Gian nan bài toán truy thu nợ thuế

(Baohatinh.vn) - Kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng nợ chồng nợ. Cùng với các khoản nợ ngân hàng, nhiều DN còn bị “bao vây” bởi nhiều khoản nợ khác như lương, bảo hiểm và đặc biệt là nợ thuế kéo dài...

>> Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy là một trong những đơn vị còn nợ đọng thuế. Ảnh: Thăng Long
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy là một trong những đơn vị còn nợ đọng thuế. Ảnh: Thăng Long

Lạm phát kéo dài, kinh tế khó khăn, hệ lụy là khá nhiều DN phải đối mặt với sự eo hẹp về tài chính và theo đó cũng dây dưa, chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế. Mặt khác, một bộ phận DN, tổ chức kinh tế và cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật kém, sẵn sàng vi phạm pháp luật, miễn là đạt được lợi ích cục bộ của bản thân.

Ngoài ra, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ… là những nguyên nhân khiến nhiều DN trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay nợ thuế kéo dài. Tính đến cuối tháng 7/2014, trên toàn tỉnh đã có hàng trăm DN nợ tiền thuế kéo dài với tổng số tiền 276 tỷ đồng. Trong đó, nợ ở Văn phòng Cục Thuế 114 tỷ đồng và các chi cục 162 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Tĩnh, nợ thuế chủ yếu là của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Căn nguyên do thi công các dự án của Nhà nước nhưng ngân sách chưa thanh toán kịp thời, dẫn đến việc các đơn vị này nợ thuế. “Nổi lên” là các đơn vị: Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh (3,5 tỷ đồng, số tròn), Công ty CP Xây dựng đường bộ số I Hà Tĩnh (5,7 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang (5 tỷ đồng), Công ty CP Sông Đà 27 (3,2 tỷ đồng), Công ty CP Máy tính Nam Hương (1,1 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy (2,5 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Hà Tĩnh (2,6 tỷ đồng), Công ty Gạch ngói và vật liệu xây dựng Đồng Nai - Hà Tĩnh (3,1 tỷ đồng)…

Cán bộ Chi cục Thuế Kỳ Anh hướng dẫn người dân làm các thủ tục nộp thuế. Ảnh: Tuấn Vũ
Cán bộ Chi cục Thuế Kỳ Anh hướng dẫn người dân làm các thủ tục nộp thuế. Ảnh: Tuấn Vũ

Ông Dương Hồng Lĩnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Về cơ chế, chính sách, việc cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện bắt buộc thứ tự 7 bước theo Luật Quản lý thuế khiến quá trình thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Đối tượng được gia hạn nộp thuế chưa bao gồm các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nên nợ tồn đọng vẫn kéo dài. Một số DN đã giải thể, phá sản còn nợ thuế nhưng chưa có cơ chế xử lý xóa nợ; một số công ty lớn có phát sinh số thuế phải nộp nhưng không nộp kịp thời.

Những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ… có phát sinh số thuế phải nộp trong năm 2013 nhưng do tình hình kinh doanh không mấy khả quan nên chưa chấp hành nộp thuế, để nợ thuế ngày càng tăng. Số DN khác kinh doanh không hiệu quả dẫn đến tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản mà chưa giải quyết nợ thuế… cũng góp phần gia tăng tình hình nợ đọng thuế.

Theo ông Lê Anh Tài - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế Hà Tĩnh: “Hiện DN nợ thuế ngày càng nhiều. Một số đơn vị có ý thức trả nợ nhưng rồi nhanh chóng phát sinh nợ mới vì hoạt động gặp khó khăn. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực đôn đốc thu nợ theo đúng quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Khi quá thời hạn mà DN chưa chủ động nộp thuế vào ngân sách, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo nhắc nhở. Quá thời hạn 30 ngày mà vẫn không đóng thuế, DN phải chịu phạt nộp chậm với lãi suất 0,05%/ngày”.

Thời gian này, cơ quan thuế cũng sẽ tích cực đôn đốc thu bằng cách gọi điện nhắc nhở, mời đến làm việc trực tiếp. Sau 90 ngày, nếu DN vẫn chưa có tiền nộp, cơ quan thuế sẽ tiến hành cưỡng chế qua ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu qua người thứ ba, kê biên tài sản, đóng mã số thuế và báo Sở KH&ĐT thu hồi giấy phép kinh doanh của DN. Tuy nhiên, hiện Cục thuế Hà Tĩnh chủ yếu thực hiện cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng (thu qua người thứ ba). Ngành Thuế cũng đôn đốc thu các khoản nợ khó thu nhưng khoản này vẫn tăng do nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ dẫn đến giải thể, phá sản.

Giải thích cho lý do chậm trễ, thậm chí là chây ỳ trong việc nộp thuế, các DN cho rằng, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Giám đốc một DN ở TP Hà Tĩnh phân trần: các dự án, công trình xây dựng cơ bản đều bị cắt giảm, chậm quyết toán nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, tiền trả lương cho người lao động còn chưa có nói chi đến các khoản nợ khác…

Để giải quyết tận gốc vấn đề nợ thuế, các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh cần kiện toàn tổ chức, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý; mặt khác, tạo điều kiện để DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, buộc DN hoạt động phải có nghĩa vụ đóng thuế theo luật định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast