Chuyện những “cánh tay” của Falko Goetz

“Mr. Phụng, anh “khóa đuôi” nhé. Phải liên tục điểm danh mới được”. “Anh Phương, cố gắng quản lý cầu thủ và nếu ai đó uống nước có gas hay ăn đồ rán, hãy báo tôi”, đấy là những yêu cầu của HLV Falko Goetz với các trợ lý thân cận lúc ở sân bay đến sau các buổi tập.

Không chỉ là giúp việc

Sau bàn thua bất ngờ ở cuối hiệp một trận đấu với Philippines, HLV Falko Goetz ngồi bất động trong cabin BHL. Trạng thái này kéo dài cho đến khi U23 VN có bàn quân bình tỷ số (từ pha đánh đầu phản lưới nhà của hậu vệ đối phương). Ai là người chỉ đạo, giúp đội bóng đứng vững và tiến lên, nếu không phải là các trợ lý người Việt?! Phải, có lẽ không lúc nào thích hợp hơn trong hoàn cảnh đó, những Thanh Hùng, Văn Sỹ phải giữ được trạng thái thăng bằng cho đội bóng và cho cả HLV Falko Goetz.

Công việc của HLV Goetz sẽ không thể suôn sẻ nếu thiếu các trợ lý. Ảnh: Quốc Khánh
Công việc của HLV Goetz sẽ không thể suôn sẻ nếu thiếu các trợ lý. Ảnh: Quốc Khánh

Khi tiếng còi kết thúc 90 phút thi đấu đầy bế tắc của U23 VN trước U23 Myanmar vang lên ở Lebak Bulus và HLV Falko Goetz tiến nhanh về phòng họp báo trả lời phỏng vấn báo chí theo thông lệ, thì ở ngoài sân, các trợ lý thay phiên nhau làm động tác căng cơ, hồi phục cho đội hình chính. Từ những chuyên gia trị liệu như Sebastian Schoch hay bộ đôi bác sỹ ĐT U23, đến những người làm chuyên môn thuần túy Thanh Hùng, Văn Sỹ, Văn Phụng…, đều làm một công việc như nhau.

Trên thực tế, các trợ lý của ông Goetz không chỉ làm mỗi việc giúp cầu thủ hồi phục, mà đây là khoảng thời gian quý báu, để “người VN chúng ta nói chuyện với nhau”, sau một trận đấu không như ý muốn. Trợ lý người Việt thừa nhạy cảm để hiểu rằng, khoảng cách giữa thuyền trưởng Falko Goetz và cầu thủ mình vẫn còn khá lớn. Nó không đơn thuần là chuyện bất đồng ngôn ngữ, mà ở đây là tính khí, nếp sinh hoạt của một người nước ngoài như ông Goetz, cơ bản không giống với ta.

Cả một đức hy sinh

“Sỹ về gấp! Có lệnh triệu tập buổi họp lúc 21h30 rồi”, người viết có thể nghe rõ mồn một giọng nói thất thanh của trợ lý số một Phan Thanh Hùng qua điện thoại, khi đang ngồi ăn uống, gọi là bữa tiệc chia tay của Nguyễn Văn Sỹ và người thân, trước ngày U23 VN lên đường đến xứ vạn đảo. Trước đó, dù cũng đã hẹn trước như HLV Phan Thanh Hùng không thể góp mặt được. Trời Sài Gòn hôm ấy đổ mưa to và Văn Sỹ đã phải đội mưa trở lại đại bản doanh KS Đệ Nhất. “Thông cảm nhé, quân lệnh như sơn mà”, Văn Sỹ nhắn lại.

“Đời sống văn hóa tinh thần của các anh thế nào? Sultan Jakarta khá yên ắng và buồn tẻ nhỉ. Anh có định đưa người thân qua Indonesia du lịch và xem các trận bán kết, chung kết không?”, PV TT&VH mạo muội những chia sẻ với trợ lý Phan Thanh Hùng. “Đội bóng đang trong “chiến dịch”. Tất cả phải vì cái chung, vì mục tiêu cuối cùng và lớn nhất của đội bóng thôi, phải lo cho đại cuộc chứ. Dù đôi khi cũng thèm ngụm bia cho mát ruột, nhưng cũng phải nhịn đấy!”, vị HLV xứ Quảng-Đà nhẹ nhàng, cười hiền như thường lệ.

Đấy chỉ là một mảng ít ỏi những góc khuất của các trợ lý người Việt, đằng sau những buổi tập, những trận đấu của U23 VN. Đời làm phó tướng cứ biền biệt như thế, và không phải ai cũng hiểu, cũng thông cảm. Không vấn đề gì với người trẻ còn trong giai đoạn tích lũy, tiến thân, nhưng với những trợ lý đã có tuổi, những “ông nhạc” như Thanh Hùng, Văn Sỹ hay thậm chí vẫn “lính phòng không” như Văn Phụng (dù đã ngoài 40 tuổi, nhưng Phụng vẫn chưa lập gia đình, bởi bóng đá cứ cuốn anh đi)…, có phải cả một đức hy sinh không?

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast