Dịch lở mồm long móng gia súc lại diễn biến phức tạp

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc ở Hà Tĩnh lại diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch lở mồm long móng (LMLM) trâu bò vừa xuất hiện tại các huyện Hương Sơn và Kỳ Anh trong khi lượng vắc xin đang thiếu hụt trầm trọng khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

Theo báo cáo của Chi cục thú y Hà Tĩnh, quý 1/2011, dịch LMLM làm 489 con gia súc (290 con trâu bò, 199 con lợn) của 225 hộ tại 66 thôn/19 xã thuộc 3 huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà mắc bệnh. Tổng số gia súc chết và phải tiêu hủy là 202 con (5 con bò, 197 con lợn). So với cùng kỳ 2010, số huyện bị dịch LMLM gia súc giảm, số trâu bò bị dịch giảm nhưng số lợn bị dịch phải tiêu hủy tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra diễn biến dịch LMLM gia súc ở xã Đức Hòa (Đức Thọ). Ảnh tư liệu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra diễn biến dịch LMLM gia súc ở xã Đức Hòa (Đức Thọ). Ảnh tư liệu

Khi dịch xẩy ra, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn phân công cán bộ bám sát địa bàn để phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả. Nhờ đó, vào các Ngày 22/3 và 7/4, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố hết dịch LMLM tại các địa phương trên.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng... nửa ngày khi chiều 7/4, cán bộ Chi cục thú y Hà Tĩnh nhận tin báo dịch LMLM lại xuất hiện trên đàn trâu bò ở xóm 1, xã Sơn Hồng (Hương Sơn) và Kỳ Tây (Kỳ Anh). Theo xác nhận của cán bộ Chi cục thú y, đã có 25 con trâu bò tại Sơn Hồng và 13 con tại Kỳ Tây bị dịch bệnh LMLM tấn công. Số trâu bò mắc bệnh ở Sơn Hồng được xác định do lây lan từ 1 con trâu bị bệnh được người dân mua về từ xã Thanh Xuân, Thanh Chương (Nghệ An). Chỉ sau một thời gian ngắn, 25 con trâu bò trong vùng đã bị nhiễm bệnh. Còn tại Xã Kỳ Tây, 13 con trâu bò bị mắc bệnh do người dân thả rông trong rừng nên không được tiêm phòng.

Việc người dân thiếu ý thức, tự “rước bệnh” về nhà và tập quán chăn thả rông trâu bò trong rừng nên không được tiêm phòng là những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh đã được các cơ quan chuyên môn cảnh báo nhiều nhưng dường như người dân …chưa thấu.

Ông Trần Hùng – Phó Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: Đến nay, mặc dù thời hạn tiêm phòng đợt 1/2011 đã gần hết nhưng tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc toàn tỉnh đạt thấp so với tổng đàn. Cụ thể, tiêm phòng trên đàn trâu bò: LMLM đạt 63%, tụ huyết trùng đạt 58%; tiêm phòng trên đàn lợn: LMLM đạt 45%, dịch tả đạt 40%, tụ huyết trùng đạt 53%.

Theo ông Hùng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp là do thiếu vắc xin. Mặc dù Chi cục thú y đã xin thêm 125.000 liều vắc xin LMLM từ nguồn dự trữ quốc gia cấp về các địa phương nhưng chỉ mới đáp ứng hơn 50% nhu cầu. Hiện nay, toàn tỉnh còn thiếu hơn 40.000 liều vắc xin mới đáp ứng đủ kế hoạch tiêm phòng.

Người dân phối hợp với cơ quan thú y chủ động tiêm phòng giúp hạn chế tối đa dịch bệnh
Người dân phối hợp với cơ quan thú y chủ động tiêm phòng giúp hạn chế tối đa dịch bệnh

Một điều đáng lo ngại là hiện nay Chương trình Quốc gia về khống chế và thanh toán bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2011-2015 chưa được phê duyệt nên chưa có vắc xin, trong khi đó tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến phức tạp. 40 tỉnh, thành trong cả nước đang có dịch LMLM gia súc, trong đó có các tỉnh lân cận với tỉnh Hà Tĩnh.

Trước tình hình đó, Chi cuc thú y đã có văn bản yêu cầu các Trạm thú y khẩn trương rà soát, cân đối lượng vắc xin còn thiếu đồng thời báo cáo và tham mưu cho UBND các huyện, thành phố, thị xã để đăng kí mua vắc xin tiêm phòng bệnh LMLM cho gia súc đạt kết quả tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh xẩy ra. Kinh phí mua vắc xin và chi phí vận chuyển, bảo quản, in ấn giấy chứng nhận tiêm phòng do ngân sách tỉnh cấp 50%, ngân sách huyện, thành phố, thị xã cấp 50%.

Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch LMLM, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đã cảnh báo: Năm nay, dịch LMLM lây lan mạnh, nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì tình hình sẽ xấu hơn. Bộ trưởng cho rằng, chống dịch không thể làm nhỏ lẻ, đơn phương 1 xã, 1 huyện, 1 tỉnh mà cần có sự phối hợp đồng bộ. Thiệt hại về dịch là rất lớn, đã hiện hữu và đe dọa cả ngành chăn nuôi. Nguyên nhân chính vẫn là chủ quan, tiềm ẩn trong nhận thức. Vì vậy, phải chấn chỉnh lại ý thức, tinh thần phòng chống dịch, đặc biệt là khâu tiêm phòng, buôn bán, vận chuyển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast