Lời giải bước đầu cho bài toán nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng

Ngày 18-8, tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị công tác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Tới dự có đại diện lãnh đạo 6 bộ ngành liên quan; 19 trường đại học, cao đẳng dạy nghề hàng đầu Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và 60 doanh nghiệp đang đầu tư tại Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ký Tuyên bố Hội nghị về đào tạo đảm bảo nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ký Tuyên bố Hội nghị về đào tạo đảm bảo nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Sau 4 năm đi vào hoạt động, đã có 93 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư tại KKT Vũng Áng với số vốn đăng kí trên 190.000 tỷ VNĐ. Dự kiến đến 2015, các DN tại KKT Vũng Áng cần 35.000 lao động (75% lao động có trình độ kỹ thuật trở lên), và đến năm 2020, cần 70.000 người… Trong lúc các cơ sở đào tạo, dạy nghề của tỉnh Hà Tĩnh mới đáp ứng khoảng 53% nhu cầu đào tạo nhân lực; việc đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, mức đầu tư lớn, như: luyện cán thép, cơ khí chế tạo, thủy lực còn nhiều hạn chế…

Lời giải bước đầu cho bài toán nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: "Tại Hội nghị này chúng ta có thể đưa ra những thông tin đầu tiên; sự gặp gỡ giữa cung và cầu, giữa nhà nước, địa phương và doanh nghiệp; thông điệp của các Bộ, Chính phủ, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các nhà đầu tư để làm cho dự án ở KKT Vũng Áng trở thành một dự án có hiệu quả cao với nhà đầu tư, trở thành một dự án giải quyết đồng bộ vấn đề kinh tế và xã hội có tính phát triển bền vững”

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các trường đại học, cao đẳng dạy nghề và các doanh nghiệp đã thông báo kế hoạch, năng lực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ KKT Vũng Áng của đơn vị mình cũng như nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực cho các dự án trong KKT. Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn; tăng cường công tác liên doanh, liên kết đào tạo, tuyển dụng giữa Hà Tĩnh với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước để tổ chức tuyển sinh đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề kỹ thuật cao mà các cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa đáp ứng được. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đề nghị các doanh nghiệp cần sớm công bố mức lương hấp dẫn để thu hút lao động; có chính sách hỗ trợ xây nhà, thuê nhà ở cho công nhân; trích 0,03-0,05% tổng mức đầu tư hỗ trợ cho công tác đào tạo;

Lời giải bước đầu cho bài toán nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: "Đề nghị các doanh nghiệp cần sớm công bố mức lương hấp dẫn để thu hút lao động; có chính sách hỗ trợ xây nhà, thuê nhà ở cho công nhân; trích 0,03-0,05% tổng mức đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo"; Ưu tiên công tác đào tạo và tuyển dụng con em người Hà Tĩnh. Cần có chính sách đặc thù, thí điểm ưu tiên đào tạo nghề cho con em Hà Tĩnh tình nguyện sau khi tốt nghiệp phục vụ tại KKT Vũng Áng; ưu tiên đầu tư bệnh viện, trường học, nhà trẻ và các dịch vụ công tại KKT Vũng Áng; tăng nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn Hà Tĩnh…

Hội nghi đã thông qua Tuyên bố Hội nghị về đảm bảo công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng và chứng kiến lễ ký 14 hợp đồng thoả thuận, văn bản ghi nhớ giữa tỉnh Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Đại diện Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH, Ban quản lý KKT Vũng Áng và Tập đoàn Formosa kí thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

Đại diện Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH, Ban quản lý KKT Vũng Áng và Tập đoàn Formosa kí thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ GD sau Đại học: Yêu cầu học sinh muốn hưởng cơ chế tuyển sinh ưu tiên như trên có hộ khẩu ở Hà Tĩnh, có nguyện vọng cam kết làm việc ở Vũng Áng sau khi ra trường

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ GD sau Đại học: Yêu cầu học sinh muốn hưởng cơ chế tuyển sinh ưu tiên như trên có hộ khẩu ở Hà Tĩnh, có nguyện vọng cam kết làm việc ở Vũng Áng sau khi ra trường

Bộ GD&ĐT đưa ra 2 nhóm giải pháp, gồm: Giải pháp đào tạo cấp bách trong 2 năm đầu: Bộ GD&ĐT có cơ quan đầu mối là Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực sẽ phối hợp cùng với Ban Quản lý KKT Vũng Áng và một số trường đại học ký hợp đồng cung ứng nhân lực ở các lĩnh vực đào tạo khác nhau. Các trường đại học tham gia đào tạo nhân lực cung cấp thông tin về ngành đào tạo của trường, danh sách sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 có quê hương ở Hà Tĩnh và các địa phương để Hà Tĩnh (Khu Kinh tế Vũng Áng) sớm xác định nguồn tuyển và có hỗ trợ học phí, học bổng nếu những sinh viên này cam kết về làm việc tại Vũng Áng, giới thiệu năng lực đào tạo của trường (những hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp đã ký kết và thực hiện, khả năng cung ứng chương trình đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu, đội ngũ giảng viên…)

Giải pháp dài hạn từ 3 đến 5 năm và xa hơn. Về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy sẽ áp dụng cơ chế đặc thù, như: Xét tuyển thí sinh đã dự thi đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đạt điểm sàn và xét tuyển từ trên xuống, vận dụng mức chênh lệch khu vực = 1,0 điểm. Điểm tuyển ưu tiên vào các trường đại học theo từng ngành học sẽ do các trường đại học, cao đẳng xác định để đảm bảo điều kiện tối thiểu có thể học được đại học hoặc cao đẳng. Về đào tạo theo nhu cầu (đảm bảo đầu ra): Các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Trường chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu (thông báo tuyển sinh, thời gian, địa điểm, ra đề, chấm thi xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển,…)

Đối với tuyển sinh liên thông và vừa làm vừa học, khi các đơn vị sử dụng lao động trong khu kinh tế Vũng Áng có yêu cầu với số lượng người dự tuyển đào tạo đủ lớn, các Trường có thể tổ chức tuyển sinh (có thể một số lần trong năm). Các trường chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu (thông báo tuyển sinh, thời gian, địa điểm, ra đề, chấm thi, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển,…). Được vận dụng mức chênh lệch khu vực = 1,0 điểm. Yêu cầu học sinh muốn hưởng cơ chế tuyển sinh ưu tiên như trên có hộ khẩu ở Hà Tĩnh, có nguyện vọng cam kết làm việc ở Vũng Áng sau khi ra trường.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐTB&XH: "Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, vừa là đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và đất nước"

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐTB&XH: "Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, vừa là đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và đất nước"

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tập trung vào 03 nhóm giải pháp sau đây: Tăng cường trao đổi thông tin về cung - cầu lao động thông qua việc thúc đẩy có hiệu quả hoạt động giao dịch việc làm - dạy nghề tại các sàn giao dịch việc làm hàng năm; Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tỉnh, kể cả việc thành lập mới các cơ sở dạy nghề (nếu thấy cần thiết); Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề ngoài tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ dạy nghề cho số lao động cần đào tạo của những nghề mà cơ sở dạy nghề của địa phương không đáp ứng được

Bộ Xây dựng đề xuất một số cơ chế đặc biệt về nhà ở áp dụng thí điểm tại KKT Vũng Áng như sau: Ưu tiên phân bổ trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2015 cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong hoặc lân cận Khu kinh tế Vũng Áng thuê để ở trong quá trình học tập.

Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đối với được xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án (ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương hỗ trợ 50%).

Nhà nước trực tiếp đầu tư phát triển nhà ở xã hội bằng ngân sách nhà nước để cho thuê. Với chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế thì ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định tại Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì còn được hỗ trợ tín dụng đầu tư dài hạn từ các nguồn: vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc bù lãi suất theo quy định; vay từ Quỹ phát triển nhà ở (nếu có).

Ông Ngưu Tấn Phát - Trưởng đại diện Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh: "Sau khi đào tạo sẽ tiến hành thi tuyển vào công ty, người được tuyển dụng sẽ được hưởng mức lương từ 7 triệu đồng/tháng (đối với kỷỹsư)"

Ông Ngưu Tấn Phát - Trưởng đại diện Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh: "Sau khi đào tạo sẽ tiến hành thi tuyển vào công ty, người được tuyển dụng sẽ được hưởng mức lương từ 7 triệu đồng/tháng (đối với kỷỹsư)"

Để xây dựng và vận hành Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khu vực của đất nước, ưu tiên nguồn nhân tài trẻ ưu tú của tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận tiến hành đào tạo với các ngành nghề như luyện kim, chuyên ngành gang thép và vận hành cảng biển. Giai đoạn đầu trước khi xây dựng nhà máy, Tập đoàn Fomasa Hà Tĩnh có kế hoạch hợp tác với Đại học Hà Tĩnh tiến hành đào tạo cán bộ lãnh đạo chuyên ngành gang thép tại Hà Tĩnh và lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật cơ bản (khoảng 450 người).

Đại diện Công ty TNHH đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh: "Đảm bảo và ổn định nguồn nhân lực phục vụ cho các DA đầu tư trong khu công nghiệp là việc Công ty TNHH đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh rất quan tâm. Công ty căn cứ theo tiến độ thực hiện của DA hạ tầng Khu công nghiệp sẽ xem xét và lên kế hoạch ký hợp đồng đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề với các trường Đại học, trường Cao đẳng và trung cấp nghề. Trước mắt công ty sẽ tự tổ chức lớp đào tạo hoặc ký hợp đồng đào tạo về ngoại ngữ cho cán bộ nhân viên trong công ty".

Hà Tĩnh Online xin trích đăng TUYÊN BỐ HỘI NGHỊ VỀ ĐÀO TẠO VÀ BẢO ĐẢM NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG NHU CẦU KHU KINH TẾ VŨNG ÁNG, TỈNH HÀ TĨNH

1. Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích quy hoạch là 22.781 ha, bao gồm toàn bộ các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là Khu kinh tế có địa thế thuận lợi, nằm trên trục đường giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây; là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Về nhu cầu nhân lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế Vũng Áng trong những năm tới là rất lớn, khoảng 35.000 lao động bao gồm: kỹ sư, công nhân kỹ thuật các bậc, lái xe các loại, lao động phổ thông... đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các trường đại học, các cơ sở đào tạo và dạy nghề, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế và các vùng phụ cận cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ mới có thể đảm bảo được nguồn nhân lực theo nhu cầu của Khu kinh tế Vũng Áng.

2. Thành lập 02 Tổ công tác chuyên đề:

- Tổ Đào tạo nhân lực gồm đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Tổ trưởng, vì chương trình đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng là một nội dung quan trọng của Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Tổ Quy hoạch đô thị và xây dựng nhà ở cho công nhân, gồm đại diện các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà tĩnh, do lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.

Hai Tổ công tác trên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để đảm bảo cho các hoạt động sau đây được thực hiện:

- Đến hết tháng 12 năm 2010, tất cả các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng cần cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực, các chế độ, chính sách đối với người lao động để tuyển dụng, đặt hàng đào tạo; bảo đảm tất cả sinh viên người Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đang học trong các cơ sở đào tạo được tiếp cận được thông tin về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong khu Kinh tế Vũng Áng.

- Tổ công tác duy trì công tác giao ban qua mạng hàng tháng và sơ kết hoạt động trước ngày 15 tháng 12 năm 2010.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức rà soát, thống nhất danh mục các cơ sở đào tạo cần nâng cấp và đầu tư trên địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh.

4. Các trường đại học có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Đại học Hà Tĩnh để thực hiện việc đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và Tỉnh Hà Tĩnh.

5. UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Xây dựng có kế hoạch đến năm 2012 đảm bảo ít nhất 6.000 chỗ ở cho cán bộ, công nhân; phối hợp với các doanh nghiệp để cụ thể hóa chương trình xây dựng nhà ở, quy hoạch khu đô thị gắn với Khu Kinh tế Vũng Áng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập Ban Chỉ đạo bảo đảm nhân lực, nghiên cứu bổ sung chức năng cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Khu Kinh tế Vũng Áng, xây dựng quy hoạch về giao thông, trường học, y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội khác; có trách nhiệm vận động xây dựng quỹ nhà ở, quỹ hỗ trợ đào tạo cho Khu Kinh tế Vũng Áng.

6. Hội nghị kiến nghị Chính phủ:

- Cho phép vận dụng tối đa các chính sách đã có về đào tạo nhân lực và xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp để áp dụng cho Khu kinh tế Vũng Áng.

- Cho phép thực hiện thí điểm một số chính sách mới, đặc thù áp dụng cho Khu kinh tế Vũng Áng.

- Bố trí đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề tại Khu kinh tế Vũng Áng đã được phê duyệt với tổng vốn 514 tỷ đồng (giai đoạn 1 từ 2010-2012 là 146,6 tỷ đồng).

- Năm 2011, đề nghị tăng kinh phí từ Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và từ chương trình mục tiêu Quốc gia nâng cao năng lực dạy nghề (trong đó xây dựng mới 4 Trung tâm dạy nghề cấp huyện và nâng cao năng lực dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề)

- Quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư để xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh.

Tuyên bố này đã được thông qua tại Hội nghị và sẽ được thông báo rộng rãi tới các bộ, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan, sinh viên, học sinh và nhân dân của tỉnh Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast