Cõi gió

Hồi này, bà ngoại hay ra rẫy. Nói đi coi đám dơi có về phá ruộng ngô. Tôi chưa thấy dơi về bao giờ. Mẹ bảo ngoại lúc này hay lẫn, lúc nhớ lúc quên.

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên

Dơi về từ mấy mươi năm trước, lúc cả nhà mới dọn về khu kinh tế mới, chứ giờ đâu còn. Người ta đã đuổi được dơi đi từ lúc mẹ mới 12 tuổi. Giờ đã hơn 30 năm sau. Tôi giờ bằng tuổi mẹ năm xưa, những chiều lẽo đẽo theo chân ngoại ra đồi.

Mỗi lần đi, mẹ đều mặc thêm cho áo dài tay, mẹ nói:

- Hồi bằng tuổi con, mẹ mặc áo của ngoại, rộng thùng rộng thình. Rồi đi nhổ cỏ, trồng ngô trồng mía chứ không có đi theo chỉ để… coi dê như con đâu. Hồi đó nhà mình nghèo…

Chuyện “hồi đó” của mẹ và ngoại nhiều vô kể, có lúc ngoại cười, có lúc sụt sùi. Ngoại mà sụt sùi thì mẹ vội vàng nói “À, để con đi coi củi bếp còn nhiều không, mải chuyện không lo gom, mùa mưa tới lại thiếu củi đun”; hay “À, quên nhắc má coi lại xấp vải mới mua, màu nào má thích đo may còn không con đem đổi lại”… Chẳng biết đến lúc bằng tuổi ngoại, tôi có nhiều chuyện xưa để kể như vậy không. Chắc nhiều. Ngày nào mà không có chuyện vui. Mấy mươi năm dài thế, kể sao cho hết. Nhiều lúc tôi nghĩ, người ta nên viết nhật ký, sau này nhớ ngày nào mang ra đọc ngày ấy chứ kể cũng lúc nhớ lúc quên. Ngoại còn chẳng có một tấm hình nào lúc trẻ. Tôi lúc nào cũng chỉ thấy ngoại quần đen áo bà ba, tóc búi. Có bữa ngồi nhìn, tôi thấy ngoại già quá. Da đồi mồi hết cả, đuôi mắt nhăn nheo.

- Ngoại, lúc trẻ ngoại nom như thế nào? Đẹp hông ngoại? Tôi hỏi. Tiện tay tước một nhúm râu ngô cho vào miệng day day. Râu ngô mềm mềm ngọt ngọt.

- Tổ cha bay. Ngoại đẹp nhất làng.

Ngoại ký đầu tôi rồi móm mém cười. Người già hay có kiểu cười này. Trong khi tôi có thể cười sằng sặc, cười lăn cười bò, cười xả giàn chỉ vì những chuyện vui cỏn con. Ngoại thì rất khó cười. Có lẽ người ta sống càng lâu thì càng khó cười. Mẹ cũng vậy. Khuôn mặt mẹ và ngoại không có nét gì giống nhau, chỉ giống ở vẻ buồn buồn khắc khổ. Trán mẹ cũng nhiều nếp nhăn. Ba tôi mất sớm. Mất trên công trường xây dựng. Hồi đó là xây hợp tác xã cho tỉnh. Mẹ đưa tôi về nhà ngoại. Người trong làng hay nói thương ngoại, thương mẹ, kẻ trước người sau gồng gánh những số kiếp sao mà giống nhau. Tôi hay nhìn ảnh ông ngoại và ba trên bàn thờ, cả hai đều còn trẻ. Ông ngoại có khuôn mặt cương trực, khẳng khái. Ba có đôi mắt sáng, trán rất cao. Mẹ không giống ông nhưng tôi thì giống ba. Ai cũng nói giống nhất ở đôi mắt. Tôi lấy đó làm tự hào, ước nhà còn ba và ông ngoại, mẹ đỡ vất vả bổ củi, lợp lại mái nhà những mùa mưa. Bà ngoại chắc cũng ít sụt sùi mỗi khi nhắc chuyện “ngoại bay hồi đó…”.

Cõi gió ảnh 2

Minh hoạ của hoạ sĩ Khều

Ông ngoại trước lúc trở lại chiến trường có dặn ngoại ráng nuôi “đứa nhỏ”, đợi ông về. Hồi đó, ngoại gánh rau, gánh cá đi bán có lúc trải lá chuối cho mẹ nằm. Uống nước cơm, ăn cháo trắng kiên cường sống đợi ông về. Nhưng ông không về nữa! Ngoại ở vậy, sau hòa bình, theo làng về khu kinh tế mới, trồng ngô trồng mía. Có mùa dơi về phá nát vạt ngô dài hàng hecta, riêng ruộng ngô nhà ngoại là còn nguyên. Năm đó làng khốn đốn. Người làng đến hỏi bí quyết, ngoại cũng ngạc nhiên, nói đâu có làm gì. Đêm trai làng đi canh, thấy đàn dơi cứ bay vờn xung quanh ruộng nhà ngoại rồi bay dạt ra. Ai cũng lấy làm lạ nhưng chuyện gì không giải thích được thì đổ cho lộc trời.

Hồi mang bầu tôi, có hôm mẹ nằm ngủ mơ mơ màng màng, quên đóng cửa sổ để gió lùa vào, mẹ mở mắt nửa tỉnh nửa mơ thấy có người ghé mắt vào nhìn. Một người đàn ông. Tưởng ăn trộm, mẹ gọi ngoại ở buồng trong, gọi mãi mà không thấy. Chỉ thấy đôi mắt ngoài cửa sổ buồn bã. Rồi bỏ đi. Mẹ cứng người, toát mồ hôi. Cả đêm chập chờn nhìn miết ra ngoài, chỉ có gió lay mấy nhánh ổi xao xác. Những đêm hôm sau, mẹ vào buồng trong ngủ với ngoại, sợ lại nằm mộng không tốt cho thai nhi. Ngoại thì ra bàn thờ thắp nhang lầm rầm khấn vái, nói ông Mão hay thằng Thi đừng làm con nó sợ. Mão là tên của ông ngoại, Thi là ba tôi. Nhưng mẹ nói khuôn mặt mẹ nhìn thấy không phải ông, cũng không giống ba. Khuôn mặt buồn lắm, như muốn nói điều gì lại thôi. Mẹ kể rồi cũng quên, vậy mà từ đó, đêm nào ngoại cũng trở giấc, mở cửa ra ngồi ở hiên nhà. Gió lùa qua tóc.

… Hồi này, ngoại hay đi rẫy. Nói đi coi đám dơi có về phá ruộng ngô.

Nhưng mẹ nói ngoại đi thăm cậu. Cậu nằm đó hơn 40 năm rồi. Giữa cõi gió thênh thang từng đêm lùa qua triền đồi. Cõi gió u uẩn ngần ấy năm trong lòng ngoại. Gió lùa qua mắt mẹ, tràn về căn nhà không có đàn ông. Cậu mất chỉ trước vài tuần khi đất nước im tiếng súng. Giấc mê man trong nguồn sữa ngoại. Giấc nghẹt thở đổi lấy sự im lặng của tiếng khóc để cứu cả làng. Năm đó, mẹ ngủ say trên tay của một người mẹ khác. Mẹ sống được nhờ giấc ngủ ngoan nhưng người bế mẹ lại không qua nổi trận càn. Ngoại thì chết lặng nhìn đứa con trai mới 13 tháng tuổi lịm trên tay mình, nhìn mẹ nằm cong người dưới vòng ôm che chở của người mẹ chưa từng được gọi một tiếng “mẹ”.

Gió rít từng hồi tang thương. Cậu không khóc thêm một lần nào nữa để lại cuộc đời ngoại ròng rã hơn 40 năm nước mắt chảy ngược vào trong. Ngần ấy năm lẩn thẩn những giấc mơ thấy cậu về nói “đêm nào con cũng thức đuổi dơi cho má”, những đêm ngoại ra ngồi hiên gió “coi biết đâu thằng Minh nó về tìm”… Trái tim ngoại sống vì lời hứa với người đã khuất: “Nếu còn sống, chị nhớ thay tôi nuôi bé Thảo khôn lớn nên người…”. Mẹ về với ngoại, thay cậu cất tiếng khóc trong căn nhà đã cạn khô nước mắt. Tờ giấy khai sinh ngoại làm cho đứa con trai duy nhất - Trần Văn Minh - đặt trên bàn thờ cùng ông ngoại. Còn con-của-ngoại mang tên Trần Thị Hiếu Thảo - người mà tôi được gọi bằng mẹ bây giờ…

Chỉ có cõi gió là giữ cậu ở lại cùng ngoại. Đã hơn 40 năm…

Theo nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast