"Đánh thức" 565 ha ao hồ nước ngọt, nông dân Can Lộc thu 30 tỷ đồng/năm

(Baohatinh.vn) - Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Đánh thức” 565 ha ao hồ nước ngọt, nông dân Can Lộc thu 30 tỷ đồng/năm

Từng là sản phẩm phụ trong hệ thống trang trại chăn nuôi, hiện cá nước ngọt đã trở thành sản phẩm chính của gia đình anh Phan Danh Định ở làng K130, xã Tiến Lộc

Với gần 3 ha ao hồ, mấy năm gần đây, anh Phan Danh Định ở làng K130, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc đã đầu tư thả nuôi đồng thời cả cá giống và cá thương phẩm. Với hình thức thu hoạch thường xuyên, bình quân mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 60 tấn cá giống và cá thương phẩm các loại, chủ yếu là cá lóc, chép, mè, trắm cỏ….

Anh Định cho biết, giá bán cá nước ngọt gần đây khá ổn định và đang có chiều hướng tăng cao do sản phẩm trên thị trường còn khá khan hiếm, như cá lóc chủ yếu nhập về từ các tỉnh phía Nam. Bình quân mỗi kg cá thịt có giá bán 50.000đ, cá giống 60.000đ/kg, mỗi năm, doanh thu của anh đạt gần 3 tỷ đồng.

“Với thị trường sản phẩm cá nước ngọt như hiện nay, người nuôi hoàn toàn không lo việc tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm cá lóc. Mặc dù gia đình nuôi số lượng khá lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn hàng” - anh Định chia sẻ.

Anh cũng cho biết, sắp tới sẽ vay thêm vốn để đầu tư xây ao nuôi xi măng với diện tích 500m2 để nuôi cá lóc với quy mô khoảng 30 vạn con cá thương phẩm/lứa.

“Đánh thức” 565 ha ao hồ nước ngọt, nông dân Can Lộc thu 30 tỷ đồng/năm

Mặc dù sản lượng thủy sản của gia đình anh Định hàng năm khá lớn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các bạn hàng

Sau một thời gian tập trung chỉ đạo phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, huyện Can Lộc đã hình thành được 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gồm: hói Nhà Nòi tại xã Khánh Lộc (24 ha), vùng Đồng Vựng tại xã Tiến Lộc (58 ha), vùng Đồng Sau tại thị trấn (13,7 ha), vùng Làng Chùa tại xã Thuần Thiện (9 ha). Hiện các vùng dự án này đã được các hộ dân nhận hồ và đưa vào sử dụng. Trong đó, nhiều vùng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường, điện, trạm bơm khá đầy đủ.

Ngoài nuôi trồng theo hình thức truyền thống, hiện nay, Can Lộc đang chỉ đạo một số địa phương ở các vùng có điều kiện thuận lợi triển khai phát triển nuôi cá lồng bè, vừa giảm chi phí vừa nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, đã có 19 hộ nuôi cá lồng bè, tập trung ở các địa phương: Thị trấn 6 hộ, Tùng Lộc 4 hộ, Thiên Lộc 5 hộ, Gia Hanh 4 hộ.

“Đánh thức” 565 ha ao hồ nước ngọt, nông dân Can Lộc thu 30 tỷ đồng/năm

Kể từ khi được bàn giao cho Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Can Lộc, Trại cá giống Tiến Lộc đã phát huy vai trò của mình

Thực hiện chủ trương phát triển nuôi cá nước ngọt, huyện Can Lộc có lợi thế là có trại cá giống Tiến Lộc, vừa được chuyển giao từ tỉnh về Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi của huyện quản lý.

Không chỉ đóng vai trò là trụ cột về sản lượng thủy sản hàng năm của huyện, Trại giống cá Tiến Lộc còn là nơi nghiên cứu và cung ứng một lượng lớn cá giống đảm bảo chủng loại và chất lượng cho các mô hình nuôi trên địa bàn. Với 11 cơ sở ươm nuôi cá giống trên địa bàn, bình quân lượng cá giống hàng năm đạt khoảng 1,7 triệu con, thì riêng trại cá giống Tiến Lộc đã ươm nuôi và cung ứng 1 triệu con cá giống. Từ năm đến nay, riêng tiền bán cá giống, cơ sở sản xuất này đã thu về trên 2 tỷ đồng.

“Là cơ sở sản xuất giống do Trung tâm quản lý, chúng tôi luôn xác định, không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm cân đối và đáp ứng nhu cầu con giống đảm bảo về cả chủng loại, số lượng, chất lượng và giá cả hợp lý cho người nuôi trên địa bàn” - ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Can Lộc chia sẻ.

“Đánh thức” 565 ha ao hồ nước ngọt, nông dân Can Lộc thu 30 tỷ đồng/năm

Cá lóc nuôi trong bể xi măng đang được người dân Can Lộc phát triển với số lượng lớn do dễ nuôi, dễ tiêu thụ, giá bán khá cao

Đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt của huyện Can Lộc đạt 565 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 600 tấn, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Đây được coi là một trong những nguồn thu chính trong cơ cấu kinh tế, đang được huyện Can Lộc tập trung chỉ đạo phát triển trong thời gian tới.

“Song song với việc khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản dọc hai tuyến sông Nghèn và các vùng nuôi tập trung, huyện Can Lộc tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư nuôi thâm canh và liên kết với doanh nghiệp, phát triển các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao để tăng sản lượng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho biết.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast