Thiên Cầm – Thị trấn “3 không”

Sau 10 năm thành lập, đến nay, thị trấn Thiên Cầm vẫn chỉ là một vùng nông thôn nghèo ở khu vực biển ngang huyện Cẩm Xuyên, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém, chưa đạt bất kỳ tiêu chí nào của đô thị loại 5.

Nhiều du khách khi đến với khu du lịch biển Thiên Cầm đã không khỏi băn khoăn trước sự nghèo nàn, đơn điệu của một thị trấn du lịch có bãi biển đẹp nhất nhì khu vực. “Mỗi khi đến nghỉ mát ở các khu du lịch biển, du khách chúng tôi thường có thói quen đi một vòng tham quan và tìm hiểu đời sống người dân trong vùng. Tuy nhiên, ở Thiên Cầm, hệ thống giao thông trong thị trấn chật hẹp, xuống cấp; ban đêm không có hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; không có chợ hay trung tâm thương mại để mua quà lưu niệm… Những yếu tố đó đã hạn chế rất lớn đến việc thu hút khách du lịch” – ông Phạm Văn Dương, du khách đến từ Hà Nội trong dịp nghỉ 30-4, chia sẻ.

Hệ thống giao thông của thị trấn Thiên Cầm nhỏ hẹp, xuống cấp đã cản trở du khách thực hiện tua du lịch nội thị

Hệ thống giao thông của thị trấn Thiên Cầm nhỏ hẹp, xuống cấp đã cản trở du khách thực hiện tua du lịch nội thị

Với diện tích hơn 1.400 ha, có 2 tuyến tỉnh lộ 4, 19/5 đi qua và đặc biệt với khu du lịch biển đẹp nhất nhì khu vực, lẽ ra Thiên Cầm đã phát triển xứng tầm. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay, Thiên Cầm vẫn đang là một thị trấn có nền kinh tế phát triển chậm, hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao (17%). Đặc biệt, Thiên Cầm vẫn đang là thị trấn “3 không”: Không trung tâm thương mại, không hệ thống chiếu sáng công cộng và không có nước máy. Đây là những tiêu chí cần có đối với một thị trấn, chưa nói đó là thị trấn phát triển theo hướng du lịch.

Gọi là thị trấn, nhưng sản xuất nông nghiệp nơi đây còn chiếm trên 80%. Do ở cuối nguồn tưới của kênh N8 (lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ) cùng với hệ thống kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, nên gần 400 ha diện tích đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản hầu như bị nhiễm mặn, canh tác kém hiệu quả.

Nhiều hộ dân đã bỏ sản xuất nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề khác như: mộc, gò hàn, xay xát, vận tải… Tuy nhiên, những ngành nghề này cũng không phát huy triệt để bởi một lý do: hệ thống điện quá tải, xuống cấp.

Bà Nguyễn Thị Tỷ ở tổ dân phố Hoàng Hoa bức xúc, kể: “Chúng tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy xay xát và chăn nuôi lợn nhưng điện đóm phập phù, muốn hoạt động được máy có khi phải chờ đến 9-10 giờ đêm. Thậm chí bơm nước để tắm cho lợn cũng khó. Ngoài ra, hệ thống giao thông chật hẹp, xuống cấp nên vận chuyển vật tư gặp rất nhiều khó khăn”.

Ông Trần Đình Hải – Bí thư Đảng ủy thị trấn Thiên Cầm, cho biết: “Do thị trấn Thiên Cầm không được xét vào diện hỗ trợ vùng biển ngang phát triển kinh tế của Chính phủ và cũng không có cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng như các địa phương khác, nên 10 năm qua, việc xây dựng hạ tầng chỉ trông chờ vào nội lực của người dân. Mặc dù Đảng bộ đã có các nghị quyết, đề án về phát triển sản xuất, chỉnh trang đô thị nhưng việc triển khai, thực hiện sẽ còn rất nhiều khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Tỷ ở tổ dân phố Hoàng Hoa: “Chúng tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy xay xát và chăn nuôi lợn nhưng điện đóm phập phù, muốn hoạt động được máy có khi phải chờ đến 9-10 giờ đêm".

Bà Nguyễn Thị Tỷ ở tổ dân phố Hoàng Hoa: “Chúng tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy xay xát và chăn nuôi lợn nhưng điện đóm phập phù, muốn hoạt động được máy có khi phải chờ đến 9-10 giờ đêm".

Theo đề án phát triển kinh tế, thị trấn Thiên Cầm sẽ phát huy tiềm năng lợi thế của khu du lịch biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng và mở rộng khai thác có hiệu quả du lịch nội thị, mở rộng khai thác du lịch ở đảo Én, đảo Bớc; khuyến khích mở rộng tua du lịch Thiên Cầm – Kẻ Gỗ - Vũng Áng - động Phong Nha để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Đề án cũng đặt ra việc xây dựng một trung tâm thương mại, hay siêu thị cỡ vừa để bày bán những sản phẩm hay những món quà lưu niệm đặc trưng của Hà Tĩnh phục vụ du khách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, để đề án đó khả thi, đưa thị trấn Thiên Cầm thực sự phát triển và trở thành một khu đô thị du lịch xứng tầm, chỉ nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương chưa đủ, mà rất cần sự “ưu tiên” cho Thiên Cầm một cơ chế đặc thù và kêu gọi các nhà đầu tư, tập trung nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh và thương mại, du lịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast