Kỳ III: Dạy nghề cho người khuyết tật chỉ là chiêu bài...

Sau gần 7 năm thành lập, Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa không đi vào hoạt động theo đề án, Giám đốc Trung tâm chỉ lợi dung chiêu bài “dạy nghề cho người khuyết tật” để trục lợi. Bằng chứng là từ khi thành lập đến nay, Trung tâm này không có hoạt động đào tạo nghề và hầu hết người khuyết tật đến với Trung tâm chỉ là những người làm thuê.

Nhiều dấu hiệu mờ ám ở Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa

> Kỳ I: Đơn tố cáo Chủ tịch UBND xã không đúng sự thật

> Kỳ II: “Hành trình” lấn chiếm và sử dụng đất bất hợp pháp...

Ngày 2/10/2006, UBND huyện Thạch Hà ra Quyết định 683 cho phép thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em trên địa bàn có tên Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa. Theo đề án thành lập, Trung tâm này có quy mô đào tạo 50 học sinh/năm với các ngành nghề: tin học, cơ khí, xây dựng, mộc, hội họa, điêu khắc, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và một số ngành nghề khác.

Những người tàn tật đang làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa là những lao động làm công ăn lương, đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, không phải là học viên đến học nghề.
Những người tàn tật đang làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa là những lao động làm công ăn lương, đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, không phải là học viên đến học nghề.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa thực chất chỉ là một cơ sở sản xuất (đúc, đắp các con vật để bán) của ông Phạm Công Ngụ chứ không có hoạt động dạy nghề, truyền nghề cho người khuyết tật. Điều này được thể hiện, trong khuôn viên không thấy người tàn tật, không có nhà ở, không thấy giáo viên, giáo trình hay dụng cụ thực hành, chỉ có nhà xưởng, một người bảo vệ và các sản phẩm bày bán. Số sản phẩm này chủ yếu do ông Ngụ thuê thợ điêu khắc từ nơi khác về thực hiện.

Để đánh lừa dư luận và “che mắt” các cơ quan chức năng, Giám đốc Phạm Công Ngụ đã lập ra một danh sách 73 học viên đã từng được đào tạo tại đây và khẳng định rằng, Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa luôn hoạt động có hiệu quả. Nhưng chiêu bài tinh vi của vị Giám đốc lắm mưu, nhiều trò đã bị lật tẩy. Bởi, theo tài liệu mà chúng tôi có được thì 61/73 người có tên trong danh sách đều khẳng định không học ở Trung tâm này, mà chỉ đến làm công cho ông Ngụ trong thời gian ngắn, được nuôi cơm không lương hoặc trả lương thấp nên đã nghỉ việc; số còn lại, 2 người đi vắng, 10 người không tìm được địa chỉ nên không thể xác minh.

Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Đình (thôn Vĩnh Cát, Thạch Vĩnh, Thạch Hà) vẫn chưa hết bức xúc khi kể về 14 tháng làm việc tại đây: “Năm 2009, nghe ông Ngụ nói tuyển sinh đào tạo nghề cho người khuyết tật nên tôi đăng ký vào học điêu khắc. Nhưng thực tế khi vào đây thì chúng tôi chẳng được học hành gì, hàng ngày phải chở đất lấp hồ để làm mặt bằng xây dựng Trung tâm với mức lương bọt bèo từ 180 - 450 ngàn đồng/tháng. Cá biệt, có những người bị trừ khoản này, khoản nọ và tiền cơm nên cuối tháng chẳng được nhận đồng nào”.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh trao đổi với những người từng làm việc tại Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa
Phóng viên Báo Hà Tĩnh trao đổi với những người từng làm việc tại Trung tâm dạy nghề Hoa Sữa

Em Hà Đăng Đức (quê thôn Vĩnh Trung, Thạch Vĩnh) hiện đang đi làm ăn xa, nhưng khi chúng tôi đến nhà, phụ huynh của em mang ra khoe một chứng chỉ nghề điêu khắc và một giấy khen của Trung tâm Dạy nghề - tạo việc làm miền Trung (CTEC) mang tên Hà Đăng Đức! Còn ông T. - nhân viên của ông Ngụ cũng có cùng quan điểm: “Thực chất, Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa của ông Ngụ cũng chỉ thuê người tàn tật và nghệ nhân về làm mà thôi. Điều này cũng giống như những ông chủ khác thuê người lành lặn đi làm việc cho mình rồi trả công”.

Về phần cán bộ, giáo viên, ông Ngụ cũng đã liệt kê cho chúng tôi một loạt danh sách để chứng minh rằng, Trung tâm có tổ chức bộ máy và các phòng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, qua xác minh thì danh sách này chỉ duy nhất có một người thường xuyên làm việc tại Trung tâm. Số còn lại họ là những người làm việc ở các trung tâm khác do ông Ngụ làm chủ, trong đó có những người đã từng cùng ông Ngụ tham gia làm giả con dấu, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị cấp vốn hoặc thanh quyết toán khống các nguồn kinh phí những năm trước đã bị phát hiện...

Như vậy, hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật ở Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa Thạch Hà trong ngót 7 năm qua chỉ là con số không to tướng. Điều có thực ở đây, theo chúng tôi đó là Giám đốc Phạm Công Ngụ đang lợi dụng chiêu bài dạy nghề cho người khuyết tật để thực hiện hành vi lấn chiếm, sử dụng đất đai trái phép. Đó là chưa muốn nói dưới một góc độ nào đó, ông Ngụ đang có dấu hiệu bóc lột sức lao động của người khuyết tật.

(Đón xem kỳ tiếp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast