Công bố kết quả kiểm kê rừng và Đề án đo vẽ địa chính phần đất lâm nghiệp

Sáng 19/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến về công bố kết quả kiểm kê rừng và đề án đo vẽ địa chính phần lâm nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì hội nghị.

Qua kiểm kê cho thấy độ che phủ rừng toàn tỉnh 49,51% giảm 1,62% so với năm 2011 do diện tích rừng trồng đã khai thác nhiều trong những năm gần đây.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch ( dự thảo) triển khai Đề án "Hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính, cấp GCNQSD đất và xây dựng hồ sơ địa chính " đối với đất lâm nghiệp". Qua kiểm tra, rà soát thu hồi đất, rừng của các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng có tổng diện tích rừng dự kiến thu hồi 19.393,1 ha chuyển về cho chính quyền địa phương để giao cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức kinh tế thuê theo "Đề án quản lý và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2015". Kế hoạch cũng đã đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện về công tác tuyên truyền, chuyên môn, kinh phí đo vẽ bản đề địa chính giao đất, giao rừng....

Sở NN- PTNT đã có phương án (dự thảo) với 7 bước thực hiện xử lý tài sản, nguồn vốn trên đất có rừng trong quy trình giao đất, rừng về hộ gia đình, cá nhân quản lý.

Các huyện phía đầu cầu và một số sở, ngành liên quan đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho kế hoạch và các phương án nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện việc đo vẽ và giao đất, giao rừng trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Kết quả kiểm kê rừng là số liệu hết sức quan trọng cho công tác quản lý rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành NN- PTNT cần phải cung cấp số liệu cụ thể về cho các huyện để tuyên truyền, công bố kết quả kiểm kê rừng xuống tận các xã để nhân dân biết và cùng tham gia quản lý. Sở TN - MT sớm hoàn thiện đề án trên để trình tỉnh phê duyệt.

Trong lộ trình thực hiện tỉnh xây dựng đề án, huyện có kế hoạch và xã xây dựng phương án cho việc đo vẽ, giao đất, giao rừng....Theo đó, các địa phương phải xác định được mục tiêu đặt ra để có phương án và kế hoạch cụ thể. Trước tiên, cần xây dựng phương án rồi mới tiến hành thu hồi đất, đồng thời xử lý tài sản trước khi cấp giấy CNQSD đất. Đặc biệt, các xã cần phải nghiên cứu để có tư duy trong việc triển khai thực hiện thì mới đạt được kế hoạch đề ra...

Theo kết quả kiểm kê, đến nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh có 364.800,6 ha, trong đó, đất có rừng hơn 296.928,3ha, đất chưa có rừng hơn 67.872,3 ha. Số diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên được phân theo chủ quản lý gồm: các chủ rừng có tổ chức 276.532,8 ha; các xã đang quản lý 48.316,8 ha và hộ gia đình, cá nhân quản lý 39.951 ha. Trữ lượng rừng trên địa bàn tỉnh hơn 30 triệu m3 đã được phân theo các loại rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng ngheo kiệt và tre nứa. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 loài câu chủ yếu được trồng theo 19 phương thức với diện tích 105.543,7 ha. Một số phương thức có diện tích lớn như: Keo, Thông - Keo, Cao su, Bạch Đàn....

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast