Cẩm Xuyên chậm xử lý dịch bệnh đốm trắng ở tôm

Hơn hai tuần kể từ ngày phát dịch đốm trắng ở tôm tại vùng Bãi Rào, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh), toàn bộ khu vực nuôi vẫn chưa được xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Dường như chính quyền sở tại đang xem công việc này như là chuyện ngoài ngõ cho dù nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, ngày 27 – 3, tại vùng nuôi Bãi Rào, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) xuất hiện tình trạng tôm chết tấp vào bờ tại 4 ao nuôi của 4 hộ dân. Theo khai báo của các hộ dân này, tổng diện tích nhiễm bệnh là 2,7 ha và số giống đã thả là 65 vạn con (đều là giống tôm thẻ chân trắng). Tại thời điểm xuất hiện bệnh, tôm đã lớn và gần đến kỳ thu hoạch do được thả từ trước Tết âm lịch.

Khoanh vùng dịch, thu gom tôm chết, xử lý nguồn nước là những việc cần làm ngay để hạn chế lây lan dịch đốm trắng
Khoanh vùng dịch, thu gom tôm chết, xử lý nguồn nước là những việc cần làm ngay để hạn chế lây lan dịch đốm trắng

Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục thú y tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật Phòng Thú y Thủy sản phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, kiểm tra hiện trường và kết luận tôm chết do bị bệnh đốm trắng. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh chủ yếu do giai đoạn này đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn trong khi hầu như các ao nuôi xảy ra dịch bệnh đều có độ sâu hạn chế (dưới 1m) nên khi trời nắng to sẽ gây ra hiện tượng nóng cục bộ trong môi trường ao nuôi làm tôm bị sốc; thứ nữa còn do ao hồ nơi đây không được xử lý triệt để (do có cả tôm tự nhiên sống cùng tôm nuôi); và một nhân tố quyết định nữa là do nguồn giống không rõ ràng, không có hồ sơ kiểm dịch của ngành chuyên môn các tỉnh, thành phố quản lý việc sản xuất con giống cấp.

Để nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan sang các ao nuôi khác và các vùng nuôi trên địa bàn, ngành chuyên môn đã hướng dẫn các chủ hộ khoanh vùng, đóng cống, rắc vôi bột lên bờ ao, nhanh chóng thu gom số tôm chết và thu hoạch tôm còn sống bằng lưới, đồng thời sử dụng các dụng cụ kín để đựng tôm nhằm tránh rơi vãi nước ra ngoài; trong đó, lưu ý tôm thu hoạch chỉ được sử dụng làm thực phẩm và phải làm chín bằng nhiệt, phương tiện sau khi chứa đựng, vận chuyển tôm phải được vệ sinh và khử trùng, xác tôm chết phải được chôn đúng chỗ.

Cùng đó, ngành chuyên môn đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng huy động vật tư, hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, khử trùng khu vực nuôi, đồng thời thông báo rộng rãi cho các hộ nuôi trong vùng và các vùng nuôi khác chủ động phòng ngừa dịch bệnh thông qua việc vệ sinh ao hồ, loại bỏ động vật trung gian gây bệnh như: cua, còng, tôm, ốc tự nhiên.

Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn – Trưởng phòng Thú y Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh, cùng với triển khai các bước xử lý ban đầu, ngày 6 – 4, Chi cục đã tiến hành cấp 400 kg Chlorine hỗ trợ các hộ nuôi xử lý mầm bệnh và khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh. Tuy nhiên không hiểu vì lí do gì mà từ đó đến nay (tính đến ngày 16 – 4), chính quyền sở tại vẫn chưa tiến hành phần việc khá nhẹ nhàng nhưng vô cùng quan trọng này. Bởi thế, vào ngày 11 – 4 vừa qua, cũng tại vùng nuôi Bãi Rào này lại xuất hiện tình trạng tôm chết ở 3 hộ nuôi khác, với diện tích tôm bị bệnh là 1,5 ha, số lượng giống đã thả là 60 vạn con. Qua kiểm tra, số tôm của 3 hộ mới xuất hiện bệnh này đã đạt 15 ngày tuổi, giống thả trước lịch thời vụ gần 10 ngày và cũng không có hồ sơ kiểm dịch.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Thú y Thủy sản, dịch đốm trắng trên tôm ở xã Cẩm Lộc đang diễn biến hết sức phức tạp, nếu chính quyền địa phương không tập trung xử lý dứt điểm thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng là rất cao. Bệnh đốm trắng do vi rút đốm trắng có tên tiếng Anh là White spot syndrome virus gây ra, thông qua trung gian truyền bệnh là các loài giáp xác như: tôm rảo, cua, còng… Bệnh này có thể lây từ tôm bố mẹ sang tôm giống, lây lan từ tôm nuôi do ăn thịt đồng loại, từ các động vật mang bệnh hoặc do nguồn nước bị nhiễm vi rút.

Do bệnh đốm trắng trên tôm hiện vẫn chưa có thuốc chữa trị nên công tác phòng chống là hết sức quan trọng. Đối với các ao đã thả giống và chưa có dấu hiệu bệnh thì cần chăm sóc, quản lý sức khỏe tôm theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, đặc biệt phải đảm bảo độ sau nước ao nuôi tối thiểu 1,2 m; cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp, không dùng thức ăn tươi sống; tăng cường bổ sung Vitamin C vào thức ăn tổng hợp với liều lượng 2 – 4g/kg và một số khoáng chất vào thức ăn để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho tôm; điều chỉnh các yếu tố môi trường (độ mặn, pH, độ trong, ô xy hòa tan phù hợp); dùng lưới chắn rào xung quanh bờ để ngăn chặn động vật trung gian mang mầm bệnh từ ngoài vào; xử lý nguồn nước ở ao chứa trước khi cấp vào ao nuôi bằng hóa chất Chlorine…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast