Xoa dịu nỗi đau cho những người nhiễm H

"Trong 10 bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai sẽ có 3 trẻ bị nhiễm nếu không được chăm sóc và uống thuốc phòng, chỉ có 1 trẻ bị nhiễm nếu được chăm sóc và uống thuốc phòng", đó là nội dung mà chúng ta thường thấy trong các panô, tờ rơi, áp phích nhằm tuyên truyền, vận động các bà mẹ mang thai mạnh dạn đến xét nghiệm và điều trị kịp thời để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không có HIV.

Hiệu quả từ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và làm giảm bớt nỗi đau cho những người nhiễm HIV.

Mẹ có thể lây truyền HIV cho con trong thời gian mang thai
Mẹ có thể lây truyền HIV cho con trong thời gian mang thai

Ước tính nước ta mỗi năm có khoảng 6 nghìn phụ nữ nhiễm HIV mang thai và với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 35%. Nếu phát hiện sớm, tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai, hay tình trạng mang thai ở phụ nữ nhiễm HIV và áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 5%. Điều này đồng nghĩa mỗi năm, chúng ta có thể cứu được trên 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ của mình.

Tại Hà Tĩnh, đến nay đã có 158 phụ nữ nhiễm HIV. Mặc dù phụ nữ mang thai nhiễm HIV chưa có số liệu thống kê nhưng từ khi triển khai gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ năm 2008 đến nay) đã có hàng trăm phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV, trong đó có 10 phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đã có 8 trẻ được sinh ra an toàn không bị nhiễm HIV từ mẹ, còn 2 phụ nữ đang mang thai.

Thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Tĩnh đã thành lập nhóm tuyên truyền, tổ tư vấn tổ chức nói chuyện vấn đề này với các phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại. Hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2011 với chủ đề: “Xét nghiệm cho mẹ, sức khỏe cho con”, Trung tâm đã tổ chức tập huấn tại 12 huyện, thị, thành phố cho 960 phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; treo băng rôn, cấp phát đĩa VCD, tờ rơi tuyên truyền cho 12 huyện thị thành phố và 65 xã trọng điểm; tổ chức lễ phát động tháng cao điểm chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại thành phố thu hút hàng trăm người đến tham dự.

Bên cạnh đó, gói dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục được chú trọng thực hiện toàn diện là: tư vấn, xét nghiệm miễn phí; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV; những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV sẽ được cung cấp sữa đến 6 tháng tuổi; người phụ nữ và trẻ bị nhiễm HIV sẽ được giới thiệu chuyển tiếp tới những dịch vụ phù hợp về dự phòng chăm sóc điều trị, hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS.

Hiện nay, Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị, thành phố đã xây dựng được lực lượng cộng tác viên truyền thông (mỗi xã phường có 1 người). Hàng tháng, các cộng tác viên đến từng thôn tuyền truyền các biện pháp phòng chống HIV, đồng thời phân phát tài liệu, tờ rơi cho người dân.

Kỳ Anh là huyện trọng điểm về HIV/AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS lũy tính đến nay có 78 trường hợp, trong đó 56 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 42 trường hợp tử vong do AIDS. Trong số người nhiễm HIV có 11 cặp vợ chồng. Nhờ thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên trong thời gian qua có 3 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV sinh con an toàn không bị lây truyền HIV từ mẹ.

Chị Đào Thị A. ở khu phố Trung Thượng, thị trấn Kỳ Anh là một đồng đẳng viên nhiệt tình và là thành viên của câu lạc bộ những người bị nhiễm H tại Hà Tĩnh. Chị tâm sự: “Tôi bị nhiễm H từ chồng, khi biết mình bị H thì cũng là lúc tôi mang thai. Lúc đó, tôi không muốn sống nữa nhưng nhờ sự động viên của các anh làm bên chương trình phòng chống HIV nên tôi yên tâm và từ đó tôi đã thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do đó con tôi chào đời không bị lây nhiễm HIV từ mẹ”.

Còn chị Tô Thị Th. và Nguyễn Thị Th. đều ở xã Kỳ Tiến cũng nhờ thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên cả 2 chị đều sinh con an toàn không bị lây nhiễm HIV từ mẹ…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hiện nay, do sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS và nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp nên hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS cũng như công tác quản lý, theo dõi chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lự - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp tích cực chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch HIV/AIDS và phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con vẫn chỉ bó hẹp vào các đợt chiến dịch. Số phụ nữ có nguy cơ cao đồng ý làm xét nghiệm HIV thấp và chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ. Thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5 – 10%.

Cũng theo bác sỹ Lự, với những trường hợp phát hiện muộn, lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế độ, chính sách cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em không bị nhiễm HIV nhưng bị ảnh hưởng bởi HIV.

Lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở trẻ vì vậy hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai giúp phụ nữ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và dịch vụ khám thai, chăm sóc sinh đẻ, giảm tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast