“Vi-rút bạo lực” tràn lan trong thế giới ảo

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng kèm theo vô số hệ lụy đáng báo động. Sống trong thế giới ảo, người ta dần trở thành “con người ảo”, tôn sùng cái tôi một cách quá mức, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, mù quáng chạy theo những giá trị “ảo”. Không ít người đã vi phạm pháp luật khi họ sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm, đe dọa người khác.

vi rut bao luc tran lan trong the gioi ao

Có không ít trường hợp có những hành động thiếu kiểm soát khi tham gia mạng xã hội

Trên thực tế, khi tham gia mạng xã hội đã có không ít trường hợp có những hành động thiếu kiểm soát, thể hiện một cách thái quá khi đưa hình ảnh, lời nói, các hoạt động... làm ảnh hưởng đến người khác, thậm chí, vi phạm pháp luật. Việc một số học sinh, kể cả học sinh nữ đánh nhau, lột quần áo nhau xảy ra ở các trường THPT, THCS, còn các bạn khác dùng điện thoại smartphone để quay và tung lên mạng; hoặc những vụ “trả thù tình yêu” bằng cách “tung” hình ảnh thân mật của nhau lên mạng xã hội không phải hiếm.

Mới đây, trên địa bàn TX Hồng Lĩnh đã xảy ra vụ việc đau lòng khi một bé gái mới 12 tuổi bị hãm hiếp cũng từ quen biết qua facebook. Chưa hết, kẻ ác còn dùng điện thoại quay lại cảnh quan hệ tình dục để làm bằng chứng gây áp lực cho cô bé dại dột. Khi vào cuộc điều tra, Công an TX Hồng Lĩnh đã ra quyết định khởi tố, bắt đối tượng.

Thế giới mạng chứa đựng rất nhiều thông tin, trong đó có những thông tin, hình ảnh không lành mạnh, mang tính bạo lực hoặc mang tính kích dục. Việc tiếp xúc với những luồng thông tin xấu đã tác động mạnh tới tâm lý phát triển và nhân cách, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như: sống hoang tưởng, có hành vi chống đối xã hội, uống rượu, thường xuyên bỏ học, lo âu, trầm cảm, sẵn sàng gây hấn khi có xung đột. Không ít vụ ẩu đả gây thương tích hoặc thậm chí tử vong bắt nguồn từ những bất đồng, tranh luận trên facebook.

Vì muốn chứng tỏ bản thân trong thế giới ảo, họ chọn cách “ăn thua” với nhau ngoài đời thật, như việc Nguyễn Hữu Minh (SN 1986, trú tại xã Thạch Tân, Thạch Hà) cùng 6 người khác thuê taxi đến nhà anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1983, trú tại thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) để nói chuyện “phải trái” về việc Dũng đăng status nói xấu Minh trên facebook cá nhân.

Mới đây, cộng đồng hết sức phẫn nộ trước vụ việc một học sinh ở Yên Bái đã tự tử sau khi bị đánh đập và tung hình ảnh lên facebook. Vụ việc đang được điều tra làm rõ và theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của nhóm người gây ra tội ác có thể bị xử lý hình sự. Những kẻ hành động thiếu lương tâm đó rất có thể không hình dung hết hậu quả nghiêm trọng của sự việc đối với người bị hại cũng như đối với chính bản thân mình. Thực trạng đang cho thấy, trên mạng xã hội, những người không kiểm soát được hành vi của mình hoặc không lường trước được những hành động của mình gây tổn hại lớn đến người khác rất dễ vướng vòng lao lý trong sự hối tiếc muộn màng.

Nói về mạng xã hội, Thiếu tá Thạch Trung Công - Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh, chia sẻ: “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình trên mạng xã hội khá phức tạp. Nhiều thông tin đưa lên mạng chưa được kiểm chứng; đưa hình ảnh người khác lên khi chưa được phép; sử dụng các hình ảnh cắt ghép để gây hiệu ứng xã hội, câu like, câu view,... hay một số hình ảnh phản cảm, các vụ việc đánh nhau,... có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Cũng theo Thiếu tá Công, một trong những nguyên nhân mọi người có thể “tự tung, tự tác” trên mạng xã hội là việc lập một tài khoản quá dễ dàng, chỉ cần có số điện thoại, hộp thư điện tử, trong khi đó, sim “rác” trôi nổi, đầy rẫy trên thị trường. Do đó, khi có dấu hiệu phạm tội trên mạng xã hội rất khó khăn cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm.

Trước sự lan truyền chóng mặt của mặt trái trên mạng xã hội như một loại vi-rút đang tràn lan ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, các cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với những loại hình giải trí này. Cụ thể là việc ngăn chặn, loại bỏ những luồng thông tin không lành mạnh; truy tìm, xử lý nghiêm khắc các đối tượng sử dụng mạng xã hội như một công cụ gây kích động tâm lý đối với người dùng; xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần dành sự quan tâm, định hướng một cách sát sao, thường xuyên, hiệu quả để giúp con em khai thác được lợi thế, tiện ích của mạng xã hội nhưng vẫn giữ được sự an toàn trên thế giới ảo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast