Ukraine bầu cử Quốc hội trong không khí thời chiến và chia rẽ

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cùng binh sĩ dưới quyền phẫn nộ không được phép bỏ phiếu bầu cử. Phe thân phương Tây được dự báo sẽ áp đảo.

Giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở vùng Đông Ukraine bất chấp một lệnh ngừng bắn chính thức. Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu cho một quốc hội mới của Ukraine vẫn cứ diễn ra và người thắng cuộc trong cuộc bầu cử dường như đã được ấn định từ trước.

(ảnh: DW)
(ảnh: DW)

Họ trực tiếp giao chiến, sống chết khó lường. Nhưng họ sẽ không được bỏ phiếu - đó là khoảng 25.000 binh sĩ hiện đang tham gia vào cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Họ không được tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra vào ngày 26/10 vì những lý do hình thức. Quốc hội ở Kiev đã không thể thông qua một dự luật cho phép những quân nhân này được bỏ phiếu khi không có mặt tại nhà. Trên đài truyền hình Ukraine, ông Bộ trưởng Quốc phòng đã phải lên tiếng rằng binh sĩ của ông và bản thân ông rất phẫn nộ vì điều này.

Ngoài ra, những người dân ở bán đảo Crimea đã được sáp nhập vào Nga tất nhiên sẽ không được bầu cử. Trong khi ở vùng đất miền đông – Donetsk và Luhansk - thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy, cũng có ít nhất 13 trong số 32 khu vực bầu cử ở đây sẽ không tiến hành bỏ phiếu. Vậy là quốc hội mới sẽ chỉ có 420 đại biểu thay vì 450 như trước đây.

Phe Tổng thống dẫn đầu (theo thăm dò)

Tổng cộng có 29 đảng phái chính trị ra tranh cử. Trong số những ứng cử viên đại biểu Quốc hội thì một nửa là đại diện cho các đảng phái còn lại nửa còn lại là các đại diện cho các khu vực bầu cử. Đã nhiều tháng nay, kết quả thăm dò dư luận đều dự đoán người thắng cử sẽ là ông Petro Poroshenko. Liên minh chính trị của Tổng thống gọi là Khối Poroshenko luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến và được dự đoán sẽ chiếm lĩnh được 20 – 30% số phiếu bầu. “Khối” liên minh này cũng mới chỉ thành lập vào cuối thang 8/2014, mà tiền thân của nó là Đảng Đoàn kết của ông Poroshenko, một đảng chỉ tồn tại trên giấy giờ vào thời điểm đó và cũng không có ghế nào trong Quốc hội Ukraine.

Cuộc bầu cử này có nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Poroshenko. Theo Hiến pháp của nước này, Quốc hội và Chính phủ có nhiều quyền lực hơn nguyên thủ quốc gia. Nên mục tiêu của ông Poroshenko là phải có được đa số Quốc hội ủng hộ ông. Mà điều này chỉ có thể có được từ những khu vực bầu cử trực tiếp và từ các đối tác trong liên minh.

Tổng thống cố lôi kéo Thủ tướng Arseny Yatseniuk vào liên minh của ông nhưng hai ông đã không thể thỏa thuận được với nhau. Không có ông Yatsseniuk, thì đã có thị trưởng Kiev, người từng Vô địch Quyền Anh Thế giới - ông Vitaly Klitschko, ở trong liên minh này.

Đảng “Udar” (Tấn công) của ông Klitschko trước đây đã từng có đại diện trong Quốc hội Ukraine và hiện nay đang là trụ cột trong Khối liên minh của ông Poroshenko. Liên minh của ông Poroshenko có một bộ phận là những chính trị gia từ thời Tổng thống Victor Yushchenko. Và Ukraine lại đang chứng kiến sự quay trở lại của một thế hệ từng nắm quyền trước năm 2010.

Theo nhà phân tích chính trị Viktor Zamiatin của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Razumkov ở Kiev, Khối Poroshenko nhận được nhiều phiếu ủng hộ trong thăm dò dư luận là do nhiều yếu tố. Ông giải thích: “Trước hết, có nhiều cử tri cho rằng ông Poroshenko có công trong việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở đông Ukraine. Ngoài ra, chương trình cải cách của ông có tên là “Chiến lược 2020” có vẻ được lòng dân. Theo chiến lược này, Tổng thống cam kết sẽ đưa Ukraine vào EU.

Lãnh tụ với cây chĩa rơm “tấn công” ông Poroshenko

Tuy nhiên, ông Poroshenko đã bị chỉ trích vì quyết định trao quyền tự trị đáng kể cho những người đối lập ở miền đông Ukraine. Lãnh đạo dân túy cánh tả của Đảng Cấp tiến, ông Oleg Lyashko, gọi quyết định trên của ông Poroshenko là một “thỏa ước đầu hàng”.

Lãnh đạo Oleg Lyashko (ảnh: DPA)
Lãnh đạo Oleg Lyashko (ảnh: DPA)

Theo các kết quả thăm dò dư luận, Đảng Cấp tiến hiện đứng thứ hai hoặc có thể là thứ ba trong cuộc tranh cử này, với khả năng thu được 10% số phiếu. Ông chủ tịch đảng Lyashko thích được thể hiện mình là một người yêu nước. Trước camera, ông thích được cầm chiếc chĩa gảy rơm - biểu tượng của những nông dân nổi dậy, hay một khẩu AK.

Nhà phân tích Zamiatin nói :"Ngày nay những ủng hộ ông Lyashko đều là những người trước đây từng ủng hộ Đảng Svoboda (Tự do) năm 2012. Như vậy liệu Svoboda có trở lại được quốc hội không?”

Theo ông Zamiatin, cũng giống như đảng dân tộc cánh tả có tên Phe Cánh tả thành lập năm 2014, đảng này khó có cơ hội vượt qua được trở ngại 5% số phiếu. Họ là những đảng có các phe cánh cực đoan và có hệ tư tưởng riêng nhưng đảng của ông Lyashko lại không như vậy, vì “ông ấy đơn giản chỉ là một người theo chủ nghĩa dân túy,” - ông Zamiatin chỉ ra sự khác biệt.

Cựu Nữ Thủ tướng Tymoshenko sẽ bị rớt?

Gia nhập hàng ngũ đối thủ của ông Poroshenko còn có bà cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và đảng Batkivshchyna (Tổ quốc) của bà này. Bà Tymoshenko được dự đoán là có thể sẽ thu được ít phiếu bầu hơn thời điểm 2012, thời điểm mà bà phải ngồi tù sau một phiên tòa xét xử bị quốc tế chỉ trích. Hồi đó, đảng của bà là do Thủ tướng Yatseniuk đương nhiệm hiện nay lãnh đạo. Lần này, bà Tymoshenko và ông Yatseniuk mỗi người một ngả. Ông Yatseniuk tự lãnh đạo một liên minh riêng của ông gọi là Mặt trận Nhân dân. Nhiều chính trị trong phe của bà Tymoshenko đã gia nhập với ông Yatseniuk, nên theo các cuộc thăm dò dư luận bà Tymoshenko có thể sẽ không vượt quá nổi ngưỡng 5% phiếu bầu.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich được xem là những người có khả năng thất bại nhiều nhất trong cuộc bầu cử này vì rất nhiều người trong số họ đã gia nhập phe Khối Đối lập. Đảng của ông khó cơ hội vào được Quốc hội vì những cử tri trung thành với ông đều ở Crimea và đông Ukraine mà những vùng này lại đã bị loại ra khỏi cuộc bầu cử.

Đối với Đảng Cộng sản Ukraine, tình hình cũng có vẻ khó khăn. Do đó, có vẻ chắc chắn rằng Quốc hội mới sẽ lần đầu tiên có một phe đa số thân phương Tây. Tuy nhiên, chỉ có điều là chẳng thể hy vọng sẽ có một sự thay đổi mới, như nhà phân tích Zamiatin nhận định: “Rất tiếc là chúng ta chưa thấy được một sự cạnh tranh giữa những ý tưởng và cương lĩnh của các đảng trong cuộc bầu cử này.”

Nhiều người chỉ trích cuộc bầu cử còn lo ngại nhiều chính trị gia tham nhũng sẽ vào Quốc hội qua con đường bầu cử trực tiếp từ các khu vực bầu cử. Trong khi đó, những đảng phái nhỏ mới được thành lập như Đảng Samopomich (Tự mình) do ông Andriy Sadovy, thị trưởng của thị trấn Lviv đứng đầu, chắc sẽ phải vật lộn gian khó trên con đường vào Quốc hội. Điều trớ trêu nằm ở chỗ họ đều là những lực lượng chính trị đã mang lại sự chuyển giao quyền lực ở nước này trong giai đoạn đầu.

Theo Quang Vinh/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast