Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại có nhiều chuyển biến tích cực

Đã có thời, tình hình buôn lậu, gain lận thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 127 tỉnh và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực đấu tranh phòng chống và đã tạo được một thị trường ổn định, lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội.

Xe qua cửa khẩu Cầu Treo. Ảnh: cautreo.gov.vn

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo 127 đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại dưới nhiều hình thức. Các ngành đã bám sát nhiệm vụ chính trị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phù hợp với từng vùng, miền và đối tượng để người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dung thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Bên cạnh tuyên truyền, các ngành đã chú trọng công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn; tập huấn, hướng dẫn quy định về ghi nhãn hàng hoá, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực thi và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ; hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với việc triển khai pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ban cũng đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước cũng như quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Hải quan Cầu Treo thu giữ lô hàng gồm 299 thùng bia Heineken (loại 500 ml/lon) và 250 cây thuốc lá Seabird... Ảnh: Công Thành

Trước tình hình buôn lậu trên tuyến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Quốc lộ 8A diễn biến phức tạp đầu những năm 2000, Ban Chỉ đạo 127 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 15/CT/UB-TM ngày 16/7/2002 về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trên địa bàn và trọng điểm là khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Quốc lộ 8A. Trong những thời điểm cụ thể, Ban đã chỉ đạo các ngành phối hợp cùng chính quyền các huyện biên giới tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các vùng giáp ranh giữa khu kinh tế và nội địa, nhất là tại các đường mòn nhỏ giữa các khu dân cư trong và ngoài Khu kinh tế, kiên quyết không để buôn lậu trở thành điểm nóng trên địa bàn..

Trên tuyến biển, năm 2003 về trước, tình hình buôn lậu diễn ra khá phức tạp. Một số tàu thuyền vận chuyển hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn Hà Tĩnh qua các cảng biển, cửa sông, cửa lạch. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là: Gạch ốp lát, kính xây dựng, bia, xe đạp... Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các lực lượng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển, các cửa sông, cảng biển, các tụ điểm thường tập kết hàng lậu, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, buôn bán, chứa chấp hàng lậu. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, tình trạng buôn lậu trên tuyến biển đã cơ bản được ngăn chặn, không còn các tụ điểm, đường đây buôn lậu như trước. Công tác đấu tranh chống buôn lậu tuyến Quốc lộ 1A, 8A được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Các lực lượng chức năng như: Công an, QLTT... trên cơ sở công tác điều tra, trinh sát, cài cắm cơ sở, nắm bắt chính xác các thông, từ đó có kế hoạch phối hợp đấu tranh hiệu quả. Các ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình, xác định chính xác đối tượng kinh doanh hàng nhập lậu từ đó phối hợp lực lượng tổ chức kiểm tra bắt giữ và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Lực lượng QLTT kiểm tra , xử lý các đối tượng gian lận trong kinh doanh. Ảnh: Chính Thu

Thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 27/10/1999 về việc đẩy mạnh công tác chống sản xuất buôn bán hàng giả; Chỉ thị 28/2008/TTg ngày 08/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 TW, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo chất lượng VSATTP, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra được các ngành, các lực lượng thực hiện theo chuyên đề, lĩnh vực phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý ngành, tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân; Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành theo từng thời điểm cụ thể và đã đấu tranh hiệu quả với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 303 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, 406 vụ vi phạm quy định về ghi nhãn mác, 336 vụ vi phạm về đo lường và chất lượng hàng hoá, 248 vụ vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…; tịch thu tiêu hủy số lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng như: 29.000 bao bì bột ngọt; 1.620 gói bột ngọt, 465 hộp sữa các loại; 7.900 gói mỳ ăn liền; 955 gói kẹo; 330 kg bột giặt; 27.300 quả trứng gia cầm không qua kiểm dịch; 895 lít bia hơi giả; 915 lon nước giải khát; 237 chai rượu; 767 lọ mỹ phẩm; 26,7 tấn phân bón; 6,5 tấn xi măng; 7.235 phụ kiện xe máy; 3.188 ke chống bão; 2.320 máy tính học sinh; 1.890 mũ bảo hiểm và nhiều hàng giả hàng kém chất lượng khác; bắt giữ và xử lý hàng nghìn vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu có giá trị lớn, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast