Đại tướng sẽ sống mãi trong lòng dân với những gì tinh anh nhất

Cờ rủ, không gian chìm lắng và những bước chân lặng lẽ, kính cẩn tìm về những điểm lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thắp nén nhang tiễn biệt… Khó diễn tả bằng lời mọi cảm xúc lúc này nhưng có một điều được thể hiện rất rõ: tất cả đều vô cùng thương tiếc và biết ơn Đại tướng!

Chiều buông, màn đêm dần phủ xuống, nhưng những bước chân vẫn tìm về các điểm thắp hương Đại tướng. Ông Nguyễn Viết Hòa, ở phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) một mình lặng lẽ dâng nén hương thơm. Rời bàn thờ, ông rưng rức: "Tôi bận công việc nên nghỉ muộn. Cơ quan đã đến thắp hương từ lúc sớm. Giờ xong việc tôi đến dây liền. Tôi là CCB, đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Với chúng tôi, Đại tướng rất thiêng liêng..."

Từ già đến trẻ, từ tập thể đến cá nhân; từ miền núi đến đồng bằng, miền biển, từ nông thôn đến thành thị… có những lúc là cả đoàn người kéo dài hàng cây số, có khi chỉ là một vài bước chân lặng lẽ âm thầm… Tất cả đều tìm về các điểm thắp hương, bái vọng Người từ xa với những tình cảm gần gũi và thiêng liêng nhất.

Tôi gặp ông Nguyễn Duy Cương ở Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Tĩnh. Ông Cương ở phường Bắc Hà, bị tàn tật đôi chân không thể tự đi lại, vậy nhưng ông đã đến thắp hương Đại tướng không chỉ một lần. Ông Cương thổ lộ: Lúc sáng tôi đã thắp Đại tướng ở bàn thờ tại phường. Chiều nay, con cháu bảo nhau lên đây để thắp hương lòng tôi lại muốn đi. Biết là Đại tướng đã 103 tuổi nhưng không hiểu sao sự ra đi này thấy lòng hẫng hụt quá. Lúc này, chỉ biết thắp hương và xem Đại tướng ở các chương trình trên tivi để vơi lòng mà thôi…

Nhiều người dân không thể tự đi lại nhưng cũng cố đến thắp hương tiễn biệt Đại tướng
Nhiều người dân không thể tự đi lại nhưng cũng cố đến thắp hương tiễn biệt Đại tướng

Một hình ảnh rất đẹp đó là Trường Cao đẳng dạy nghề Việt Đức và Khoa Kinh tế (trường Đại học Hà Tĩnh) đã cùng tổ chức đến thắp hương Đại tướng tại bàn thờ ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tất cả cán bộ lãnh đạo, giáo viên và học sinh đã nối nhau thành một “đoàn tàu” kéo dài từ trường cho tới tận Bộ CHQS.

Và không ai phải nhắc nhở ai, tất cả các bước chân đều kính cẩn, khiêm nhường. Em Nguyễn Hoài Nam, sinh viên trường Cao đẳng dạy nghề Việt Đức chia sẻ: Em chỉ biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lịch sử và báo, đài… Đại tướng là một trong những người có công lao to lớn để chúng em được lớn lên và học tập trong môi trường độc lập, hòa bình hôm nay. Chúng em biết ơn điều này. Hôm nay đến đây, đứng trước bàn thờ em càng thấy Đại tướng cao cả và thiêng liêng biết nhường nào. Điều này đã khiến em tự nhắc nhở chính mình, phải học tập và rèn luyện sao cho xứng …

Cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Hà Tĩnh kính cẩn dâng hương tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Hà Tĩnh kính cẩn dâng hương tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đến hết ngày 12, tại điểm thắp hương Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Tĩnh đã có trên 200 đoàn người đến viếng Đại tướng. Tại điểm thắp hương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có gần 4000 lượt người. Ngoài ra, 14 điểm của Quân sự và 262 điểm các của các xã, phường, thị trấn và nhiều điểm thắp hương khác tại các cơ quan, công sở đã đón hàng hàng ngàn người dân đến thắp hương tưởng nhớ và tiễn biệt Đại tướng.

Và sáng nay, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh lại tìm về các điểm để dự lễ truy điệu Đại tướng.

… Còn nhớ, trong lần trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài về nơi làm việc tại căn cứ địa Mường Phăng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch làm chấn động cả địa cầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tôi là người lãng mạn, vì vậy, nơi làm việc của tôi phải đẹp…”. Và Mường Phăng hữu tình đã giúp Đại tướng chỉ huy chiến thắng vang dội khắp năm châu. Và khi báo chí nước ngoài hết sức ca ngợi về công lao chiến thắng, Đại tướng lại hết sức khiêm tốn: “Đó là chiến thắng của nhân dân. Tôi chỉ là một người lính hoàn thành nhiệm vụ”…

Những đứa trẻ cũng cảm nhận được sự mất mát thiêng liêng này...
Những đứa trẻ cũng cảm nhận được sự mất mát thiêng liêng này...

Giờ đây, Đại tướng lại chọn Vũng Chùa – Đảo Yến, một địa danh sơn thủy hữu tình trên quê hương Quảng Bình làm nơi yên nghỉ. Vũng chùa – Đảo yến rồi đây sẽ là một địa chỉ đỏ để mọi bước chân người Việt tìm về. Và Đại tướng tiếp tục sẽ là một “chiến sỹ”, vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ nhắc nhở cháu con. “Với rác rưởi thì quét đi, đừng bươi ra để thành nhà rác, đời rác. Cần phải nhìn vào cái đẹp, cái tử tế, lấy đó là “sở cứu” nuôi dưỡng hy vọng và niềm tin”…

Đại tướng sẽ sống mãi trong lòng dân với những gì tinh anh nhất!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast