Để thêm nhiều người cận nghèo có thẻ BHYT

Bảo hiểm xã hội các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã và đang có nhiều cố gắng để giúp cho đối tượng là các hộ cận nghèo có cơ hội tiếp cận với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp những khó khăn nhất định...

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, năm 2013, Hà Tĩnh có 53.547 hộ cận nghèo với 218.826 khẩu; mức thu, mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo cũng có thay đổi. Theo đó, đối tượng hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ hỗ trợ 10% kinh phí đóng BHYT nếu hộ có đủ 100% thành viên tham gia BHYT và hỗ trợ 5% kinh phí nếu hộ không đủ 100% thành viên trong hộ tham gia.

Cán bộ Phòng Sổ - thẻ BHXH Hà Tĩnh rà soát trước khi phát hành thẻ BHYT cho các đối tượng
Cán bộ Phòng Sổ - thẻ BHXH Hà Tĩnh rà soát trước khi phát hành thẻ BHYT cho các đối tượng

Thẻ BHYT của hộ cận nghèo sẽ có thời hạn sử dụng 12 tháng. Đối với các trường hợp người cận nghèo đăng ký tham gia và nộp tiền cho BHXH trước ngày 15 hàng tháng thì cấp thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đầu tiên của tháng đó; còn nộp tiền từ ngày 15 đến ngày cuối cùng của tháng đó thì cấp thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đầu tiên của tháng kế tiếp tháng nộp tiền.

Như vậy, so với năm trước, mức cá nhân cận nghèo phải đóng tuy có cao hơn nhưng không nhiều, trong khi giá viện phí đã tăng cao. Hơn nữa, người cận nghèo chỉ cần mua thẻ trước ngày 15 hàng tháng là được sử dụng ngay trong tháng đó. Đây là một sự ưu ái khá đặc biệt dành cho đối tượng này.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng cận nghèo, BHXH các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong tổ chức triển khai thực hiện. Qua tìm hiểu tại một số địa phương ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn..., chúng tôi được biết, cán bộ BHXH đã trực tiếp xuống tại cơ sở để tuyên truyền, vận động các đối tượng hộ cận nghèo tham gia bằng cách giải thích cặn kẽ quyền lợi khi tham gia BHYT, mức đóng phù hợp...

Không chỉ vậy, cán bộ, công chức BHXH huyện Kỳ Anh còn có những việc làm rất thiết thực, ý nghĩa. “Anh em trong đơn vị tự nguyện đóng góp để hỗ trợ 10% mệnh giá thẻ cho các đối tượng cận nghèo xã Kỳ Thư. Sự hỗ trợ này kéo dài đến 2015, khi xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM” - ông Nguyễn Thái Cảnh - Giám đốc BHXH huyện Kỳ Anh, nói. Được biết, số tiền mà tập thể cán bộ, công chức BHXH Kỳ Anh hỗ trợ đối tượng cận nghèo xã Kỳ Thư mua thẻ BHYT từ nay đến 2015 ước tính khoảng 15-17 triệu đồng. Tại TP Hà Tĩnh, UBND thành phố vẫn tiếp tục trích ngân sách để mua thẻ BHYT năm 2013 cho các đối tượng cận nghèo trên địa bàn như các năm trước đây.

Tuy vậy, kết quả thực hiện trong quý I/2013 vẫn còn quá khiêm tốn. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, 3 tháng đầu năm, chỉ có 42.882 đối tượng cận nghèo trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT (chưa tính khoảng 3.600 người của TP Hà Tĩnh) trên kế hoạch là 151.770 người, bằng 28%. Bên cạnh một số địa phương đạt khá, như: Can Lộc (44%), Thạch Hà và Cẩm Xuyên (34%) thì Đức Thọ chỉ mới đạt 10%, Hồng Lĩnh 13%...

Có thể thấy rằng, sự hỗ trợ đến 70% từ ngân sách và từ 5-10% từ dự án y tế... là cơ hội tốt để đối tượng cận nghèo - đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao do đời sống còn nhiều khó khăn, tham gia và có cơ hội thụ hưởng chính sách từ khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, do sự vào cuộc còn thiếu đồng bộ và cả thiếu trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là tại cơ sở; sự thiếu hiểu biết và có phần trông chờ, ỷ lại Nhà nước của không ít người thuộc đối tượng cận nghèo là những nguyên nhân chính khiến cho kết quả đạt thấp.

Theo quy định hiện hành đối với hộ có đủ 100% thành viên tham gia thì cá nhân chỉ phải đóng 20% mệnh giá thẻ BHYT. Cụ thể: người thứ nhất trong hộ chỉ phải đóng 113.400 đồng/567.000 đồng (mệnh giá thẻ); người thứ 2 chỉ phải đóng 102.060 đồng; người thứ 3 chỉ phải đóng 90.720 đồng; người thứ 4, đóng 79.389 đồng; người thứ 5, đóng 68.040 đồng... Còn đối với hộ không đủ 100% thành viên tham gia thì cá nhân phải đóng 25%, bằng 141.750 đồng. (Nguồn: BHXH tỉnh)

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast