Kinh tế Việt Nam 2014: sẽ phục hồi nhưng chưa vững chắc

Ngày 11-10 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu không đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn hiện nay, đến năm 2014-2015 các báo cáo sẽ tiếp tục lặp lại những nội dung này.

Khá nhiều dự án giao thông tại Hà Nội đứng trước nguy cơ phải dừng đầu tư vì thiếu vốn. Trong ảnh: dự án mở rộng đường Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, trong đó có cả nguyên nhân thiếu vốn - Ảnh: Xuân Long
Khá nhiều dự án giao thông tại Hà Nội đứng trước nguy cơ phải dừng đầu tư vì thiếu vốn. Trong ảnh: dự án mở rộng đường Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, trong đó có cả nguyên nhân thiếu vốn - Ảnh: Xuân Long

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015... Nét nổi bật trong những kết quả đã đạt được là kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiềm chế. “So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2013 tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm qua” - ông Vinh nói.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền thời gian qua chưa cao, sờ vào đâu cũng thấy thất thoát, lãng phí. “Trong đầu tư công, khả năng hoàn thành dứt điểm rất thấp, chúng ta cứ nói cắt giảm là cắt trên sổ sách thôi chứ cả cái dở dang đang nằm ở đấy, chôn ở đấy, vậy lấy đâu ra hiệu quả” - ông Hùng phân tích.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, nền kinh tế đang phải đối mặt với mất cân đối lớn về tài chính. “Mức bội chi và mức dư nợ của chúng ta đang tiệm cận tới giới hạn xấu. Bội chi lớn mà lại không dành được nhiều cho đầu tư, tình hình ngày càng xấu đi. Các anh chỉ nói đến bội chi mức 4,8% hay 5,3% chứ có nói đến những khoản khác đâu. Đã nói đến bội chi phải nói đến cân đối tổng thể, phải cân đối được giữa nguồn lực và yêu cầu phát triển” - ông nói.

Ông Hùng cho rằng: “Bây giờ đòi hỏi một nền giáo dục có chất lượng mà chi phí cho một đầu học sinh cần 1-2 triệu đồng, nhưng các đồng chí bảo không, tôi chỉ đưa cho ông có 500.000 đồng thôi thì làm sao đòi hỏi chất lượng được. Chữa một ca bệnh 2-3 triệu, thậm chí 40-50 triệu đồng, các đồng chí bảo không có tiền chừng ấy, cứ chữa đi, vậy lấy đâu ra chất lượng”. Theo ông Hùng, nếu không bày ra được cách giải quyết và không tính giải quyết thế nào thì “đến năm 2014, 2015 báo cáo ra cũng vẫn thế thôi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng kinh tế - xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, có khả năng không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch năm năm 2011-2015. Theo các ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Việt Nam chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%)”.

Về hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết tồn kho hàng hóa có giảm nhưng chủ yếu là do nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước”.

Báo cáo của Chính phủ nhận định “năm 2014 tăng trưởng kinh tế có nhiều khả năng sẽ phục hồi nhưng chưa vững chắc. Nhu cầu nguồn lực thực hiện ba đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia là rất lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp... Năm 2014 cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao do tác động độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013”. Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014 là 5,8%, lạm phát 7%, bội chi 5,3%

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast