Người lên kế hoạch cho những cuộc hành trình của Đoàn tàu không số

Nhắc đến cái tên Nguyễn Hữu Tuần, Trưởng Ban tác chiến và huấn luyện của Đoàn tàu không số, những ai đã từng hành trình, chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đều không thể quên. Ông Nguyễn Hữu Tuần được lãnh đạo giao nhiệm vụ: Lên kế hoạch từ khâu hành trình, giao hàng đến tác chiến, chiến đấu cho những cuộc hành trình của Đoàn tàu không số. Đó là nhiệm vụ quan trọng quyết định sự thành, bại của những chuyến vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Hữu Tuần đứng giữa, trong dịp Hội CCB tỉnh kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Ông Nguyễn Hữu Tuần đứng giữa, trong dịp Hội CCB tỉnh kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Những chiến công thầm lặng

Ông Nguyễn Hữu Tuần (SN 1932), trú tại thôn Yên Cư xã Quang Lộc (Can Lộc), là trợ lý của Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Ngọc Hiền (năm 1986) và là Trưởng Ban tác chiến và huấn luyện của Đoàn tàu không số.

Cuối năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Nam nổi dậy rộng khắp, bởi vậy việc cung cấp vũ khí, khí tài cho quân và dân ta ở chiến trường miền Nam là rất cấp thiết. Đảng ta và Quân ủy Trung ương xác định:Muốn tăng cường thêm vũ khí, đạn dược cho các tỉnh Nam Bộ thì phải hình thành các bến, bãi khu vực ven biển và nghiên cứu con đường vận chuyển chiến lược trên biển để sử dụng lâu dài. Khi đã hình thành các bến, bãi ở các tỉnh ven biển đồng bằng Nam bộ thì Quân ủy trung ương thành lập Ban tác chiến và huấn luyện của Đoàn tàu không số và chính ông Nguyễn Hữu Tuần cùng một số người khác là những người trực tiếp lên kế hoạch cho những chuyến đi trên biển đưa súng ống, đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Đoàn tàu không số ban đầu chỉ có 4 chiếc thuyền gỗ được thiết kế thành hai khoang, sau này đã phát triển lên thành 38 tàu. Đoàn tàu không số có khoảng 1.900 cán bộ, chiến sỹ, với 14 năm hành trình trên biển, Đoàn tàu không số đã cung cấp hơn 15.000 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình lên kế hoạch hành trình cho những chuyến đi, ông Tuần nhớ từng gương mặt, nụ cười, tính cách của từng cán bộ chiến sỹ: như thuyền trưởng Lê Văn Một kiên trung quyết đoán, Phan Vinh rắn rỏi, trung thực, đặc biệt là thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng (Cà Mau) một người không bao giờ biết say sóng, mỗi chuyến đi anh Cứng lên gần 1kg, còn anh em khác thị sụt đến 4kg, cá biệt có người sút 8kg. Những địa danh, bến bãi như: Vũng Rô (Phú Yên), Hòn Héo (Khánh Hòa), Lộ Giao (Bình Định)… luôn hiện về trong ký ức của ông Tuần khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình.

Vào năm 1961 đến 1962, những chuyến hành trình của Đoàn tàu không số đều dựa vào kinh nghiệm đi biển, nhưng sau này khi địch trang bị những phương tiện hiện đại kiểm tra sát sao khu vực ven biển thì chúng ta phải có phương án thật chu đáo và tính toán kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Hữu Tuần nói: Chúng tôi quy ước cách xử lý khi gặp tàu địch ở những vùng biển cụ thể, cách giao hàng ở Tây Nam bộ, Nam Trung bộ có đặc điểm khác nhau. Từ phương thức giao hàng, xác định phương pháp huấn luyện, kỹ năng thả hàng trên biển ở Nam Trung bộ, nơi không có bến đàng hoàng. Phương châm chiến đấu cũng vậy, rất cụ thể, mục tiêu chung là cố gắng giữ hàng, phương tiện, con người được an toàn.

Tết Mậu Thân (1968), lúc này, Đoàn tàu không số được trang bị chiếc tàu mới có bốn máy và có ra đa gắn trên tàu, đây là tàu được trang bị hiện đại với tốc độ 22 hải lý/giờ. Lúc này, được cấp trên yêu cầu phải chọn người thuyền trưởng có kinh nghiệm để đưa 20 tấn vũ khí vào Hòn Héo, ông Tuần đã giao cho Trung uý Phan Vinh làm thuyền trưởng cùng 14 anh em khác bắt đầu cuộc hành trình. Sau khi bàn bạc rất cụ thể với phương án đưa tàu vào bến an toàn buộc phải tránh được sự kiểm soát của mạng lưới tàu hiện đại của địch. Cuối cùng tàu do thuyền trưởng Phan Vinh dẫn đầu đã vào bến giao hàng thành công.

Ông Tuần kể về những chiến tích của Đoàn tàu không số

Ông Tuần kể về những chiến tích của Đoàn tàu không số

Cả cuộc đời cống hiến cho Cánh mạng

Ông Nguyễn Hữu Tuần sinh ra và lớn lên ở quê hương giàu truyền thống cách mạng, sống trong gia đình trung nông có 6 anh, em, ông sớm được học hành chu đáo, từ nhỏ đã thông thạo cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Sau ngày cướp chính quyền, cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia tích cực vào các tổ chức xã hội dạy bình dân học vụ một trong chiến dịch xóa mù mà Đảng đề ra. Năm 18 tuổi ông tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng, những năm tiếp theo ông luôn được đi học và sau đó tình nguyện vào nam bộ chiến đấu, rồi sang chiến trường CamPuChia. Đến năm 1962, về căn cứ II Hải quân rồi làm trợ lý tác chiến, Trưởng ban tác chiến và huấn luyện Đoàn tàu không số. Ở đâu, vị trí nào, ông Tuần cũng luôn là người hết lòng vì công việc cống hiến hết sức mình cho cách mạng, cho nhân dân, Tổ quốc. Thiếu úy Nguyễn Văn Cừ, nguyên là thuyền phó Đoàn tàu không số hiện trú tại thị trấn Cẩm Xuyên nhận xét “Đại tá Nguyễn Hữu Tuần là người quyết đoán, trong công việc cũng như trong cuộc sống ông ấy là người thẳng thắn, sống hết mực vì đồng đội, vì Tổ quốc”.

Năm 1988 trở về quê hương với quân hàm Đại tá, ông Nguyễn Hữu Tuần được đồng đội, nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch cựu chiến binh hai nhiệm kỳ, sau đó làm Hội người cao tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng ông tiếp tục cống hiện sức mình giáo dục thế hệ trẻ viết tiếp trang sử truyền thống của cha ông. Ông Nguyễn Đức Chương, Bí thư Đảng ủy xã Quang Lộc chia sẻ: “Trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, ông Tuần là người đi đầu vận động quần chúng nhân dân, bà con lối xóm hiến đất, hiến vườn để làm đường giao thông. Ông Tuần là tấm gương lớn để cho các Đảng viên, cán bộ và thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

Gặp ông Nguyễn Hữu Tuần nhân ngày kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ông mừng rỡ khoe với chúng tôi về cuốn sách do chính tay ông viết cuốn “Hành trình người lính đến tàu không số”. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm cuộc đời ông gắn liền với Đoàn tàu không số. Hơn hết, đó là lời tri ân của ông đối với đồng đội những người đã hy sinh để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast