Gửi lại thành phố nắng

(Baohatinh.vn) - Miên vừa đẩy xe ra cổng vừa quay lại gọi con: - Bim à, ra đóng cửa cẩn thận đi con. Nhớ khóa trái lại, ai gọi cứ bảo mẹ cháu đi vắng.

Không cần nghe tiếng con gọi. Tiếng xe máy xa dần.

Hiếm có buổi sáng nào ở miền Trung trời lại mát mẻ và trong xanh như thế. Mọi năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, trời lại sụt sùi mưa lụt. Hết mưa rồi lại nắng. Nắng rám trái bưởi gay gắt và ngột ngạt. Năm nay, thời tiết thay đổi, nhuần nhị hơn, dễ thở hơn rất nhiều.

Miên cho xe chạy vòng quanh ngã tư nườm nượp người, chợt nhận ra hình như hôm nay ai cũng thảnh thơi cả. Xem trong từng điệu bộ dáng đi, không vội vã. Mặt mũi không khẩu trang bịt kín. Tự nhiên thấy vui vui trong lòng.

Miên sống một mình. Làm mẹ đơn thân trong thời buổi bây giờ không còn xa lạ nữa. Trong số đám bạn của Miên, không dưới mười người chọn cho mình cách sống như vậy. Cứ thỏa mãn ước mơ làm mẹ của mình nhưng không bị phụ thuộc hay ràng buộc vào một người đàn ông nào đó. Miên không thuộc típ đó, nhưng không thể nào khác được. Miên không thể bỏ đi đứa con đang lớn hàng ngày trong bụng mình. Vụng dại, đó là một bài học. Nhưng nó là kết quả của tình yêu mà Miên đang có. Miên đứng sững trong nhà tắm. Chiếc que thử qiustik dần hiện lên hai vạch hồng hồng. Sững người. Một cảm giác lạ lẫm lẫn ngạc nhiên, sung sướng lẫn lo âu, bồn chồn đến không thể tả. Miên đã biết trước rồi sẽ nuôi con một mình khi Khả nói: “Anh không thể về thăm con thường xuyên được nhưng anh yêu hai mẹ con”. Không hiểu sao lúc đó Miên lại cười, lại mạnh bạo nói lên rằng: Em sẽ nuôi con một mình mà không cần gì khác từ anh. Đó là sự thật. Đó không phải là lời nói thốt ra trong cơn giận dữ. Miên giữ chặt niềm hạnh phúc mà lúc ấy cô cho là thiêng liêng nhất. Nó là minh chứng cho tình yêu của cô đối với Khả.

Ngày Miên mang thai bé Bim, bố mẹ, ông bà ở quê như ngồi trên nước sôi, lửa bỏng. Họ dọa nạt bắt Miên phải bỏ đứa bé. Nói chán, trong những cuộc gặp gỡ họ hàng, họ tránh không nhắc đến Miên, họ xem cô như một kẻ làm ô uế gia đình, dòng tộc vốn dĩ rất nổi tiếng nề nếp và trâm anh mấy đời dòng dõi. Đôi lúc một mình Miên buồn. Nỗi buồn mang đến sự cô độc đến quẫn bách, những ý nghĩ hoài nghi, điên rồ cứ dồn dập đến không dứt. Rốt cuộc trên đời này, thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? nó thế nào mà Miên không thể nào với tới.

Trong khi mọi người công kích những đòn “tập thể” ra trò, Miên không nói gì nhiều. Chỉ khi mọi người vãn cả, cô mới chui tọt vào trong phòng, ngồi trùm chăn kín mít cả người, chỉ hở mỗi đôi mắt nhìn qua tấm cửa kính euro window nhìn ra ngoài trời xám xịt và buồn tẻ những đám mây phù thũng.

Mùa đông bao giờ cũng thế. Lạnh lùng và cố thủ. Không ai biết được những cơn gió rét căm mang một thông điệp gì. Đôi lúc Miên nghĩ nó giống như những lưỡi dao lạnh ngắt của một kẻ khổng lồ hung tợn nào đó đang ra sức chém lấy chém để vào không khí. Cũng có lúc nó giống như một gã điên tình đi lang thang, miệng lẩm nhẩm những bài ca vô vọng, cuồng nộ. Những lúc như thế, giật mình nhìn mình, Miên thấy cả sự cô đơn, lạc lõng của mình qua tấm cửa kính mỏng.

Mẹ đẩy cửa bước vào phòng nhẹ nhàng đến bên Miên. Bà không ngồi xuống, vừa xếp đống sách vở mà cô bày lộn xộn giữa nền gỗ. Miên có thói quen ngồi bệt xuống nền nhà từ khi còn rất nhỏ. Lúc đầu, mẹ không thích thế. Lúc còn nhỏ, bà đã dạy Miên phải đi dép, phải ngồi trên ghế nghiêm chỉnh như thế nào. Nhưng mỗi lần bà bế thốc lên đặt lên ghế là Miên lại chuồi xuống. Miên thích cái cảm giác lành lạnh ở mông khi ngồi bệt giữa nhà xếp đi xếp lại đống đồ chơi xếp hình một cách chăm chú. Những lúc như thế, nước miếng dãi cứ nhểu ra, ướt cả tấm yếm mẹ quàng ở cổ. Chơi chán trò ấy, Miên lại xoay sang xoa xoa hai bàn tay lên đám nước dãi giữa nhà, cứ thế cho đến khi phát chán. Mỗi lần như thế, bà lắc đầu chịu thua, bà cứ để cô mặc sức với những ý tưởng của mình rồi đến cuối ngày mới đem vào tắm rửa.

Bố Miên đã từng không đồng ý với cách giáo dục của mẹ. Với ông, con cái được so sánh hơn hoặc bằng tài sản, có nghĩa là nó phải được giáo dục và làm việc đúng mục đích như ông muốn thế. Tất nhiên, Miên đã làm ông thất vọng rất nhiều và mẹ cô cũng không là ngoại lệ. Ông bảo, chính bà đã tạo đà cho cá tính ương ngạnh và độc lập ngay từ bé để đến giờ, nó trở thành một căn bệnh khó chữa trong Miên.

Miên sinh vào ngày Trùng Cửu. Theo tử vi tướng số thì đó là ngày mang lại những may mắn bất ngờ nhất. Hôm mẹ sinh, cả khu tập thể quây quần bên Miên như một sự kiện đặc biệt. Bố hết đi đi lại lại rồi lại ngồi bệt xuống đất nhín thở. Ông đã chờ đợi Miên ra đời mòn mỏi đến mức nào. Đám chị gái xoay xoay chơi ô quan ngoài sân lấm lét nhìn bố. Ông không dám nhìn quanh, ngồi đốt thuốc chờ đợi một thằng con trai độc đinh bốn đời đang nằm im thin thít chưa chịu ra trong cái bụng lù lù to của mẹ. Mẹ lúc đó vừa đứng vừa đu lấy sợi dây thừng buộc trên xà nhà. Máu tứa ra giữa hai chân loang ra giữa nền nhà trải bằng tấm dù của bố. Trông mẹ quỵ hẳn như sắp đứt hơi vậy.

Rồi lâu như cả một nghìn năm. Khi bố đạp cửa bực mình, khi mẹ hét lên một tiếng như đứt cả cổ họng và máu tưa tướp chảy xuống nền nhà là lúc Miên òa khóc. Bố nhìn vào Miên như nhìn vào một vật thể lạ đỏ hỏn và bất thần ngồi thụp xuống, bao nhiêu hy vọng tan biến như đám bọt xà phòng rã ra, trôi tuột và trơn nhẫy. Mẹ rướn hết sức bình sinh cong người lên nhìn Miên rồi đổ ra như một cây chuối bị đốn gãy. Bà không khóc được nữa, hy vọng vào Miên là một đứa con trai trong chín tháng mười ngày cuối cùng bị cô xóa bỏ.

Khi vết cứa cũ đã lên da rồi, Miên lại đâm thêm một nhát nữa vào ngực bố mẹ. Bố quỵ hẳn, lầm lì, câm lặng trong căn phòng đóng kín. Mẹ không khuyên gì Miên. Bà cũng chẳng nói cô phải làm gì. Bà chỉ ngồi im lặng. Rồi chỉ chợt òa khóc khi Miên lặng lẽ xách đồ ra khỏi nhà. Bố ném nốt chiếc ly thủy tinh trên bàn ra ngoài sân, chấm hết cho ngày trở về của Miên trong căn nhà nặng nề như có đám.

Tim Miên như thắt lại. Suốt những năm sau đó, lần nào gọi điện về nhà để hỏi về bố, Miên đều sợ hãi vô cùng. Cảm giác tội lỗi khi làm tổn thương người mình yêu thương nhất trên đời ám ảnh cô như một vết sẹo nhưng nhức buốt khi trời trở gió. Nhất là khi những hoài nghi về cuộc đời, những ngả rẽ tăm tối, cô đơn mà một mình cô từng kiêu hãnh gánh chịu, giờ càng lớn dần với những nghi ngại về những khó khăn trong đời mà Miên vấp phải.

Điều lo ngại nhất cuối cùng đã xẩy ra khi con bé Bim bây giờ đã đủ khôn để nhận ra rằng, cuối cùng nhà nó chỉ có mẹ và nó. Đôi khi nhìn đám bạn được bố công kênh từ ngõ về nhà, nó cứ ngường ngượng. Chiều hôm ấy nắng nhẹ. Nó chọn một ngày nắng nhẹ để hỏi những chuyện khó nói trong lòng.

- Bố ở đâu hả mẹ?

- Ở S con ạ - không hiểu sao Miên buột miệng nói ở S. S ở đâu chính Miên cũng không hiểu nữa. S - Một địa danh vu vơ đủ để cho con bé im lặng thôi không hỏi nữa nhưng lại làm Miên chạnh lòng. Cô gấp lại cuốn truyện ngắn của Nhật Chiêu rồi ra vườn. Trời đầy nắng. Bim đang ngồi bên chiếc xích đu rũ đầy hoa khế tím. Dáng Bim ngồi, bàn tay, ngón chân Bim giống Khả đến ngạc nhiên như hẳn anh đang ngồi đó, hay ít ra anh đang hiện diện ở đó, không mất đi trong cái điểm S yên bình mà cô cất giữ. Miên đã mất rất nhiều thời gian để xóa đi hình ảnh đó trong đầu. Nhưng càng cố quên cô lại càng nhớ rõ mồn một đến từng chi tiết. Thi thoảng, Khả vẫn gọi điện. Khả không hề chối bỏ cũng không nhích lại gần Miên hơn nữa. Khả tránh sự đổ vỡ cho cuộc sống riêng của Khả. Miên cũng thế, cố tránh hết thảy mọi điều có thể dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình anh. Càng tránh, Miên càng cô đơn, càng nghĩ ngợi.

Hình bóng Khả qua dáng vẻ của Bim luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ và cả trong những lúc ôm con ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời tối om như mực của những đêm mưa lành lạnh. Có đôi lần Miên nghĩ đến việc phải nói với Bim về bố nó, phải để cho con được biết nhưng rồi Miên đã không thể mở lời. Mỗi lần như thế, Miên lại chui tọt vào nhà tắm và ngồi dưới vòi hoa sen thật lâu để cho nước xối xả vào mặt, vào tóc, vào ngực. Và cứ thế, tự cào cấu mình rồi bật khóc nức nở như mình là một kẻ bệnh hoạn, điên loạn. Miên đang làm gì thế này, đang che chở Bim hay đang dần tước đi của con những điều mà con đáng được hưởng. Mọi đứa trẻ con trên đời đều cần có bố mẹ, cần được yêu thương. Tại sao Bim lại không có được cái quyền đáng phải có như bao đứa trẻ khác.

Nhưng rồi Miên đã không thể làm được điều đó. Miên không thể nói được với con càng không muốn Bim gặp Khả. Có thể anh đã nhìn thấy con nhiều lần rồi ở một ngã tư đường gần trường con học nhưng không dám lại gần. Khả là thế, Khả sợ sự đổ vỡ gia đình của Khả, lại càng sợ tai tiếng cho cuộc bầu bán nhân sự sắp tới trong tỉnh. Và hơn hết là Miên. Miên đã hứa với chính lòng mình trăm vạn ngàn lần rằng: hãy để cho Khả được yên ổn mà sống với trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Khả là người có nhiều ước mơ, nhiều hoài bão nhưng liệu Khả có đủ can đảm để chối bỏ nó chỉ vì mẹ con cô một cách chân thành. Dẫu đôi khi chính Miên đã phải công nhận rằng: tủi thân là một cảm giác rất thật, không thể nào cưỡng lại được. Nhưng rồi, cảm giác đó cũng qua, thật nhanh và bất ngờ giống như khi nó đến. Tự nhiên, khi đã quen với nó rồi, nó lại không tồn tại trong Miên nữa.

Giờ đây, giữa thành phố xa lạ này, Miên muốn có lại cảm giác đó, một lúc thôi để xoa dịu những cảm giác trống trải và cô đơn, nhưng lạ kì thay, nó không còn làm Miên xúc động hơn được. Cô nhận ra rằng, cảm giác đó rời bỏ cô giống như một trái cây chín nẫu đã rụng khỏi cành, dẫu vẫn còn vương lại một ít hương thơm trên đám cỏ xanh mềm mại.

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast