Dạy con tốt hơn nhờ… uy của chồng

Trong nhiều gia đình hiện nay, vì lý do bất khả kháng nào đó mà người cha thường phải đi xa như đi nước ngoài, đi làm ăn xa, hay cha mất sớm hoặc những trường hợp làm mẹ đơn thân… thì người mẹ thường xuyên tạo nên sự có mặt của “người cha” thông qua những lời nói, lời nhắn nhủ, hay mong ước, tình cảm của cha dành cho bé. Sở dĩ những bà mẹ này làm như vậy là bởi họ hiểu, trong tâm hồn đứa trẻ, cha là thứ “uy quyền” khó có thể thay thế được.

day con tot hon  uy cua chong

Ảnh minh họa

Trẻ ngoan hơn khi được bố đón

Chị Minh ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội kể rằng, chị đã từng đọc nhiều loại sách về dạy con, tham gia các buổi học về kỷ luật không nước mắt… nhưng không hiểu sao rất khó khi áp dụng vào thực tế cuộc sống. Chị tuân thủ nguyên tắc không sử dụng bạo lực với con. Không quát mắng, đánh đập con. Bình thường thì không có vấn đề gì nhưng mỗi lần bé Bin, 3 tuổi, con trai chị có sự xung đột với đứa trẻ khác như dành nhau đồ chơi, hay đòi mua thứ này thứ khác… thì cháu cứ lăn ra ăn vạ, chị không có cách gì dỗ nổi.

Mỗi lần nhờ con làm điều gì đó, chị cũng rất nhẹ nhàng tâm lý nhưng con trai chị chỉ làm khi nó cảm thấy thích. Còn lại không bao giờ nghe lời mẹ. Ở nhà với mẹ thì không cho mẹ nói chuyện với người lớn, không cho mẹ cầm điện thoại lướt mạng mà dường như bé bắt buộc chị phải 24/24 luôn luôn giao tiếp với bé. Lúc đi đón con ở trường về cũng vậy, nếu mẹ đi đón thì bé Bin đòi mẹ đi chơi hết chỗ này sang chỗ khác.

Ấy vậy nhưng với bố, Bin lại khác. Nhiều lần Bin ăn vạ, chỉ cần bố lừ mắt, nghiêm mặt là Bin dừng ngay. Rõ nhất là những khi chồng chị Minh đi đón con, bé Bin rất ngoan không hề mè nheo, không hề đòi bố đưa đi chơi chỗ này chỗ khác mà về nhà ngoan ngoãn và rất vui vẻ. “Mỗi lần bố đón cháu về, cháu đều hớn hở từ cổng chạy thẳng vào nhà khoe mẹ: Mẹ ơi, hôm nay bố đón con đấy. Xong rồi chơi rất ngoan. Không bù cho những ngày tôi đi đón, đưa con từ trường về nhà đã khó. Về đến nhà mà nấu được bữa cơm lại càng khó hơn vì con cứ bám chặt lấy bắt mẹ bế, kéo mẹ ra ngoài đi bộ, đi xe đạp, hoặc sang nhà hàng xóm chơi…”, chị Minh nói.

Đồng cảnh với chị Minh, chị Hoa hàng xóm chị Minh cũng cho biết: Vợ chồng chị Hoa có một cậu con trai 2 tuổi. Cách đây nửa năm, chồng chị Hoa nhận một công trình ở Thanh Hóa nên thường phải xa gia đình. Trước kia chồng còn ở nhà, bé Bốp, con trai chị Hoa rất ngoan. Chị Hoa kể, ngày đó cháu ngoan đến độ, chị thường thả con chơi một mình để làm đủ việc nhà. Thế nhưng từ ngày bố đi làm xa, Bốp trở nên mè nheo, bám mẹ nhì nhằng và rất hay… bắt nạt mẹ.

Cha là “uy quyền” không thể thay thế

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, sở dĩ đứa trẻ có vẻ như ngoan ngoãn hơn, vui vẻ hơn khi có sự có mặt của người cha trong gia đình là bởi, người cha có vị trí vô cùng quan trọng trong việc phát triển nhân cách và trí tuệ của chúng. Trong một gia đình, nếu đứa trẻ nào nhận được sự giáo dục đúng mực của người cha thì đứa trẻ đó sẽ trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn và trở nên tự tin, mạnh mẽ, hòa đồng tốt hơn khi lớn lên. Ngược lại, nếu đứa trẻ nào thiếu sự chăm sóc quan tâm của người cha hoặc bị ám ảnh bởi sự bạo lực của cha… chúng sẽ trở nên nhút nhát hoặc ở thái cực đối lập là hung hăng.

Nhà phân tâm học S.Freud cũng đã từng nói tới vai trò “rào chắn” của người cha ngăn cản sự cuốn hút đứa trẻ về phía người mẹ. Nếu như người cha làm được điều này, đứa trẻ sẽ đồng nhất với người bố của mình, phát triển nhân cách lành mạnh, phát triển “sức mạnh của tính cách”. Ngược lại, người cha nhu nhược, không có vị trí trong gia đình, không đóng vai trò là tượng trưng của kỷ cương và luật lệ sẽ là nguyên nhân của những sự lệch lạc, những rối nhiễu trong ứng xử của trẻ về sau.

Trong lý thuyết này, ta thấy rõ hơn tính tích cực của người cha và ảnh hưởng của người cha lên sự phát triển của đứa con. Người cha còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực phát triển của đứa con: Cảm xúc, tình cảm nhận thức… Nếu như các nhà theo trường phái phân tâm học cho rằng, người cha chỉ nên quan tâm nhiều tới trẻ ở tuổi từ 18 tháng trở đi, thì các nhà tâm lý học phát triển lại cho rằng, tương tác sớm cha – con có ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển của đứa con.

Chính vì thế, theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, trong nhiều gia đình hiện nay, vì lý do bất khả kháng nào đó mà người cha thường phải đi xa như đi nước ngoài, đi làm ăn xa, hay cha mất sớm hoặc những trường hợp làm mẹ đơn thân… thì người mẹ thường xuyên tạo nên sự có mặt của “người cha” thông qua những lời nói, lời nhắn nhủ, hay mong ước, tình cảm của cha dành cho trẻ. Sở dĩ những bà mẹ này làm như vậy là bởi họ hiểu, trong tâm hồn đứa trẻ, cha là thứ “uy quyền” không ai có thể thay thế được. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và khẳng định, người cha tượng trưng và người cha cụ thể đều ảnh hưởng tới đứa con. Mô hình “người cha nghiêm khắc” rất quý đối với các nhà phân tâm học, nhờ người cha thông qua người mẹ mà đứa trẻ phát triển nhân cách, phát triển đúng đắn giới tính. Trẻ gái nhìn vào tính cách của cha để cảm nhận vai trò là con gái của mình, trẻ trai nhận ra vai trò người đàn ông thông qua bố và hoà đồng với giá trị đó. Các trẻ trai thiếu cha thích nghi kém hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quan hệ tương tác với các trẻ khác cùng chơi.

“Quan niệm một thời của người Việt cho rằng, vai trò của người cha trong gia đình là vai trò trụ cột về kinh tế vì thế việc giáo dục con cái là của người mẹ. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng, một đứa trẻ nhận được sự quan tâm chăm sóc của người cha từ sớm sẽ phát triển tốt hơn những đứa trẻ khác. Bất cứ là con trai hay con gái thì vai trò của người cha có tác động rất lớn tới nhân cách cũng như cuộc sống của chúng về sau”, TS Quý nói.

Theo GĐ&XH

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast