Tiểu đội trưởng Dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

(Baohatinh.vn) - Với chiến thuật “bắn chẻ đầu”, bà chỉ huy tiểu đội bắn rơi hàng chục máy bay; đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Thời bình, bằng những công việc bình dị, bà lặng lẽ cống hiến hết mình để xây dựng quê hương, đất nước. Bà là Tưởng Thị Diên - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương (Kỳ Anh).

Những phụ nữ bình dị:

>> Hạnh phúc được làm việc và cống hiến

“Nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê”

Ở tuổi 67, sức khỏe đã kém nhiều, song khi được hỏi chuyện về Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương, 2 mắt bà Diên trở nên sáng rực. Bà như khỏe lại. Câu chuyện về những năm tháng hoa lửa lại tiếp dài theo lời kể đầy xúc động, tự hào của người trong cuộc.

Sinh ra tại mảnh đất Quảng Bình nắng gió, bà Diên theo cha mẹ sơ tán ra Hà Tĩnh. Năm 18 tuổi, bà tham gia Đội Dân quân tự vệ huyện Kỳ Anh. Lúc này, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, địch leo thang đánh chiếm vĩ tuyến 17.

Bà Tưởng Thị Diên xem lại bức ảnh chụp 9 cô gái trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương anh hùng.

Bà Tưởng Thị Diên xem lại bức ảnh chụp 9 cô gái trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương anh hùng.

Lúc bấy giờ, Kỳ Phương là một trận địa huyết mạch. Thế trận ở đây vừa có rừng lại có biển, địa thế cách trở bởi Đèo Ngang. Bởi vậy, quân Mỹ ra sức oanh tạc, hòng chiếm trận địa này. Năm 1966, xã đội Kỳ Phương thành lập một tổ thanh niên xung phong gồm 13 người: 9 nữ và 4 nam; nam trực pháo và nữ đánh phòng không. Năm 1967, tổ thanh niên xung phong tách ra 2 tổ, tổ nữ tham gia trực đánh phòng không và tổ nam đánh tàu khu trục hạm. Từ đó, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương ra đời gồm 9 cô gái tuổi từ 17-19, được biên chế một khẩu trung liên.

Với chiến thuật “bắn chẻ đầu”, Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên đã chỉ huy chị em trong vòng 27 ngày (từ 26/7 - 21/8/1968) bắn rơi 3 máy bay, phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 12 máy bay của đế quốc Mỹ và trở thành đơn vị tiêu biểu của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân - một trong 3 đơn vị bắn rơi 2 máy bay trở lên được phong tặng danh hiệu anh hùng của cả nước lúc bấy giờ.

Tuổi cao, trí nhớ có phần hạn chế nhưng với Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên thì những tháng ngày cùng đồng đội nằm xoãi trên cồn cát canh máy bay địch, ngày bà được vinh dự thay mặt tiểu đội ra thủ đô gặp Bác Hồ vẫn còn in đậm trong ký ức. Bà kể: “Tôi là một trong 2 nữ đại biểu trong đoàn Quân khu 4 được tham dự đại hội chiến sỹ thi đua yêu nước. Hôm đó vào ngày 15/5/1969, đoàn được lệnh sẽ gặp Bộ Chính trị và Bác Hồ. Trước đó, đồng chí Tố Hữu gặp đoàn và căn dặn: Bác vừa đi tiêm ở Liên Xô về, sức khỏe yếu nên không được gặp Bác lâu cũng như không được ôm Bác làm Bác xúc động”.

Khi gặp Bác, Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên là một trong 5 người được báo cáo thành tích với Người. Nghe bà báo cáo, Bác Hồ tấm tắc gật đầu: “Người thì nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê! Nói như vậy nhưng không được thỏa mãn với thành tích của mình, phải cố gắng hơn nữa”. Sau giây phút hiếm hoi được gặp Bác Hồ, suốt những năm tháng về sau, bà luôn sống với lời dạy của Người. Bộ quân phục và huy hiệu được Bác tặng trong buổi gặp mặt, nay được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, như một chứng nhân “sống, làm việc theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”…

“Cống hiến cho quê hương - thời chiến cũng như thời bình”

Sau chiến tranh, Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương lui về hậu phương sản xuất. Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên về làm Bí thư Đoàn xã (từ năm 1974-1979), sau này là Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phương (từ năm 1979-1980).

Bức ảnh chụp Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên (người cầm súng) năm 1968

Bức ảnh chụp Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên (người cầm súng) năm 1968

Dù đã nghỉ hưu nhưng hiện bà vẫn là thành viên tích cực của hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh địa phương. Với bà, việc cống hiến cho quê hương, dù là trong thời chiến hay giữa thời bình cũng đều là việc làm đương nhiên. Bởi vậy, năm 2010, khi địa phương thực hiện di dời tái định cư, bà Diên đi đầu, tích cực vận động bà con thực hiện chủ trương. Bà là một trong những người đầu tiên tự nguyện dỡ bỏ hàng rào để hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Ngắm nhìn quê hương đang từng ngày đổi mới, những cồn cát trắng xóa xưa là thế trận thì nay mọc lên những nhà máy, khu dân cư... bà không khỏi bồi hồi xúc động: “9 chị em thì có 1 người hy sinh trong chiến đấu. Một số theo gia đình đi làm ăn ở miền trong. Giờ ở quê chỉ còn lại 4 người. Dù bận rộn nhưng chị em vẫn thường gặp nhau ôn chuyện cũ”. Không chỉ ôn chuyện xưa, bằng tình yêu thương, đùm bọc nhau, hằng năm, chị em trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương đều góp quỹ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống.

Gần nửa thế kỷ qua, người còn, người mất nhưng với Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên, những năm tháng vác súng đi tuần dọc bờ biển xã Kỳ Lợi đến chân Đèo Ngang hay những lần đi xin cơm bộ đội về ăn lấy sức chiến đấu... vẫn hàng đêm xuất hiện trong giấc mơ của bà. Đối với bà, đó không chỉ là những ký ức hào hùng không bao giờ quên mà còn là lời nhắc nhở bà phải luôn sống xứng đáng với quá khứ, với lịch sử.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast