Cầu Hiền Lương một thuở!

(Baohatinh.vn) - Ngày 20/7/1954 với dân tộc Việt Nam ta trở thành một dấu mốc buồn - vui lẫn lộn. Vui là vì hòa bình đã trở về trên miền Bắc. Buồn là một nửa nước yêu thương đang nằm trong tay giặc. Cầu Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 cũng từ đó trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt kéo dài đằng đẵng suốt 20 năm. Năm tháng qua đi. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song quá khứ hào hùng một thuở đôi bờ sông Tuyến vẫn mãi vẹn nguyên trong ký ức của những người lính thế hệ chúng tôi.

Kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954 - 20/7/2014)

Nỗi đau chia cắt

“Tôi đứng gác ngày đêm nơi đầu cầu Bến Hải

Dòng Hiền Lương trong xanh một dải

Như mạch máu hai miền từ Bắc chảy vào Nam…”

Lịch sử bi hùng của đất nước đã đưa chúng tôi, những thanh niên Xứ Nghệ mới rời ghế nhà trường những năm 1960-1961, vào trấn giữ vùng biên viễn Vĩnh Linh - Quảng Trị. Những câu thơ đó đã neo đậu vào tâm khảm, trở thành một nỗi nhớ khôn nguôi trong lớp cán bộ, chiến sĩ bảo vệ giới tuyến Hiền Lương thuở ấy.

Do quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, vùng phi quân sự (DMZ - Dimilitare Zone) được thiết lập dọc hai bên bờ sông Bến Hải - Hiền Lương. Tại khu vực DMZ này, hai bên không được bố trí quân đội, nên hành quân đến Đồng Hới (Quảng Bình) thì cánh tân binh chúng tôi phải ngồi trong xe tải bịt vải kín mít, chạy thâu đêm vào tập kết ở Tiểu đoàn 1 Ba Lòng gần thị trấn Hồ Xá, rải ra tận các đơn vị thuộc Lữ đoàn 270 đứng chân từ Sen Thủy - Quảng Bình.

Cầu Hiền Lương những ngày đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Ảnh tư liệu từ internet
Cầu Hiền Lương những ngày đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Ảnh tư liệu từ internet

Sau một thời gian huấn luyện tân binh, được phong hàm hạ sĩ, chỉ huy tiểu đội, tôi được chọn cùng một số anh em bổ sung vào đội quân “đêm đỏ, ngày xanh” bảo vệ cầu Hiền Lương lịch sử. Như đã nói ở trên, theo quy chế, việc bảo vệ giới tuyến quân sự sẽ do lực lượng công an và cảnh sát của hai bên đảm nhận. Vì thế, tôi và một số chiến sĩ được chọn ăn mặc, trang bị quân hàm xanh, hàng ngày tăng cường cho công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) cầu Hiền Lương làm nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự và kiểm tra người qua lại giới tuyến.

Thật khó để tả hết sự lo lắng, hồi hộp của chúng tôi khi lần đầu tiên được đội mũ đeo sao công an vũ trang, khoác khẩu tiểu liên AK bước qua cầu Hiền Lương sang làm nhiệm vụ ngay trên đất địch, giữa sào huyệt của kẻ địch. Theo quy định đổi bờ, tuần này, một tổ công an ta gồm 6 người sang gác bờ Nam thì tuần sau một tổ cảnh sát ngụy 6 người sang gác bờ Bắc. Mỗi đồn của ta và của ngụy thường xuyên có hai người (mỗi bên một người) để cùng kiểm soát đò ngang, ngư dân đi lại đánh cá trên biển Cửa Tùng. Hàng tháng, đúng vào ngày chẵn, một tổ 3 người của ta mang sổ trực sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 người của đối phương lại sang bờ Bắc trao đổi công việc. Cứ như vậy, suốt trong 13 năm trời từ 1954-1967 (khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, dùng máy bay ném bom phá hủy cầu), cây cầu Hiền Lương chỉ dài 178m, rộng 4m trở thành một vách ngăn vô hình tình cảm thiêng liêng của cả một dân tộc!

Biết bao câu chuyện cảm động và thương tâm đã diễn ra ngay bên hai bờ con sông rộng chưa đầy 200m này. Nhằm cách ngăn, chia rẽ tình cảm của bà con đôi bờ, bọn Mỹ - ngụy không từ một thủ đoạn nào, từ đánh đập, giết hại, khảo tra đến tung gián điệp trà trộn vào trong dân ngăn cản sự liên hệ của hai phía. Để che mắt địch, bà con bờ Nam chỉ có thể dùng ám, ký hiệu báo tin cho nhau…

Cuộc chiến… lá cờ

Trong những năm làm nhiệm vụ ở đây, có quá nhiều kỷ niệm, cảm xúc lắng sâu, song, lá cờ của Tổ quốc tung bay là hệ trọng và thiêng liêng nhất, trở thành cuộc chiến mất còn giữa ta và địch.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trên tuyến đường quốc lộ 1A ngày nay. Ảnh tư liệu từ internet
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trên tuyến đường quốc lộ 1A ngày nay. Ảnh tư liệu từ internet

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, tất cả các đồn cảnh sát giới tuyến đều được treo cờ hàng ngày. Về phía ta, cột cờ ban đầu bằng cây phi lao cao 12m, khổ cờ cũng chỉ 3,2m x 4,8m. Sau khi phía địch cắm một cây cờ cao 15m lên nóc lô cốt Xuân Hòa, theo yêu cầu của bà con, công an vũ trang lặn lội vào rừng sâu chặt được cây gỗ làm cột cờ mới cao 18m, treo lên đó lá cờ đỏ sao vàng bằng vải sa tanh rộng 24m. Chỉ mấy hôm sau, bên phía bờ Nam, chúng cho dựng nên một cờ ba sọc lớn có hệ thống nê-ông nhấp nháy đủ màu sắc trên một trụ cờ cao 30m bằng xi măng cốt thép.

Một cuộc chiến âm thầm về thượng cờ diễn ra liên tục những năm sau đó. Không thể để lép vế với địch, tháng 7/1957, Trung ương chỉ thị cho Cục Cơ khí điện nước lắp đặt tại Hà Nội và vận chuyển vào giới tuyến một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m. Trên đỉnh cột gắn một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m; 5 đỉnh ngôi sao gắn 15 bóng điện loại 500W. Khi cờ được kéo lên, bà con cả hai bờ vui sướng đến chảy nước mắt. Mọi người như đều ngừng công việc, hân hoan ngước nhìn lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ, tung bay trong nắng sớm.

Ngụy quyền Sài Gòn lại cho lắp cột cờ mới cao 35m, may cờ khổ lớn hơn chúng ta. Năm 1962, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam cho gia công cột cờ cao 38,6m vận chuyển thẳng từ Hà Nội vào. Một lá cờ đại rộng 134 m2, nặng 15 kg rất đẹp được treo lên trên đó. Cách đỉnh cột cờ 10m có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng kéo và thu cờ về cuối ngày. Đây được xem là cột cờ cao nhất, lá cờ lớn nhất của chúng ta được lắp đặt và treo lên tại giới tuyến 17 lịch sử.

Kẻ địch vô cùng tức tối trước biểu tượng thiêng liêng của nước Việt Nam thống nhất. Từ năm 1965 trở đi, chúng đã nhiều lần cho máy bay, tàu chiến ném bom, bắn phá hòng hủy hoại cờ của chúng ta, nhưng đều thất bại. Ngày 8/2/1965, đích thân tướng không quân Cao Kỳ lái chiếc AD6 bắn phá cột cờ. Nhưng việc không thành, hắn lại bị thương suýt mất mạng vì đạn cao xạ của phía ta bắn trả.

Tính ra, để bảo vệ sự an toàn, đứng vững của lá cờ Tổ quốc trên bờ sông Tuyến, các chiến sĩ công an vũ trang Đồn Hiền Lương chúng tôi đã trải qua trên 300 trận chiến đấu lớn nhỏ, 3 lần tóm gọn biệt kích thám báo địch vượt sông, đặt mìn phá hoại cột cờ. Máu các đồng đội đã góp phần nhuộm thắm đỏ thêm lá cờ bất diệt đó. Hai đồng chí hy sinh, 8 đồng chí bị thương, 11 dân quân Hiền Lương cũng đã ngã xuống nơi đây, 8 người còn lại vĩnh viễn mang thương tích bởi cuộc chiến giữ cờ vinh quang đó.

Hôm nay, đứng trên cầu Hiền Lương lộng gió, dõi mắt nhìn về một dải Vĩnh Mốc, Cửa Tùng, Cát Sơn, Xuân My, Bạch Lộc… một thuở chìm ngập trong đạn bom, nay đã màu xanh bát ngát. Vết thương quá khứ đã lên da non, sự sống hồi sinh đến khó tin ngay trên đôi bờ sông Tuyến. Một loạt công trình đã được tạo dựng lên nơi đây để nhắc nhớ mọi người về một thời đau thương, bi tráng mà hào hùng trác tuyệt. Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, cầu Hiền Lương, lô cốt bờ Nam, kỳ đài bờ Bắc, cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam… tất cả sẽ mãi mãi đi vào tiềm thức khó quên của dân tộc ta và cả bạn bè năm châu.

Nơi đây đã từng diễn ra dai dẳng, khốc liệt một cuộc đấu tranh lúc bằng lý trí, lúc bằng “chọi loa, chọi cờ”, lúc bằng chính cả sự sống còn của những con người vì sự thống nhất, trường tồn của đất nước. Nhà điện ảnh Hà Lan Giôrit I Ven khi đến đây đã thốt lên: “Vĩ tuyến 17 - nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.

Tháng 7/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast