Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố (Bài 1): Giải bài toán về huy động sức dân

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 262 xã, phường, thị trấn với 2.156 thôn, tổ dân phố, 15.161 cán bộ thôn, tổ dân phố. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp trong hệ thống chính trị, song đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố lại là những người cuối cùng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên, trực tiếp là cấp xã. Cán bộ thôn, tổ dân phố yếu kém, chủ trương, chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống.

Đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống

Mọi việc thành hay bại đều ở nhân dân. Khi dân hiểu, dân tin, việc khó đến mấy cũng hoàn thành. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thôn, tổ dân phố phải triển khai các chủ trương đúng quy trình và dân chủ. Khi đội ngũ cán bộ đã thống nhất, nhân dân được bàn bạc, mọi chủ trương sẽ đi vào đời sống. Lúc ấy, sức dân sẽ trở thành “sức nước”, “đẩy thuyền” đi tới đích.

Thôn Tiến Thọ (Yên Hồ, Đức Thọ) đã có nhiều giải pháp huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân để hoàn thành công trình nhà văn hóa.
Thôn Tiến Thọ (Yên Hồ, Đức Thọ) đã có nhiều giải pháp huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân để hoàn thành công trình nhà văn hóa.

Thôn Thái Kiều, xã Khánh Lộc (Can Lộc) có 128 hộ dân với 486 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống khó khăn. Được sáp nhập từ hai xóm nên phải mất khá nhiều thời gian, thông qua nhiều cuộc họp, đội ngũ cán bộ thôn mới làm cho người dân đoàn kết, gắn bó. Những năm gần đây, thôn Thái Kiều đã phát huy tốt nội lực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Năm 2013, thôn Thái Kiều khánh thành hội quán với diện tích 1.600m2, tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Ái - người có “thâm niên” 15 năm làm trưởng thôn: “Để làm được hội quán thôn, trước tiên, chi bộ phải họp bàn chủ trương, sau đó họp tiểu ban mặt trận, họp thôn, các chi hội để bàn bạc cách làm, thống nhất số tiền đóng góp, ngày công huy động. Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng thôn thống nhất mỗi khẩu nộp 500.000 đồng, số tiền còn lại huy động từ con em xa quê, doanh nghiệp".

Sau khi hoàn thành hội quán, cán bộ thôn phát động phong trào giải tỏa hành lang, làm GTNT. Dù người dân vừa mới đóng góp số tiền khá lớn, việc làm GTNT liên quan đến nhiều diện tích đất, tài sản trên đất, nhưng khi các tổ chức trong thôn họp, thống nhất, công việc làm đường đã được triển khai nhanh chóng. Theo số liệu của thôn, toàn dân đã giải tỏa hơn 5 km hành lang giao thông với bề rộng đường 5,5m. Để đường đảm bảo tiêu chuẩn, người dân đã hiến rất nhiều tài sản có giá trị như: gần chục cây cổ thụ có đường kính 1,5-2m, nhiều hộ dời hơn 40m tường rào kiên cố, có hộ đập phá hơn nửa chuồng trại chăn nuôi… Nhờ đội ngũ cán bộ thôn thống nhất, nhân dân đồng thuận nên Thái Kiều đã phủ kín đường giao thông; thôn đạt danh hiệu văn hóa.

Thôn Tiến Thọ (xã Yên Hồ, Đức Thọ) cũng đã phát huy tốt sức mạnh của đội ngũ cán bộ thôn để triển khai các nhiệm vụ chính trị, đạt thành tích nổi bật. Nhân dịp 30/4/2014, thôn tổ chức khánh thành nhà hội quán trị giá hơn 800 triệu đồng. Để hoàn thành công trình, cán bộ thôn đã huy động nhân dân bằng mọi cách. Nhằm tạo “cú hích” tâm lý và thực hiện sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chi bộ ban hành nghị quyết; đối với đảng viên, ngoài nghĩa vụ nộp 400.000 đồng, mỗi người phải nộp thêm từ 100 ngàn - 1 triệu đồng. Sau khi nghị quyết ban hành, có đồng chí tình nguyện đóng góp 2 triệu đồng. Nhờ sự gương mẫu của cán bộ, người dân vừa hoàn thành việc đóng nộp, vừa đóng góp hơn 1.000 ngày công để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Ngoài ra, người dân còn làm gần 2 km đường bê tông đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí NTM. Phấn khởi trước những kết quả đạt được, Bí thư Chi bộ Trần Thanh Cảnh cho biết: “Chúng tôi đã tuân thủ nghiêm túc quy trình, từ tổ chức họp chi bộ, ban hành nghị quyết, họp thôn, chi hội đến đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng tình”. Tại Quyết định 1691/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thôn Tiến Thọ được chọn là một trong 19 thôn triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu do cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo.

Lo việc thôn hơn việc gia đình

Đã bàn bạc, thống nhất và ban hành nghị quyết, nhưng để nhân dân đồng tình, cán bộ thôn phải thực sự gương mẫu, lăn lộn. Không nêu gương, nhân dân sẽ không tin và đứng ngoài cuộc. Ông Bùi Thanh Hải - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Thái Kiều chia sẻ: “Các chi hội được tiểu ban mặt trận giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên. Vì thế, cán bộ phải làm hết sức, không ngại gian khó, kiên trì tuyên truyền bằng mọi cách và đi đầu trong thực hiện”. Nhân dân là vị trọng tài công bằng. Cán bộ “miệng nói, tay làm”, dân sẽ tin và ủng hộ. Bác Lê Văn Thân (71 tuổi) - thương binh hạng ¼ đánh giá: “Cán bộ phải là gốc của phong trào. Cán bộ thôn Thái Kiều đã thực sự lăn lộn, hy sinh nhiều thứ, thậm chí bỏ tiền túi để động viên bà con. Vì thế, chúng tôi không ngần ngại chuyện đóng góp”.

Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ thôn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khánh Lộc Nguyễn Duy Tịnh cho biết: “Cán bộ thôn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ lăn lộn với phong trào. Có nơi, để dẹp bỏ tường rào kiên cố, chi hội phụ nữ đã thành lập tổ phá dỡ hàng rào với 100% hội viên tham gia”.

Bàn bạc cách làm, huy động được sức dân nhưng quá trình triển khai, cán bộ thôn bao giờ cũng vất vả nhất. Đứng trước hội quán khang trang gắn với nhiều công sức của mình, ông Nguyễn Văn Truyền - Trưởng thôn Tiến Thọ (xã Yên Hồ) không giấu giếm: “Khi làm hội quán, chúng tôi phải mất ăn, mất ngủ, thay nhau canh vật liệu, giám sát thi công, suốt ngày chỉ lo hội quán chứ chẳng làm được gì, sợ mất vật liệu hoặc thi công không đúng thì khó ăn, khó nói với bà con”.

Sự bộc bạch của vị đứng đầu thôn đã làm tôi thấm thía lời đánh giá của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Yên Hồ Nguyễn Kim Toan: “Họ lo việc thôn hơn việc gia đình”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast