Báo động tật khúc xạ học đường

(Baohatinh.vn) - Theo điều tra sơ bộ của Trung tâm Mắt Hà Tĩnh, năm 2010, trong số trên 10.000 học sinh (HS) tiểu học và THCS thì tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường (cận thị, loạn thị, viễn thị…) chiếm khoảng 10%. Hiện nay, qua các đợt khám, sàng lọc cho thấy, số lượng HS bị tật khúc xạ học đường đã tăng lên 15%, phần lớn là HS bậc trung học.

Thực trạng báo động

Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) là một trong những nơi có số lượng HS bị tật khúc xạ học đường cao nhất, với tỷ lệ trên 50%. Cô Nguyễn Nhật Ái - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tổ chức 3 đợt khám sàng lọc về tật khúc xạ học đường. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc phòng trị và giải pháp tốt nhất vẫn là đeo kính phù hợp. Với những em bị tật khúc xạ học đường, việc thực hiện các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao gặp khó khăn hơn”.

Báo động tật khúc xạ học đường ảnh 1

Trường THCS Lê Văn Thiêm có hơn 50% học sinh bị tật khúc xạ học đường.

Hầu hết các trường học mỗi năm đều tổ chức kiểm tra sức khỏe cho HS 1 lần nhưng việc khám các bệnh về mắt chưa mang lại kết quả như mong muốn. Từ trước đến nay, chưa có một chương trình, dự án nào dành cho mắt học đường trong lúc tình trạng học sinh bị tật khúc xạ đang trở nên đáng báo động trong trường học, vấn đề này lại cần nguồn kinh phí lớn.

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Mắt Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức khám sàng lọc miễn phí, đồng thời, tặng kính cho HS nghèo ở một số trường học nhưng chừng đó chưa đáng là bao. Bác sỹ Dương Kim Dũng - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Việc kêu gọi nguồn lực cũng rất khó khăn, bởi mỗi đợt khám chi phí hàng trăm triệu đồng, điều đáng lo ngại là một số dự án về mắt đang đi đến giai đoạn kết thúc. Ngoài ra, việc huy động nhân lực để thực hiện cũng rất khó bởi số lượng y, bác sỹ ở trung tâm hạn chế và còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong lúc đó, đối tượng HS bị tật khúc xạ ngày càng tăng”.

Phòng bệnh - bắt đầu từ ý thức

Chị Nguyễn Thị Nhàn - một phụ huynh HS ở xã Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Hiện nay, tình trạng trẻ em đeo kính ở những vùng nông thôn không còn hiếm. Ở xã chúng tôi, trẻ con bị cận thị rất nhiều. Ngay cả con tôi cũng bị mà tôi không biết. Vì luôn tin vào chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là việc bổ sung vitamin A cho con, chỉ đến khi nghe cô giáo chủ nhiệm phản ánh con thường xuyên chép sai đề kiểm tra, học hành sa sút… thì gia đình mới cho con đi kiểm tra”.

Trên thực tế, nhiều HS bị cận thị do học tập quá căng thẳng. Nhà ở chật hẹp, trẻ xem ti vi quá gần, tình trạng sử dụng máy vi tính, chơi trò chơi điện tử đòi hỏi sự tập trung cao độ làm cho mắt phải điều tiết nhiều giờ liền, có thể dẫn đến mỏi mắt, cận thị. Ngoài ra, bàn ghế không thích hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi không đúng; khi mệt mỏi, trẻ thường nằm xuống bàn làm bài; ánh sáng trong lớp học không đủ, tầm nhìn không được mở rộng (thường trong vòng 5m), thiếu môi trường để giúp trẻ tập luyện cơ mắt nhìn xa, khiến khả năng nhìn xa của các em ngày càng yếu.

Khúc xạ học đường không phải do bẩm sinh mà do điều kiện chủ quan, khách quan tác động. Nhưng điều đáng buồn là hầu hết HS, phụ huynh chưa quang tâm để hạn chế tình trạng này. Đó cũng là lý do khiến các bệnh về mắt học đường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến quá trình học tập, vui chơi của các em.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast