Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Gần 1 tuần nay, tàu cá của ngư dân Hoàng Quốc Số (SN 1957, thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải “nằm” bờ vì ngư trường truyền thống đã bị những con tàu không có số hiệu từ nơi khác đến xâm lấn, khai thác. “Thuyền không ra khơi, buông lưới” đồng nghĩa với việc, cái “niêu cơm” của gia đình ông vốn đã eo hẹp mùa đại dịch Covid-19 giờ càng bé mọn hơn.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Ông Số bất lực dõi mắt nhìn những con “tàu ma” đang khai thác trên ngư trường truyền thống của mình.

3h chiều, thời khắc ra khơi đánh bắt thường nhật của ngư dân thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) nhưng trên bờ, hàng chục tàu cá vẫn nằm im, bất động. Một số ngư dân đang chậm rãi sửa sang, vá víu lại các tay lưới, bóng mực. Tất cả đều dõi mắt ra vùng biển – ngư trường truyền thống với những con trích, con mực, con cua… đang bị những chiếc tàu không mang số hiệu xâm lấn và khai thác.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Những chiếc tàu cá của ngư dân thôn Hải Thanh nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt hải sản.

Trên gương mặt sạm đen, hằn sâu vết chân chim vì nắng gió của gần 40 năm đi biển, ánh mắt ông Số ánh lên nét xót xa. Chỉ tay về phía biển, ông Số bức xúc: Biển không của riêng ai nhưng đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân thôn Hải Thanh này. Từ xưa đến nay, chúng tôi chỉ có những con tàu nhỏ (8 – 20 CV), sử dụng lưới chìm, bóng mực… bắt con cá, con cua. Thế mà, gần 1 tuần nay, hàng chục chiếc tàu công suất lớn, dùng lưới vây, te và cả mìn vào càn quét ngư trường. Họ đang cướp đi “chiếc cần câu cơm” của người dân địa phương.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Ngư dân gom góp, vá víu lại những tay lưới bị hư hỏng.

“Thường thì mỗi ngày, tôi đi biển 2 lần, sáng sớm đến 9 - 10h, buổi chiều từ khoảng 2h đến chập tối. Mùa này, hải sản dồi dào nên mỗi ngày cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy ngày nay xuất hiện dày đặc những chiếc “tàu ma” kia nên tôi không dám mạo hiểm ra khơi” – ngư dân Lê Xuân Tĩnh (thôn Hải Thanh) xen vào câu chuyện.

Ông Số, ông Tĩnh và những ngư dân thôn Hải Thanh không dám ra khơi cũng phải thôi vì những chiếc tàu cá bé nhỏ của họ không có khả năng “chen chân” vào ngư trường để khai thác với những con tàu lớn (200 – 300 CV). Đó là chưa nói, những chiếc tàu lớn kia đều khai thác hải sản bằng lưới vây, te – càn quét tận dưới đáy biển nên những sải lưới hay bóng mực của ngư dân khai thác bằng hình thức truyền thống thường bị phá nát.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Con tàu không có số hiệu đâm chìm tàu của ngư dân Nguyễn Văn Hạnh và bỏ chạy chiều 18/4.

Điển hình như chiều 18/4, trong lúc đang kéo bóng mực và lưới cá cách bờ khoảng 500 m, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh phát hiện một tàu lạ, công suất khoảng 300 CV sử dụng te làm hư hỏng tay lưới của mình. Khi anh Hạnh tiếp cận để yêu cầu bồi thường, chủ tàu kia đã bỏ chạy và đâm va làm tàu của anh bị chìm.

Anh Hạnh cho biết: Sau cú va chạm, tàu của tôi bị hư hỏng, đến nay vẫn chưa sửa chữa xong. Đó là chưa tính có 5 tay lưới trị bị cắt đứt, đang nằm dưới biển chưa thể lấy lên được. Tính ra, thiệt hại gần 15 triệu đồng.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Những con “tàu ma” đang khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống của ngư dân Kỳ Lợi...

Chúng tôi lên tàu của anh Dương Quốc Nam (công suất 250 CV) - chiếc tàu duy nhất của ngư dân thôn Hải Thanh có công suất tương tự những chiếc tàu đang xâm lấn vùng biển này, đi “thị sát ngư trường”. Từ bờ ra khoảng 5 hải lý, hàng chục chiếc tàu đang dàn hàng ngang miệt mài đánh bắt. Thấy chúng tôi, một vài tàu kéo te lên và quay mũi chạy ra. Điều đáng nói là, tất cả những con tàu này đều không có số hiệu và theo anh Nam khẳng định: không phải tàu của ngư dân địa phương.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

... thấy chúng tôi xuất hiện, một số tàu ngừng khai thác, bỏ đi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Mỹ - Trưởng thôn Hải Thanh cho biết: Toàn thôn có 50 tàu cá khai thác, đánh bắt trên biển. Ngư trường truyền thống của bà con từ đảo Sơn Dương trở vào, khoảng 2 hải lý với chiều dài 6 km. Gần 1 tuần nay, mỗi ngày có khoảng vài chục chiếc tàu lớn không biết từ đâu vào dàn hàng ngang đánh bắt hải sản gần bờ. Những chiếc “tàu ma” này dùng te, lưới vây và mìn (loại nhỏ) tận diệt hải sản, tàn phá ngư lưới cụ. Ngư dân rất bức xúc.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Những vành lưới vây, te không lồ của “tàu ma” càn quét ngư trường, phá hỏng ngư cụ của ngư dân đánh bắt bằng phương thức truyền thống.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kỳ Lợi Bùi Đức Trình: Sự việc tàu từ địa phương khác xâm lấn ngư trường truyền thống, gây ra những sự cố như phản ánh của bà con ngư dân thôn Hải Thanh là có. Xã cũng đã báo cáo với thị xã Kỳ Anh và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, rất mong các cấp chính quyền và lực lượng chức năng sớm vào cuộc, có biện pháp xử lý thỏa đáng. Đặc biệt, cần kiểm tra việc chấp hành đánh số ký hiệu cho các tàu thuyền để làm tốt công tác quản lý khai thác hải sản trên biển.

Những con “tàu ma” trên vùng biển Kỳ Anh

Thay vì ra khơi đánh bắt hải sản, chiều chiều, ngư dân thôn Hải Thanh bất lực nhìn ngư trường truyền thống bị “tàu ma” khai thác rồi lặng lẽ trở về.

Chiều dần buông. Lão ngư Trần Quốc Số và các ngư dân thôn Hải Thanh lặng lẽ trở về. Thay cho “cá bạc đầy khoang” là tấm lòng nặng trĩu của những ngư dân suốt đời gắn bó với biển cả. Tôi biết, trong lòng những ngư dân chất phác, dạn dày sóng gió kia đang cuộn lên những cơn sóng ngầm. Tôi cũng biết rằng, nếu không được giải quyết dứt điểm thì có thể sẽ thành những ngọn núi lửa. Và, hậu quả, khó lấy gì đong đếm được.

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast