Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo

(Baohatinh.vn) - Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, tình hình chính trị, an ninh của đất nước nên đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn.

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6/1925 - 21/6/2016), PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh về vấn đề này:

- Theo ông, một nhà báo có đạo đức là một nhà báo như thế nào?

Trước hết, phải khẳng định rằng, đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã hội. Nó vừa thể hiện những giá trị chung được toàn thể loài người, không phân biệt môi trường sinh sống, chính kiến, niềm tin, truyền thống... cùng chia sẻ, vừa phản ánh những đặc thù tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh, lý tưởng và niềm tin của quốc gia, dân tộc nơi nền báo chí ấy ra đời.

dao duc nghe nghiep la pham chat hang dau cua nguoi lam bao

PV Báo Hà Tĩnh cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại Dự án Rau - củ - quả Thạch Văn (Thạch Hà)

Ở nước ta, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều cụ thể mà bất cứ người làm báo nào cũng cần phải tôn trọng, tôn thờ nó như những người làm nghề y tôn thờ Lời thề Hippocrates. Từ những quy định chung của đạo đức người làm báo, từ thực tiễn hoạt động báo chí và từ sâu thẳm những xác tín nghề nghiệp của mình, tôi luôn cho rằng, một tác phẩm báo chí tốt và một nhà báo có đạo đức phải (và luôn luôn) đảm bảo tuân thủ 4 yếu tố sau: thời sự - trung thực - có tính định hướng cao và phù hợp với lợi ích của nhân dân.

- Ông quan niệm như thế nào về yếu tố chính xác và khách quan của báo chí? Liệu nhà báo có đạo đức có phải là nhà báo phơi trần toàn bộ sự thật lên mặt báo?

Tôi gọi tính chính xác và khách quan của báo chí là tính trung thực. Và, tính trung thực trong báo chí cách mạng, báo chí chân chính phải đạt đến mức độ chân thực - tức là bản chất của vấn đề. Phơi trần toàn bộ sự thật lên mặt báo là cách làm tự nhiên chủ nghĩa, thiếu tính nhân văn, thiếu tính chính trị, thiếu nhạy cảm nghề nghiệp và vô hình trung lại không nói lên sự thật chính xác, khách quan!

- Trong rất nhiều điều quyết định đạo đức nghề nghiệp của người viết báo, theo ông điều gì là quan trọng nhất?

Khi một người tham gia viết báo, muốn trở thành nhà báo tốt, anh ta chịu sự chi phối và quyết định của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo tôi, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tính chính trị và sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin.

Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay. Khác với báo chí trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, báo chí của chúng ta phải làm tốt chức năng thông tin giáo dục vận động và tổ chức quần chúng thực hiện những nhiệm vụ của Đảng. Nhà báo phải năng động trong nền kinh tế thị trường, phấn đấu tăng nguồn thu nhưng không hạ thấp tính chiến đấu của báo chí; tích cực và chủ động hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ vững bản sắc người phóng viên báo chí cách mạng.

dao duc nghe nghiep la pham chat hang dau cua nguoi lam bao

Những người “canh sóng” trên đỉnh non Hồng

Sự nhạy cảm được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của một phóng viên báo chí, thể hiện rõ đạo đức báo chí. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

Có thể khẳng định, nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Người làm báo cần phải làm gì để thể hiện tốt đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước trên thế giới. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống.

Mặt khác, không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết. Kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù lớn đến đâu cũng không được làm cho người đọc mất lòng tin và dũng khí, ngược lại phải tiếp thêm sức mạnh cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào cuộc đấu tranh đến cùng đẩy lùi những tiêu cực. Đội ngũ những người làm báo phải tổ chức phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast