Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú - những cuộc hội ngộ của lịch sử

(Baohatinh.vn) - Cùng sinh ra trong những gia đình khoa bảng có truyền thống yêu nước ở Xứ Nghệ, cùng có tuổi thơ nhọc nhằn và tuổi thanh niên đầy hoài bão cứu nước nên mặc dầu kém Nguyễn Ái Quốc 14 tuổi nhưng trên con đường tìm chân lý, thầy giáo Trần Phú, một hội viên của Hội Hưng Nam đã gặp được và trở thành người học trò xuất sắc của Người.

Những lần gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Ái Quốc có thể coi là những cột mốc có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt, vẻ vang của đồng chí Trần Phú.

Khu di tích Trần Phú
Khu di tích Trần Phú

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, gọi tắt là "Thanh niên". Đang bế tắc về đường hướng, Hội Hưng Nam ở thành phố Vinh nghe tin liền quyết định cử Trần Phú và một số người sang Quảng Châu để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên để học tập. Ngày

12/7/1926, đoàn xuất dương khởi hành tại ga Vinh. Ngày 18/7/1926, đoàn đã đến biên giới Việt - Trung và được người của Tổng bộ Thanh niên đến đón, đưa tới Quảng Châu. Một ngày đầu tháng 8/1926, tại trụ sở của Tổng bộ Thanh niên ở số nhà 131, phố Văn Minh, đường Diên An I, Trần Phú đã được gặp Nguyễn Ái Quốc, tức Lý Thụy.

Tất cả những gì đã được nghe, được biết về người cộng sản yêu nước cùng những gì được tận mắt chứng kiến trong lần gặp gỡ này đã khiến trái tim Trần Phú dâng tràn một tình cảm xúc động. Đôi mắt và khuôn mặt ngời sáng, sự uyên bác cùng tác phong giản dị, giọng nói ấm áp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã khiến anh vô cùng khâm phục và cảm mến. Tuy là lần gặp đầu tiên nhưng anh đã cảm thấy như có một sợi dây thân tình gắn bó anh với đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Tiếp đoàn xuất dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lên án tội ác của bọn phong kiến và tay sai Nam triều đối với nhân dân ta, đồng thời phân tích sâu sắc về tình hình cách mạng trong nước cũng như trên thế giới. Đồng chí Trần Phú đã báo cáo với đồng chí Nguyễn Ái Quốc về phong trào chống thực dân Pháp ở Việt Nam, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân Vinh, những hoạt động của Hội Hưng Nam và bày tỏ mong muốn được hợp nhất Hội Hưng Nam với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Trần Phú đổi tên là Lý Quý. Là người Việt Nam yêu nước đầu tiên được tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đem hết nhiệt tình và hiểu biết của mình về học thuyết chân chính và cách mạng này để giảng dạy cho Trần Phú cùng các đồng chí của anh. Sau hai tháng học tập, kiến thức của Trần Phú về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được nâng lên rất nhiều.

Trần Phú đã quyết định gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khi được kết nạp vào “Thanh niên”, Trần Phú còn được đồng chí Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào “Cộng sản đoàn”. Cuộc đời Trần Phú đã có bước ngoặt lớn: từ đây trở đi anh sẽ chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chặng đường trước mắt đầy gian khổ, chông gai nhưng không ngăn nổi bước chân can trường của người thanh niên 22 tuổi sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc.

Kết thúc lớp huấn luyện chính trị, Trần Phú được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân công về nước phụ trách phong trào ở Trung kỳ. Trước lúc lên đường trở về Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã dặn dò tỉ mỉ Trần Phú và anh em trong đoàn về phương pháp hoạt động, về đạo đức tư cách người cách mạng, nhất là phải đi sâu vào quần chúng lao động, lấy công nhân, nông dân làm nòng cốt. Những lời dặn dò ân cần cùng cuộc chia ly đầy lưu luyến với người thầy vĩ đại đã đốt cháy thêm bầu nhiệt huyết cứu nước trong người trai trẻ quê làng Tùng Ảnh.

Những ngày tháng hoạt động ở Trung kỳ, Trần Phú bị thực dân Pháp ráo riết lùng bắt. Để tránh khỏi sự truy nã của kẻ thù, Trần Phú trở lại Quảng Châu vào tháng 1/1927 và lại được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần thứ hai anh được gặp vị lãnh tụ, người thầy của anh. Hiểu rõ tình hình khó khăn của phong trào cách mạng trong nước, để chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cử Trần Phú sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva.

Cuối tháng 1/1927, Trần Phú đến Mátxcơva bằng tàu hỏa. Trường đại học cộng sản của nhân dân lao động các nước Phương Đông đã đón người con ưu tú đầy nhiệt huyết cứu nước và quyết tâm học tập để trở về giải phóng đất nước. Với hoài bão ấy, Trần Phú đã say mê nghe giảng, đọc sách, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tích cực trong công tác đảng. Sau 8 tháng học tập ở Mátxcơva, tháng 9/1927, Trần Phú và 4 sinh viên Việt Nam khác vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới thăm.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng thông báo cho Trần Phú biết những chuyển biến mới của phong trào cách mạng trong nước và dự định thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam. Trong những giờ phút rất ngắn ngủi, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn Trần Phú và anh em phải học tập thật tốt, chuẩn bị về mọi mặt để sau này về phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Nhớ lời căn dặn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã vượt qua bệnh tật, những khó khăn về thời tiết và khí hậu, tranh thủ cả những ngày nghỉ hè để đọc sách báo và nghiên cứu.

Kết thúc khóa học ở Đại học Phương Đông, cuối năm 1929, Trần Phú về Sài Gòn sau cuộc hành trình dài đi qua các nước Đức, Bỉ, Brucxen, Pháp. Lúc này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra đời tại Hương Cảng, Trung Quốc. Ở Sài Gòn được ít ngày, Trần Phú lại xuống tàu sang Hồng Kông và đã được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông báo cho Trần Phú biết về sự hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt ra yêu cầu những người cộng sản Việt Nam phải bằng mọi cách thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam tiến lên. Mọi hành động đều nhằm vào mục tiêu đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và giai cấp tư sản phản động, làm cho nước Việt Nam được độc lập, tự do. Tháng 4/1930, Trần Phú trở về Hải Phòng. Tiếp sau đó là chuỗi ngày hoạt động vô cùng sôi nổi và hết mình của người cộng sản trẻ tuổi trong phong trào công nhân khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, viết bản Luận cương chính trị nổi tiếng và hy sinh oanh liệt trong nhà tù thực dân.

Trong quãng đời thanh niên đầy nhiệt huyết và quyết tâm sắt son ấy, Trần Phú đã 4 lần được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mỗi lần gặp tuy dài ngắn khác nhau và đều diễn ra tại nước ngoài song đã trở thành những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Mỗi cuộc hội ngộ đều là một mốc son của lịch sử Đảng trong những ngày trứng nước. Đó là cuộc gặp gỡ của những tư tưởng lớn. Từ một thanh niên trí thức yêu nước đơn thuần, Trần Phú đã trở thành người cộng sản và giữ cương vị quan trọng trong Đảng. Bản Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo là kết tinh của lòng yêu nước, tri thức mà anh học được từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, kiến thức mà anh được bồi đắp trong những ngày ở Trường Đại học Phương Đông cũng như thực tiễn phong trào công nhân Việt Nam. Trần Phú là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giống như dòng suối nhỏ trong dòng sông lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast