UBTVQH thảo luận chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Hôm nay (4/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 37, diễn ra từ 4-7/1/2011.

Phiên họp thứ 37 của UBTVQH - Ảnh Chinhphu.vn

Phiên họp thứ 37 của UBTVQH - Ảnh Chinhphu.vn

Đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Mở đầu phiên họp, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Uông Chu Lưu, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến lần đầu về Báo cáo sơ kết việc triển khai kế hoạch số 900/UBTVQH11 thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đều đánh giá cao hiệu quả mà Nghị quyết 48/NQ-TW đem lại, bởi đây là văn kiện quan trọng của Đảng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Lần đầu tiên nước ta có một chiến lược dài hạn, khá toàn diện với những bước đi và giải pháp tương đối cơ bản cho việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên đều cho rằng, việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua là nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường kiến nghị, cần có những đánh giá chính xác về hệ thống pháp luật của chúng ta hiện đang ở giai đoạn nào để có chiến lược đúng đắn cho 10 năm tới, bởi việc hoàn thiện pháp luật là điều kiện để thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.

Vẫn theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cần xác định rõ vai trò của các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật như việc sớm nghiên cứu áp dụng hệ thống pháp luật “án lệ” để giải quyết những tồn tại trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật như hiện nay.

5 bài học kinh nghiệm quý báu

Theo Báo cáo sơ kết, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã khẳng định tính đúng đắn và tích cực của những tư tưởng, định hướng chiến lược của Nghị quyết với 5 bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn.

Đó là, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện phải luôn quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; phát huy cao độ tính chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương và địa phương và tổ chức thi hành pháp luật, coi đây là yếu tố quyết định cho việc tổ chức thực hiện; triển khai thực hiện Nghị quyết cần có trọng tâm, trọng điểm, yêu cầu đặt ra là chọn những lĩnh vực, vấn đề bức xúc, then chốt… để ưu tiên giải quyết; huy động sự tham gia, giám sát và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật có năng lực, trình độ, trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình làm luật, chất lượng văn bản pháp quy và tổ chức thực hiện. Cụ thể, chất lượng một số văn bản pháp quy còn hạn chế, tình trạng pháp luật không được thực thi triệt để còn xảy ra ở một số lĩnh vực, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật chưa có những giải pháp đột phá…

Vì vậy, trong giai đoạn 2011-2020, việc ưu tiên cho tổ chức thi hành pháp luật cần được coi là một trong những khâu trọng tâm trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Về định hướng và giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020, báo cáo nêu rõ cần tổng kết việc thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; pháp luật về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; pháp luật về quốc phòng – an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và pháp luật về hội nhập quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các ý kiến thảo luận sẽ được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý và trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến vào thời gian tới.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast