trần Thị Linh Giang - Phó TGĐ Công ty CP Du lịch & Thương mại Đại Bàng

Hàng chục năm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nhưng chưa có thời điểm nào, chị Trần Thị Linh Giang (SN 1979) - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương mại Đại Bàng cùng tập thể công ty phải trải qua nhiều sóng gió như những năm dịch COVID-19 hoành hành.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Linh Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương mại Đại Bàng

Chị Linh Giang chia sẻ: “Công ty có hệ thống 3 khách sạn hoạt động từ hàng chục năm nay trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Đến năm 2018, với mong muốn hướng đến dịch vụ đẳng cấp, chúng tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khách sạn mới. Vừa đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 diễn ra, ngành du lịch dịch vụ gần như ngừng trệ”.

“Thuyền to sóng lớn”, lãi suất ngân hàng, tiền lương cho nhân viên, chi phí duy trì hoạt động của hệ thống 4 khách sạn thành viên... trở thành gánh nặng vô cùng lớn đặt lên vai những người “đứng mũi chịu sào” của công ty như chị Giang.

Để vượt qua khó khăn, chị đã phải tích cực tìm kiếm khách hàng, đối tác thông qua nhiều kênh như hiệp hội du lịch các tỉnh, thành, các công ty lữ hành trên cả nước... Đồng thời, áp dụng những cơ chế ưu đãi, tri ân khách hàng khi sử dụng dịch vụ của công ty. Cùng đó, để đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, chị Giang luôn là người trực tiếp kiểm tra tất cả các khâu từ buồng phòng, nguyên liệu, chế biến thức ăn, trang trí bàn tiệc... Nhờ đó, trong thời điểm khó khăn của ngành du lịch dịch vụ, các khách sạn của công ty vẫn giữ được lượng khách hàng ổn định; gần 140 nhân viên được trả lương theo ca làm việc; số lượng lao động nghỉ việc rất ít.

Những “nữ tướng” trên thương trường ở Hà Tĩnh

Chị Linh Giang hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên quầy lễ tân khách sạn

Phục hồi sau đại dịch, ngoài duy trì cách thức tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, công ty còn áp dụng chính sách linh hoạt trong tạo động lực, môi trường làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên. Tham gia BCH Hội Doanh nhân nữ Hà Tĩnh, chị Giang cũng kết nối các doanh nhân nữ trên địa bàn để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ... Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Giang cho biết, công ty sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 30 tỷ đồng xây dựng trung tâm hội nghị trên diện tích 1.000 m2 để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Dấn thân vào con đường kinh doanh, những người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang phải tự rèn cho mình một bản lĩnh kiên cường, một ý chí vượt lên khó khăn. Nhờ đó, họ đã đứng vững trước sóng gió của thương trường, xây dựng DN vững mạnh, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước, cho gia đình.

Chủ đề NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast