Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã có các biện pháp ngăn chặn, song tình trạng săn, bắt, bẫy các loài chim tự nhiên vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa bàn.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Dù ngành chức năng đã nỗ lực trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng, nhưng tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim vẫn đang diễn ra.

Ngành chức năng, chính quyền vào cuộc… nhưng chưa triệt để

Thực hiện các chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020, số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, các sở, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan ở Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp và đạt những kết quả tích cực. Tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều so với các năm trước.

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, từ đầu năm 2022 lại nay, các địa phương đã tổ chức gần 400 cuộc kiểm tra, truy quét để thả gần 500 con chim mồi và tiêu hủy gần 8.000 con chim giả, gần 70.000 que dính keo, 77 loa phát tín hiệu gọi chim, hơn 15.000m lưới, tháo dỡ 453 lùm ẩn nấp...

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Người dân giăng bẫy tận diệt chim trời tại cánh đồng xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên. (Ảnh chụp sáng 27/9).

Tuy vậy, hiện nay, tại một số vùng thuộc các huyện ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên..., tình trạng săn bắt chim tự nhiên còn xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để; một số chợ dân sinh trên địa bàn vẫn còn tình trạng mua, bán, giết mổ chim tự nhiên trái pháp luật.

Có thể nói, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng săn bắt chim tự nhiên trái phép diễn ra nhức nhối trên địa bàn Hà Tĩnh là bởi, mùa này, số lượng chim di cư về “nghỉ chân” trên những cánh đồng, đầm nước, lùm cây trù phú dọc các bờ biển khá lớn; trong khi đây cũng là thời điểm “nông nhàn” nên nhiều người săn bắt chim trời để mưu sinh.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Người dân thôn Song Nam, xã Cương Gián đánh bắt chim trời. (Ảnh chụp sáng 27/9).

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do công tác ngăn chặn của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa được nhất quán, quyết liệt.

Chẳng hạn như tại cánh đồng Sác Cạn, thuộc thôn Song Nam (xã Cương Gián, Nghi Xuân) nằm ngay bên tuyến giao thông huyết mạch ven biển của tỉnh và cách trụ sở UBND xã chưa đầy 2 km vẫn thường có hàng chục người dân dùng đủ loại dụng cụ giăng bẫy chim trời. Cùng đó, khu chợ Cương Gián nằm đối diện trụ sở UBND xã cũng là nơi có đông người dân và thương lái mua bán công khai các loại chim tự nhiên. Tình trạng này xảy ra nhiều ngày qua nhưng không hề có sự ngăn cản nào của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Người dân vô tư bán đủ các loại chim trời tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân). (Ảnh chụp sáng 27/9).

Nói về vấn đề này, ông Trần Công Tráng - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, mỗi mùa mưa bão hằng năm, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh về nghiêm cấm việc săn bắt chim di trú, nhưng nhiều thời điểm, do chủ quan, có phần buông lỏng nên tình trạng này vẫn xảy ra.

Ông Tráng lý giải: “Do người dân thường di chuyển ra các cánh đồng xa, đặt bẫy bắt chim lúc đêm tối nên rất khó phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuần tra để ngăn chặn”.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Giàn đánh bắt chim trời tại thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. (Ảnh chụp sáng 30/9).

Tại địa bàn Lộc Hà, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên tục ra quân xử lý nạn săn bắt và tiêu thụ chim trời nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra ở các xã Bình An, Thịnh Lộc.

Ông Trần Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Thực tế trên địa bàn xã hiện vẫn còn tình trạng săn bắt và tiêu thụ chim trời. Để ngăn chặn tình trạng này, địa phương đã thực hiện ký cam kết tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn không chấp hành và địa phương cũng chưa kiểm soát hết được”.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Người dân thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa làm thịt chim cói vừa đánh được để giao cho khách. (Ảnh chụp sáng 27/9).

Với điều kiện đặc thù có đến hơn 18km đường bờ biển và có nhiều hồ đập, sông suối, đồi núi, vào mùa mưa bão, số lượng chim tự nhiên di cư về sinh sống nhiều nên đó cũng là thời điểm người dân các xã ven biển Cẩm Xuyên đổ xô đi đánh bắt chim trời và xem đây như một nghề mưu sinh.

Xã Yên Hòa được xem là “điểm nóng” về nạn săn bắt, mua bán chim trời ở Cẩm Xuyên từ nhiều năm nay. Tuy vậy, do sự kiểm soát của chính quyền còn có phần buông lỏng nên tình trạng này vẫn diễn ra công khai. Nói về thực trạng trên, ông Trần Đình Cúc - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa thừa nhận, mặc dù chính quyền đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến tận từng gia đình, yêu cầu ký cam kết, song, tình trạng săn bắt, buôn bán chim trời vẫn diễn ra.

“Trong những ngày tới, xã sẽ ra quân, cam kết “xóa” hết những điểm “nóng” này. Đặc biệt, địa phương sẽ gắn trách nhiệm của cán bộ, lực lượng phụ trách thôn như công an, dân quân tự vệ... và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Trần Đình Cúc nhấn mạnh.

Video: Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin về thực trạng săn bắt chim trời

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và tuần tra, xử lý nhưng tại một số địa phương vẫn còn tình trạng đánh bắt lén lún, “buôn bán trộm” các mặt hàng chim tự nhiên”.

Theo ông Hà, dù các hộ dân thường đánh bắt chim tự nhiên đều được chính quyền địa phương yêu cầu ký cam kết trước khi vào mùa chim di cư, nhưng mỗi khi vắng bóng cơ quan chức năng, họ vẫn lén lút ra các đầm phá đặt bẫy.

Video: Ông Nguyễn Cự Duẩn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) nêu giải pháp ngăn chặn nạn săn bắt chim trời

Ông Nguyễn Cự Duẩn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: Mùa chim di cư không dài, nếu các địa phương không quyết liệt, ra quân xử nghiêm thì cảnh chim trời bị “tận diệt” vẫn còn xảy ra. Về phía ngành chức năng, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức lực lượng truy quét liên tục nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên.

Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có các chế tài xử phạt vi phạm đối với hầu hết các loài động vật hoang dã bao gồm các loài chim di cư. Theo đó, các cơ quan chức năng có đủ chế tài để ngăn chặn và xử lý nghiêm.

“Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán chim trời, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền các cấp thì rất cần sự chung tay của mỗi người dân. Bởi, vấn nạn săn bắt chim trời đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, hám lợi, và do chính thói quen ăn uống sinh hoạt của một số cộng đồng người dân, cũng như sự thiếu kiên quyết của không ít địa phương. Nếu mỗi người dân cùng nâng cao ý thức trong phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm thì nạn săn bắt chim trời sẽ sớm được triệt xóa trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Cự Duẩn nói.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Những con cói mồi bị người dân ở xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) khâu mắt làm mồi nhử.

Cần quyết liệt hơn nữa!

Trước thực trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim vẫn đang diễn ra, ngày 28/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã ký Văn bản số 5426/UBND-NL4 chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trái pháp luật; không tiếp khách, liên hoan… có sử dụng các món ăn được chế biến từ động vật rừng, chim tự nhiên; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm...

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Các lực lượng chức năng thu giữ chim trời không rõ nguồn gốc tại quán Hùng Chim (Lộc Hà) vào ngày 27/9.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung cụ thể. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo các phòng, ngành, UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng, triển khai ngay các biện pháp kiểm tra, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy và xử lý các loại dụng cụ, phương tiện săn, bắn, bẫy, bắt chim tự nhiên và các loài động vật hoang dã trái phép; kiểm tra các nhà hàng kinh doanh ăn uống, các địa điểm mua bán, quảng cáo, chế biến, kinh doanh chim tự nhiên và các loài động vật rừng trái phép trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, ký cam kết với các hộ kinh doanh liên quan không mua, bán, giết mổ các loài chim tự nhiên trái phép; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, địa phương nào không tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm để xảy ra vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Từ đầu năm 2022 lại nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gần 400 cuộc kiểm tra, truy quét để thả gần 500 con chim mồi và tiêu hủy gần 8.000 chim giả.

Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường, phối hợp các ngành chức năng, địa phương liên quan tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật rừng, chim tự nhiên; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển, sử dụng, nuôi nhốt, giết mổ... trái phép động vật rừng, chim tự nhiên trên địa bàn.

Nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim tự nhiên được giao cho Sở TT&TT. Đơn vị này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, mua, bán trái phép các loài động vật rừng, chim tự nhiên.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Lực lượng chức năng xã Cương Gián (Nghi Xuân) xử lý những trường hợp buôn bán chim trời trái phép tại chợ.

Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, quảng cáo, mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ… các loài chim tự nhiên và các loài động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh, kể cả trong các nhà hàng, khách sạn có kinh doanh dịch vụ ăn uống và các chợ trên địa bàn; kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép động vật, các loài chim tự nhiên trên môi trường mạng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực biên giới, cửa khẩu và ven biển; phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi săn bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển trái phép các loài chim tự nhiên, động vật hoang dã theo quy định pháp luật.

Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, các nhà hàng, khách sạn, các chợ… phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép các chim tự nhiên loài động vật rừng và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương sẽ góp phần ngăn chặn được nạn sắn bắt, buôn bán chim trời trái phép trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát, xác định các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh để có giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; tập trung tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp, cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Các chủ rừng phải kiểm tra, rà soát trên toàn bộ lâm phần được giao quản lý để phát hiện, ngăn chặn, đẩy đuổi người dân mang dụng cụ, phương tiện vào rừng săn, bắn, bẫy, bắt… các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trái phép; kịp thời tháo dỡ, thu hồi các loại dụng cụ, phương tiện săn, bắn, bẫy, bắt đặt trong rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, động vật rừng trên lâm phần được giao quản lý.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt “chim trời”: Cần đồng bộ và quyết liệt hơn nữa!

Việc đánh bắt tận diệt sẽ làm lượng chim trời giảm đi đáng kể, gây mất cân bằng sinh thái.

Loạt phóng sự vừa qua của Báo Hà Tĩnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo công chúng. Văn bản số 5426/UBND-NL4 ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh một lần nữa cho thấy quyết tâm của chính quyền cấp tỉnh trong việc sớm ngăn chặn vấn nạn săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên trên địa bàn.

Mùa chim di cư không dài, Văn bản số 5426/UBND-NL4 là “chiếc gậy pháp lý” để các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên. Cùng với đó, hành động cần thiết lúc này với mỗi người dân trong việc chung tay bảo vệ các loài chim là hãy nói không với săn bắt, tiêu thụ “chim trời”.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast