Đào tạo nghề cho lao đông nông thôn phải gắn với nhu cầu thực tiễn

Sáng 14-9, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Tổng Cục Trưởng Tổng Cục dạy nghề Bộ LĐTB&XH Trần Tiến Dũng về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Nguyễn Thiện chủ trì buổi làm việc.

Sau khi có hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai đề án của Bộ LĐTB&XH, tỉnh đã tiến hành triển khai Quyết định một cách đồng bộ, khẩn trương. Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết 96/2008/NQ-HĐND về việc phê duyệt đề án “Đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật giai đoạn 2009-2015, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2009 và dự báo sơ bộ nhu cầu đào tạo nghề năm 2010 và những năm tiếp theo, tỉnh đã lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2011-2015; tổ chức hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề và quán triệt Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ tới các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các cơ sở dạy nghề, giáo dục trên toàn tỉnh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Hà Tĩnh đã lựa chọn 3 huyện (Kỳ Anh, Thạch Hà, Hương Khê) để chỉ đạo điểm. Hiện, các địa phương đang tập trung điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Riêng huyện Thạch Hà và Kỳ Anh đã điều tra hoàn thành. Một số mô hình dạy nghề thí điểm cũng đã được lựa chọn như mô hình dạy nghề nuôi ong tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc); mô hình dạy nghề mây tre xuất khẩu tại Thạch Văn (Thạch Hà). Nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện đã và đang xúc tiến thành lập. Tính đến tháng 8/2010, toàn bộ cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh đã và đang thực hiện đào tạo cho 1894 người theo các chính sách được qui định tại 1956; đang thực hiện tuyển sinh, đào tạo với số lượng khoảng 2000 lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề Bộ LĐTB&XH Trần Tiến Dũng - cho rằng Trung ương chọn Hà Tĩnh làm tỉnh điểm để triển khai thực hiện đề án là rất đúng đắn. Hà Tĩnh đã rất quyết tâm, nỗ lực triển khai hoạt động này. Trên cơ sở tham quan trực tiếp tại xã Gia Phố (Hương Khê) và một số điểm tại các tỉnh khác, đồng chí Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề Bộ LĐTB&XH đã định hướng cho Hà Tĩnh một số vấn đề như cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về 1956; BCĐ phải hoạt động thường xuyên, chỉ đạo sát, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành. Đặc biệt, phải đưa được nhân dân vào cuộc một cách thực chất, bằng những việc làm cụ thể, tránh chạy theo phong trào. Việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn, với các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời, tỉnh cần hoàn thành công tác điều tra, khảo sát sớm và cần đầu tư xây dựng một trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện bày tỏ cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục dạy nghề Bộ LĐTB&XH .Trong thời gian tới tỉnh sẽ thúc đẩy hoạt động theo hướng nhanh và hiệu quả với tinh thần khẩn trương, sớm xây dựng mô hình hiệu quả để rút kinh nghiệm chung cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast