Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Tĩnh họp phiên thường kỳ

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục bám sát quy chế hoạt động, chương trình công tác để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp ủy, tổ chức đảng, lĩnh vực, địa bàn được phân công.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Tĩnh họp phiên thường kỳ

Sáng 17/10, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá các nội dung, kết quả đã thực hiện về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự họp còn có đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Phó trưởng BCĐ tỉnh.

Sau các báo cáo, thảo luận của thành viên BCĐ, kết luận phiên họp thường kỳ, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu thời gian tới, các thành viên tiếp tục bám sát quy chế hoạt động, chương trình công tác để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp ủy, tổ chức đảng, lĩnh vực, địa bàn được phân công; đồng thời tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung tại Thông báo Kết luận số 02-TB/BCĐ, ngày 28/9/2022 của Thường trực BCĐ, nhất là việc giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi của BCĐ và việc xử lý các vụ việc, khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

2. Về định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát năm 2023, phải tập trung cao các nội dung:

- Phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản liên quan.

- Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát cần tập trung vào địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận trái chiều; trọng tâm là quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua sắm, đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quản lý vốn, tài sản nhà nước, hoạt động quản lý vốn đầu tư, huy động vốn; sách giáo khoa và thiết bị trường học...

- Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra và kiểm toán; tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật Nhà nước đảm bảo chặt chẽ.

3. Thành lập các đoàn kiểm tra của BCĐ trực tiếp kiểm tra tại các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực BCĐ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, báo cáo kịp thời việc thực hiện các kết luận của đồng chí Trưởng BCĐ tại các phiên họp BCĐ và Thường trực BCĐ.

Từ khi thành lập đến nay, sau các phiên họp, BCĐ và Thường trực BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã thống nhất đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi và ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động của BCĐ và Thường trực BCĐ.

Chủ đề Phòng chống tham nhũng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast