Phát hiện Câu đối chạm nổi các bức hình trên gỗ rất lạ

Trong qúa trình khảo cứu một số di tích khu vực thuộc địa bàn xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, nơi có địa danh mà vua Quang Trung Nguyễn Huệ đặt trại huấn luyện voi phục vụ chiến dịch Kỷ Dậu (1789), nhóm điều tra chuyên ngành di sản văn hóa (Sở VH,TT&DL) đã phát hiện câu đối chạm nổi các bức hình trên gỗ rất lạ, cần được giải nghĩa.

Câu đối trên phát hiện tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Tiến thuộc xóm 5, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, được chạm nổi trên tấm gỗ bằng mít liền khối với 2 cột chính của nhà thờ, mỗi bên của vế câu đối có chiều cao 2m, rộng 20 cm, dày 3cm. Trên 2 tấm gỗ mít liền khối đó chạm nổi mỗi bên 5 bức hình họa đối xứng nhau. Nhìn từ ngoài vào, bên phải đầu tiên là biểu tượng của một lá quạt tay được cách điệu thành hình một lá sen có thắt dải, đến hình cuốn thư chính giữa có chân đế cắm nghiên bút theo thế như của một quân cờ ngựa, tiếp là hộp nghiên bút cùng giải nơ thắt ngang hộp đựng thỏi mực, sau đó là biểu tượng cây đàn tỳ bà trên cần đàn thắt giải nơ và bên cạnh có hình vuông tựa giống bàn cờ tiên.

Cuối cùng là biểu tượng mà phía dưới giống như một vương miện trên có mâm ngũ quả; bên trái, bắt đầu là hình bầu rượi giải lụa đặt trên đĩa tựa hình lá sen, sau là hình cuốn thư mà chính giữa có chuôi kiếm và bên trái là thanh bảo kiếm, đến hình một bình có hoa kèm với hộp hình vuông có thắt giải, tiếp đó là một giải lụa quấn quanh một cuộn giấy cùng với hình tựa như ống tiêu (sáo), sau cùng là một lư trầm đang tỏa khói kèm một bên hộp đựng nghiên bút, một bên hộp đựng khí giới.

Nhìn bao quát các bức hình câu đối (phải - trái) trên được làm đối xứng nhau theo cặp, khá rõ nét, tỷ mỉ, trau chuốt, theo hướng tả thực. Trên câu đối không có lạc khoản đề niên hiệu như những câu đối cổ khác.

Qua tìm hiểu được biết di tích này thờ Nguyễn Tiến Thiệu, một nhân vật lịch sử thời Tây Sơn đã có công lớn trong việc rèn luyện đàn voi chiến tại trại Tuần Tượng (khu vực xã Kỹ Bắc, Kỳ Anh ngày nay) phục vụ chiến dịch Kỷ Dậu (1789) đại thắng. Sau thắng lợi vua Quang Trung mời ông vào thành Phú Xuân nhưng ông xin được tiếp tục ở lại để thuần dưỡng, rèn luyện voi chiến, khai khẩn đất đai, phát triển làng mạc.Theo phả hệ còn lưu tại dòng họ, về sau vương triều nhà Nguyễn rất nể trọng tài thuần voi cũng như công lao trong việc khai ấp lập làng nên dưới đời vua Nguyễn Dực Tông niên hiệuTự Đức năm thứ 11 (1858) đã cho làm nhà thờ tại kinh thành Huế vận chuyển theo đường biển về dựng trên quê hương ông và ra chỉ dụ phụng thờ.

Câu đối lạ trên trên gỗ đã tồn tại trên 150 năm, nhưng đến nay chưa có lời giải, vẫn đang là là một ẩn số. Vì vậy, cần được các nhà nghiên cứu quan tâm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast