Gần 22.000 lao động nông thôn được dạy nghề

Chiều 13/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp trù bị với Ban Chỉ đạo đào tạo nghề cho nông thôn nhằm lấy ý kiến của các bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện cho báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây cũng là tài liệu quan trọng chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc diễn ra vào ngày 15/4 tới đây.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg cách đây hơn 1 năm.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 2010 là năm đầu tiên thực hiện Đề án với nhiều chuyển biến tích cực, đã có kết quả bước đầu trong thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và nâng cao mức sống ở 11 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở 11 tỉnh.

Năm 2010 đã tổ chức dạy nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn theo các mô hình dạy nghề vùng chuyên canh, chuyên con; tổ chức thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp và hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho lao động nông thôn học nghề… Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình tối thiểu đạt 80%. Hoàn thành “Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2006 - 2010" đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong 1 năm qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo 10 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập phòng dạy nghề. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. 509/697 huyện và nhiều xã đã thành lập Ban Chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện Đề án 1956.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động chưa thường xuyên, nhiều địa phương chưa ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung một lãnh đạo Bộ Công Thương tham gia thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ý nghĩa của Đề án 1956 trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đảm bảo thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với lao động nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để trong năm 2011 xem xét mức hỗ trợ và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn; bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, năng lực quản lý cho khoảng 100.000 cán bộ, công chức xã; đồng thời tìm các giải pháp để tổ chức phân bổ và sử dụng có hiệu quả kinh phí thực hiện Đề án theo từng giai đoạn.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast