Chuyên gia Mỹ: Nếu xảy ra chiến tranh, Nga sẽ “diệt gọn” NATO

Các chuyên gia phân tích quân sự của Mỹ đã vạch ra hàng loạt vấn đề mà Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đối mặt trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự với “người hàng xóm” phía Đông là Nga.

Chuyên gia Mỹ: Nếu xảy ra chiến tranh, Nga sẽ “diệt gọn” NATO ảnh 1

Giới chuyên gia Mỹ: Nếu xảy ra chiến tranh, Nga sẽ “diệt gọn” NATO

Mới đây, các chuyên gia phân tích của Trung tâm phân tích Rand Corporation đã gửi cho hãng thông tấn Mỹ War on the Rocks một bài phân tích. Bài phân tích này đi vào nghiên cứu, so sánh tương quan giữa lực lượng vũ trang Nga với lực lượng vũ trang NATO khi xảy ra một cuộc xung đột vũ trang. Những phân tích này đã cho thấy Quân đội Nga đang vượt trội hơn NATO trong một loạt tiêu chí.

Tác giả của bài phân tích này là các chuyên gia David Shlapak và Michael Johnson. Bài phân tích được thực hiện dựa vào kết quả của các phân tích các trận chiến quy mô lớn trong vòng hai năm qua của Quân đội Nga và NATO.

Kết quả phân tích cho thấy Nga đang vượt trội hơn so với Mỹ và các đồng minh trong NATO không chỉ trong lĩnh vực chất lượng vũ khí mà còn vượt trội cả về số lượng vũ khí được trang bị.

Trong bài phân tích của mình, David Shlapak và Michael Johnson cũng trích dẫn tuyên bố mới đây của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Mark Milly về sự vượt trội của Quân đội Nga so với Mỹ về khả năng tác chiến tầm xa và số lượng vũ khí.

Tuyên bố này được đưa ra trong bài phát biểu trước Ủy ban Vũ khí thuộc Thượng viện Mỹ.

“Các thông tin này có chính xác không? Thật đáng tiếc là có”, các chuyên gia này lên tiếng.

Để chứng minh cho kết luận của mình, các chuyên gia này đã xây dựng một kịch bản giả định về việc Nga tấn công lên các nước vùng Baltic (Latvia, Litva và Estonia).

Trước đó, kịch bản này cũng đã được trung tâm phân tích Rand Corporation đưa ra. Khi đó, Rand Corporation đã kết luận rằng Quân đội Nga có đủ khả năng để “diệt gọn” tất cả lực lượng NATO ở 3 nước Baltic trong vòng 3 ngày.

Còn trong tình huống giả định của mình, David Shlapak và Michael Johnson cũng đi đến kết luận tương tự. Cụ thể, các chuyên gia này tin rằng Quân đội Nga “có đủ khả năng trong vòng 10 ngày” để đưa 27 tiểu đoàn với quân số 3-50 nghìn người vào trạng thái sẵn sàng tác chiến đầy đủ.

NATO khi đó chỉ có thể đối đầu với đội quân hùng mạnh của Nga bằng các lực lượng được bảo vệ hết sức nghèo nàn.

Xét về lực lượng xe tăng, Nga vượt trội hơn so với NATO với tương quan 7:1, vượt trội về xe bọc thép là 5:1, trực thăng tấn công là 5:1, pháo binh là 4:1, pháo phản lực tầm xa là 16:1, hệ thống phòng không tầm gần là 24:1 và hệ thống phòng không tầm xa là 17:1.

Ngoài vượt trội về số lượng, vũ khí Nga còn có sự vượt trội hơn so với vũ khí NATO về cả mặt chất lượng. Các loại súng và pháo của Nga có thể tác chiến với mục tiêu ở tầm xa hơn hẳn so với súng và pháo cùng loại có trong biên chế của Mỹ.

Xét về pháo binh, pháo của Mỹ có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách từ 14-24 km, trong khi đó loại pháo tự hành “tầm thường nhất” của Nga cũng có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa 29 km.

Ngoài ra, hiện Mỹ (NATO) cũng chưa bố trí bất cứ hệ thống hỏa lực dạng vòng nào ở trên lãnh thổ châu Âu. Ngay cả trong trường hợp các hệ thống này được bố trí ở châu Âu thì các tên lửa của nó cũng chỉ có thể tiêu diệt được các mục tiêu ở khoảng cách từ 40-70 km. Trong khi đó, hệ thống này của Nga khá nhiều và tầm tiêu diệt mục tiêu lên đến 90 km.

Chuyên gia Mỹ: Nếu xảy ra chiến tranh, Nga sẽ “diệt gọn” NATO ảnh 2

Hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Sức mạnh của các hệ thống vũ khí khác của Nga cũng đang vượt trội so với Mỹ. Theo David Shlapak và Michael Johnson, xe tăng và các xe bọc thép tác chiến của Nga được trang bị vỏ thép được hoàn thiện hơn, các loại vũ khí và các bộ cảm biến cũng tốt hơn so với các loại xe tăng và xe bọc thép tác chiến tương tự của Mỹ.

Như vậy, nếu xảy ra xung đột quân sự với NATO, Quân đội Nga sẽ có ưu thế hơn so với NATO xét cả về số lượng cũng như khả năng tác chiến tầm xa. Ngoài ra, Quân đội Mỹ và đồng minh còn phải đối mặt với một loạt khó khăn khác.

Cụ thể, Quân đội Mỹ và đồng minh không thể phản ứng nhanh chóng với tình hình để có thể “bù đắp” lại phần nào những nhược điểm trên. Vấn đề không phải chỉ nằm ở chỗ quân số ít mà còn so một loạt các vấn đề đối với hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung như kho bãi, các khả năng của hệ thống chỉ huy và các vấn đề trong các lĩnh vực khác.

“Việc triển khai các lữ đoàn thôi là không đủ. Nếu không có các kế hoạch cụ thể, không có hệ thống kho bãi tương ứng, không có các hệ thống chỉ huy vững mạnh thì NATO sẽ thất bại trước đối thủ”- David Shlapak và Michael Johnson kết luận.

Ngoài ra, hai chuyên gia phân tích này cũng nhấn mạnh đến các khả năng còn hạn chế của Mỹ trong việc sử dụng “cái ô chính” là lực lượng không quân vào tác chiến. Trong lĩnh vực này, Nga với kho vũ khí đồ sộ là các tên lửa “đất đối không” cũng hoàn toàn có thể khắc chế không quân NATO.

Sau khi đưa ra hàng loạt các phân tích trên, David Shlapak và Michael Johnson đi đến kết luận: “Với thực trạng hiện nay, NATO đang thất thế trước Nga xét về quân số, số lượng và chất lượng vũ khí, đồng thời phải đối mặt với một loạt vấn đề có thể làm tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng tin lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới.

Theo Infonet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast