Tích cực phòng ngừa dịch bệnh và hạn hán cục bộ trên cây trồng vụ đông xuân

Từ đầu vụ sản xuất đông xuân 2009-2010 đến nay, thời tiết liên tục biến đổi thất thường với nền nhiệt độ cao, đồng thời giao thoa giữa những ngày mát mẻ là những đợt nắng nóng gay gắt, đã và đang tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng. Để đảm bảo năng suất, sản lượng, thời gian này, cùng với duy trì đủ lượng nước cho lúa, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo người dân chăm bón và phòng ngừa có hiệu quả các loại sâu, bệnh hại.

Xã Đức La (Đức Thọ) xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất
Xã Đức La (Đức Thọ) xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT, cho biết: hiện nay, lúa đông xuân đang ở giai đoạn phân hóa đòng, nhìn chung sinh trưởng tốt và dự kiến các giống thuộc trà xuân sớm trổ rộ từ ngày 10-15- 4; các giống thuộc trà xuân trung từ ngày 15- 20- 4; các giống thuộc trà xuân muộn từ ngày 20 25-4. So với lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp ban hành thì lúa sẽ trổ sớm hơn dự kiến từ 5 đến 15 ngày.

Tuy nhiên, thời gian qua, các đối tượng sâu, bệnh hại như: rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, vẫn ngự trị ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các trà lúa đông xuân. Đối với cây lạc, hiện đang ở giai đoạn phân cành, ra hoa; tuy phát triển tốt, độ đồng đều cao nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm giảm năng suất do sự xuất hiện của tập đoàn sâu ăn lá (sâu khoang, sâu xanh) và bệnh chết ẻo.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương, từ nay đến cuối vụ đông xuân, thời tiết còn biễn biến phức tạp và khác biệt với quy luật chung. Theo đó, vẫn còn những đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, tập trung trong tháng 4 tới.

Để chủ động đối phó với các điều kiện bất lợi có khả năng xảy ra, thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương bón thúc đòng, đồng thời bổ sung các loại phân chuồng hoai mục, đạm, phân kali và phân bón qua lá, ưu tiên những chân ruộng xấu, đầu tư thấp, sinh trưởng kém và bộ lá có biểu hiện thiếu dinh dưỡng; duy trì đủ lượng nước cho lúa (từ nay đến giai đoạn chín sáp) trên cơ sở điều tiết nguồn nước hợp lý để tránh hạn cục bộ; tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của một số đối tượng như: bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, đạo ôn cổ bông, nhện gié để kịp thời khoanh vùng xử lý trong diện hẹp.

Cùng với lúa, thời gian này, cần tập trung xới xáo, làm cỏ, bón thúc, vun gốc nhằm tạo điều kiện cho cây lạc sinh trưởng tốt, đâm tia dễ dàng, đồng thời tổ chức phòng trừ nhóm nấm gây bệnh chết ẻo (héo rũ gốc mốc trắng, gốc mốc đen, gốc mốc xám) và phòng ngừa các ổ sâu khoang, sâu xanh ở giai đoạn tuổi nhỏ, sống tập trung nhằm hạn chế nguồn tích lũy, lây lan ra diện rộng cho các lứa tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Thường trực Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề lúa trổ sớm hơn so với lịch thời vụ là tất yếu và thực tiễn sản xuất cũng không có biện pháp gì để tránh. Thay vì tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng tôi khuyến nghị các địa phương chỉ đạo bà con nông dân tập trung chăm sóc đúng quy trình để lúa sinh trưởng, phát triển để đạt năng suất cao nhất. Lo ngại nhất hiện nay của ngành chính là vấn đề biến đổi khí hậu, rõ nét nhất là hiện tượng xâm nhập mặn trên sông La, trong đó tại cống Trung Lương, cống Đức Xá, nồng độ mặn đã vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho các vùng sử dụng hệ thống thủy lợi Linh Cảm, sông Nghèn, các đơn vị khai thác thủy nông cần thường xuyên kiểm tra độ mặn để đóng, mở cống hợp lý.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, cùng với tập trung chỉ đạo lĩnh vực trồng trọt, các địa phương cần tiếp tục hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo chỉ tiêu và đúng thời gian quy định của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ xa và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast