Hàng loạt siêu phẩm hội họa sẽ “biến hình” trong 50 năm nữa

Bức “Hoa hướng dương” của danh họa Vincent van Gogh đang mất dần sắc vàng tươi tắn, bức “Tiếng thét” của danh họa Edvard Munch đang mất dần sắc cam nguyên bản.

Bức “Hoa hướng dương”

Bức “Hoa hướng dương”

Đó là một vài ví dụ điển hình về những bức tranh có giá trị lớn nhất trong lịch sử hội họa của loài người đang dần phai mờ. Đó là vấn đề mà các chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn tác phẩm mỹ thuật kinh điển đang phải đối mặt.

Họ bị thiếu kinh phí để sử dụng những công nghệ tinh vi nhất giúp lưu lại những sắc màu nguyên bản của các siêu phẩm hội họa, trước khi các tác phẩm này bị thời gian làm biến sắc.

Ông Robert van Langh, giám đốc bảo tồn và phục chế của viện bảo tàng quốc gia Hà Lan - Rijksmuseum - nằm ở thành phố Amsterdam cho biết: “Những tác phẩm hội họa vô giá của loài người đang xuống cấp dần và số lượng tiền chi vào việc bảo tồn những siêu phẩm này nên được tăng lên 10 lần”.

Các nhà khoa học cần phải được tạo điều kiện để nghiên cứu sâu kỹ hơn về cách tương tác của các hợp chất hóa học - nguyên nhân khiến nhiều bức tranh đang dần thay đổi màu sắc. Khi hiểu được nguyên nhân rồi thì mới có thể nghĩ đến việc dừng quá trình tương tác đó lại được.

Bức “Tiếng thét”

Bức “Tiếng thét”

Có rất nhiều nhà khoa học thích thú với đề tài nghiên cứu này nhưng kinh phí dành cho họ rất hạn hẹp, vì vậy, cho tới giờ vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu đáng kể.

Việc hiểu được quá trình biến đổi này sẽ cho phép các viện bảo tàng tìm ra điều kiện lý tưởng nhất để trưng bày những tác phẩm mỹ thuật quý giá, chẳng hạn họ sẽ tìm ra ánh sáng, độ sáng, nhiệt độ, độ ẩm… thích hợp. Ngoài ra, công nghệ cũng có khả năng phục hồi các bức vẽ.

Các nhà nghiên cứu đều biết rằng bức tranh tĩnh vật kinh điển “Hoa hướng dương” ngày nay có sắc nâu đậm hơn so với khi Van Gogh mới vẽ hồi năm 1888. Tiếp xúc với không khí, màu vàng trong bức “Tiếng thét” của Edvard Munch cũng không còn sáng bóng như khi họa sĩ mới hoàn tất hồi năm 1910. Tia cực tím trong ánh sáng cũng khiến nó ngả sang sắc nâu.

Bức “Những bông hoa trong chiếc bình xanh”

Bức “Những bông hoa trong chiếc bình xanh”

Một bức tranh cũng khá nổi tiếng khác của Van Gogh là “Những bông hoa trong chiếc bình xanh” cũng đang chịu chung số phận. Lớp dầu bảo vệ bên ngoài bề mặt bức tranh giờ đây bắt đầu bị rạn theo thời gian, khiến các sắc màu bay dần, đe dọa tới vẻ đẹp nguyên bản của tranh.

Thời đó, màu công nghiệp là một thứ rất mới mẻ, đem lại cho các họa sĩ nhiều sắc màu đa dạng hơn trước, vì vậy, họ đã tìm đến với màu công nghiệp để được thỏa mãn những sắc màu ấn tượng nhất như vàng tươi, xanh ngọc… Những màu công nghiệp này bắt đầu mất màu chỉ sau 20 năm.

Hai danh họa Van Gogh và Edvard Munch mới chỉ là số ít, bởi còn rất nhiều họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 sử dụng màu công nghiệp, như Henri Matisse hay Pablo Picasso.

Những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ này đang gặp phải mối đe dọa bị mất màu theo thời gian. Nói vậy không có nghĩa những bức tranh cổ được sáng tác giai đoạn trước đó sẽ an toàn. Những bức tranh được vẽ từ thế kỷ 17 của Rembrandt cũng đang chứng kiến hiện tượng sắc xanh lam dần chuyển sang xám.

Nếu không có biện pháp nào được tiến hành khẩn trương thì 50 năm nữa, rất nhiều siêu phẩm hội họa sẽ có một diện mạo khác. Thế hệ mai sau sẽ không còn được ngắm những tác phẩm nghệ thuật này như chúng ta được thấy hôm nay.

Bích Ngọc - Theo Huff Post

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast