“Ngân hàng máu sống" cứu nhiều người bệnh

Bệnh viện đa khoa tỉnh mỗi năm cần gần 4.000 đơn vị máu để cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng lượng máu để cấp cứu cho bệnh nhân không đáp ứng đủ. Từ thực tế nhu cầu đó, Bệnh viện đã thành lập ngân hàng máu sống (NHMS), nhờ đó nhiều bệnh nhân được cứu sống từ nguồn máu này.

Bệnh nhân được chuyền máu nhân đạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Bệnh nhân được chuyền máu nhân đạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Chị Thống ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh xúc động kể: “Chồng tôi bị bệnh ung thư thực quản đã gần một năm nay phải cần chuyền máu mới sống được. Gia đình đã đưa ông đến Bệnh viện đa khoa tỉnh, sau 4 lần chuyền máu tại Bệnh viện, chồng của tôi đã được chuyền 32 đơn vị máu nhân đạo. Đã gần một năm nay, ông sống được là nhờ những giọt máu nhân đạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tôi rất cám ơn những tấm lòng nhân đạo của đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện”.

Còn chị Nguyễn Thị Thu ở xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên có con 15 tuổi bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Chồng chị mất khi 3 cháu còn nhỏ, một mình lam lũ ngoài đồng nuôi 3 cháu ăn, học. Chị tâm sự: “Mỗi tuần tôi đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa tỉnh chạy thận và chuyền máu 3 lần. Tất cả chi phí chạy thận của cháu được nhà nước hỗ trợ còn máu chuyền cho cháu được Bệnh viện lấy từ nguồn máu nhân đạo nên gia đình cũng không mất tiền. Tôi rất cám ơn các y, bác sỹ của bệnh viện đã tận tình giúp đỡ mẹ con tôi”.

Dược sĩ Bùi Hoàng Dương, Bí thư chi đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh trực tiếp hiến máu cứu bệnh nhân
Dược sĩ Bùi Hoàng Dương, Bí thư chi đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh trực tiếp hiến máu cứu bệnh nhân

NHMS tại Bệnh viện đa khoa tỉnh được thành lập ngày 23/7/2012, ban đầu có 150 cán bộ đoàn viên tham gia, bây giờ đã hơn 200 người. Từ khi thành lập đến nay NHMS hoạt động có hiệu quả, đã có trên 50 lượt cán bộ tham gia hiến máu, cứu sống hàng chục bệnh nhân, bên cạnh đó cũng đã huy động hơn 4.000 đơn vị máu nhân đạo của các đoàn viên trong toàn tỉnh và đã cứu sống cho hàng trăm bệnh nhân.

Dược sỹ Bùi Hoàng Dương, Phó Ban điều hành NHMS Bệnh viện tỉnh chia sẻ: “Xác định rõ vai trò của người thầy thuốc trong phong trào HMNĐ là trách nhiệm, thời gian qua, đã có những người thầy thuốc vì tính mạng của người bệnh mà sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào. Những người khi tham gia hiến máu được thực hiện theo đúng quy trình, lập sổ theo dõi người cho, người nhận rõ ràng, minh bạch.”

Phân tích tế bào máu bằng máy đếm Laser 22 thông số tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Phân tích tế bào máu bằng máy đếm Laser 22 thông số tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Bác sỹ Đặng Thị Thúy Hà, Phòng huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiến máu theo hướng dẫn của Bác sỹ không ảnh hưởng đến sức khỏe vì các tế bào máu có đời sống nhất định, như hồng cầu sống dài nhất là 120 ngày sau đó sẽ chết và sản sinh ra hồng cầu mới. Điều kiện quan trọng nhất là người hiến máu thực sự khỏe mạnh, không mắc bệnh mãn tính về tim, phổi, gan, thận, thần kinh; không mắc bệnh cấp tính; không tiêm chích ma túy, không nhiễm HIV. Khoảng cách các lần hiến máu trên 3 tháng. Người hiến máu có tuổi đời từ 18 đến 60 với nam, cân nặng trên 45 kg; 18 đến 55 với nữ, cân nặng trên 43 kg. Mạch và huyết áp bình thường. Người hiến máu được tư vấn sức khỏe, được kiểm tra sức khỏe về HIV, viêm gan B, C, giang mai, sốt rét. Sau khi hiến máu được cấp thẻ hiến máu. Nếu người hiến máu cần truyền máu được cấp miễn phí số lượng máu đã hiến.

HMNĐ có ý nghĩa hết sức cao đẹp thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo cao cả, là tiếng nói lương tâm, là tình cảm của con người với con người. Những giọt máu tình nguyện hiến dâng sẽ đem lại sự sống cho những người kém may mắn, mang đến niềm tin, hy vọng cho sự sống của con người, vì thế cần nhân rộng mô hình NHMS ra các đơn vị khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast