ASEAN đóng vai trò chủ đạo với hoà bình, phát triển khu vực

Cộng đồng ASEAN đang định hình với vai trò chủ đạo phục vụ hòa bình, ổn định phát triển và phúc lợi của người dân.

>ASEAN quyết tâm biến "tầm nhìn" thành "hiện thực"

Ngày 8/8 ASEAN kỷ niệm 46 năm ngày thành lập (8/8/1967 – 8/8/2013). Qua 46 năm phát triển, ASEAN đã đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn PV VOV online về những đóng góp của ASEAN cũng như những thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong thời gian tới.


Thứ trưởng Phạm Quang Vinh (Ảnh: mofahcm)

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh (Ảnh: mofahcm)

PV: Xin ông đánh giá tổng quan về những thành tựu mà ASEAN đạt được trong thời gian qua?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Thời gian vừa qua ASEAN đã đóng góp tích cực vào trong giải quyết các vấn đề của khu vực. ASEAN đã xử lý những vấn đề và những thách thức liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực trong đó có cả vấn đề biển Đông.

Theo đó, làm sao có thể duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, bảo đảm giải quyết hòa bình, tranh chấp, đồng thời là tuân thủ Luật pháp Quốc tế, Công ước Luật biển. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến và phức tạp ở khu vực và thế giới, ASEAN phải thực hiện tốt việc xây dựng Bộ Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC).

ASEAN đến nay cơ bản đã xóa bỏ những rào cản về mặt thuế quan trong việc giao lưu hàng hóa giữa các quốc gia trong khu vực và dự kiến đến 2015 thì hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ đưa thuế quan về bằng 0.

Thứ hai, ASEAN đã thiết lập một hệ thống Khu vực mậu dịch tự do thương mại đối với rất nhiều đối tác, đặc biệt là những đối tác ở trong khu vực Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, và tạo ra một không gian kinh tế vừa giúp ASEAN phát triển vừa tạo được sự phát triển năng động của cả khu vực Đông Á nói chung.

Thứ ba, ASEAN đã góp phần thúc đẩy những biện pháp về xây dựng lòng tin, tạo ra những cơ chế về hợp tác trong khu vực mà có thể gắn kết các đối tác bên ngoài, đặc biệt là tất cả các nước lớn để thực hiện những mục tiêu chung trong khu vực.

Đây chính là cơ sở cho một khu vực đang định hình với vai trò chủ đạo và chủ động phục vụ hòa bình, ổn định, phát triển và phúc lợi của người dân.

ASEAN còn 2 năm rưỡi nữa để xây dựng Cộng đồng. Tuy đã đi được 2/3 chặng đường, nhưng những khó khăn và thách thức phía trước mắt còn rất nhiều, đặc biệt là những yêu cầu về liên kết, và hội nhập cao hơn, nhất là về mặt kinh tế.

Bởi vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN, các Bộ, Ngành trong các lĩnh vực của các nước thành viên ASEAN đều đặt ra quyết tâm rất lớn là phải tăng tốc để đạt được mục tiêu. Từ nay đến 31/12/2015 ASEAN phải có một tầm nhìn mới, dài hơi hơn, chiến lược hơn.

PV:Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của ASEAN, được bạn bè đánh giá cao. Xin ông nói rõ hơn về những đóng góp đó?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Việt Nam tham gia ASEAN đã 18 năm. Trong 18 năm qua, Việt Nam càng ngày càng tham gia tích cực hơn, đóng góp trách nhiệm hơn vào nỗ lực chung của ASEAN . Điểm đáng chú ý ở đây là Việt Nam tham gia vào ASEAN song trùng với quá trình đổi mới và hội nhập. Điều kiện này đã tạo ra vị thế mới, năng động mới cho Việt Nam để có thể đóng góp sâu rộng vào ASEAN.

Chúng ta đã từng bước hội nhập vào ASEAN với việc thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm với tư cách là thành viên ASEAN, từ việc thực hiện những văn bản đã có trong ASEAN, như Hiệp ước hợp tác thân thiện Đông Nam Á (TAC), hay thực hiện từng bước những chỉ tiêu, tiêu chí về hội nhập.

Sau đó, chúng ta đã vươn lên trở thành nước tham gia vào quá trình định hướng những hoạt động của ASEAN như tham gia nhiều lần làm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đặc biệt chúng ta đã đạt được nhiều thành quả khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh qui định cơ cấu tổ chức mới của ASEAN theo Hiến chương ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội 2010 (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội 2010 (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đó là lần đầu tiên chúng ta làm Chủ tịch ASEAN theo Hiến chương trên tất cả các kênh chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội. Tất cả các nước đã đánh giá cao việc Việt Nam đã tạo ra cơ sở pháp lý để Hiến chương đi vào cuộc sống, thực sự khởi động Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được thông qua năm 2009. Đồng thời, tạo ra vai trò chủ động hơn, tích cực hơn của ASEAN trong việc duy trì hòa bình khu vực.

Tiếp nữa là chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các văn kiện mang tính chiến lược của ASEAN, tạo ra nền tảng cho ASEAN đi vào cộng đồng, mở ra những bước phát triển tiếp theo của ASEAN. Đồng thời, mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác. Chúng ta có thể điểm ở đây những đóng góp đó:

Thứ nhất, Chúng ta đóng góp tích cực vào việc xây dựng Hiến chương. Đây là văn bản cơ bản của ASEAN, đưa ASEAN từ một Hiệp hội hoạt động dựa trên một tuyên bố chính trị năm 1967, giờ đã hoạt động trên cơ sở pháp lý với cơ cấu tổ chức mới để thực hiện hiệu quả những hoạt động của ASEAN.

Thứ hai, là Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dự trên 3 trụ cột chính là, chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Chúng ta đã đóng góp rất tích cực.

Thứ ba, Kế hoạch tổng thể của ASEAN về kết nối cộng đồng ASEAN thông qua 2010 tại Việt Nam.

Còn nhiều văn kiện nữa, tạo thành khung chính trị và pháp lý để ASEAN đi vào cộng đồng, để ASEAN mở rộng quan hệ với đối tác, phát huy vai trò ở khu vực.

Những đóng góp đó tạo ra vị thế mới cho Việt Nam, đồng thời cũng thúc đẩy những nỗ lực chung của ASEAN trong việc thực hiện những mục tiêu của mình.

Bản thân Việt Nam là nước tham gia vào ASEAN muộn hơn với nền kinh tế phát triển chậm hơn so với những các nước khác, do đó, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để đạt được những tiêu chí về hội nhập và liên kết kinh tế.

Việc chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đã tạo đà cho Việt Nam có thể bắt kịp và bây giờ đã chủ động tham gia sâu sắc hơn trong chặng đường đến năm 2015 và sau đó.

Việt Nam đang có vai trò tích cực trong việc làm sao cho ASEAN đoàn kết, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và phát triển những năm tiếp theo. ASEAN phải đóng góp với tư cách là hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh, hòa bình, phát triển ở khu vực. Cuối cùng ASEAN cũng phải là nhân tố tạo ra sự liên kết để có không gian kinh tế, không gian thị trường thúc đẩy sự phát triển của ASEAN.

Tôi tin rằng, Việt Nam với chính sách đối ngoại của mình, thành quả đổi mới của mình, với kinh nghiệm và đà đóng góp trên tinh thần trách nhiệm vừa qua, chúng ta sẽ được bạn bè đánh giá cao và đóng góp tích cực hơn vào cộng đồng ASEAN./.

PV: Những diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới đang tạo ra những thách thức mới đối với ASEAN. Vậy theo ông, ASEAN phải làm gì để giải quyết những thách thức đó?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ASEAN sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Hiện nay, các nước lớn đều coi trọng ASEAN, tạo điều kiện cho ASEAN phát triển. Tuy nhiên, họ cũng tranh thủ ASEAN để phục vụ lợi ích của mình. Do đó, ASEAN phải tăng cường hợp tác trong sự cạnh tranh đó của các nước lớn. Để đạt được mục đích của mình, ASEAN phải tuân thủ cũng như tích cực thực hiện các qui định đề ra trong Hiến chương.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Bùi Hùng /Thực hiện

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast