Bài cuối: Bất cập trong chương trình và sách giáo khoa

Thời gian qua, dư luận nói nhiều đến những bất cập, hạn chế và cần phải có sự chỉnh sửa về chương trình, sách giáo khoa (SGK) ở bậc học phổ thông. Qua thực tế tìm hiểu ở các trường học trên địa bàn, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến đánh giá, phản ánh tâm huyết của những người trong cuộc đối với các vấn đề vốn được xem là có tầm vĩ mô và mang tính pháp lệnh này

Giáo dục bậc phổ thông - những điều trăn trở

Bài 1: Hạn chế về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường THCS Bắc Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh)
Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường THCS Bắc Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh)

Chương trình dạy học chưa phù hợp

Dù ở các cấp học, vùng miền, điều kiện kinh tế khác nhau nhưng khi đánh giá về những bất cập trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) thì các nhà giáo, những người làm công tác quản lý đều có ý kiến khá tương đồng. Theo họ, cấu trúc chương trình còn quá ôm đồm, quá nhiều môn nên phân phối chương trình thiếu tính khả thi, buộc các cơ sở giáo dục phải đối phó.

Ngoài các môn được quy định theo “phần cứng” thì có quá nhiều chương trình bổ sung hàng tháng, hàng kỳ theo yêu cầu “giáo dục toàn diện” nên dẫn tới thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên (GV) và khối lượng kiến thức quá tải.

Chương trình nặng nề nhưng việc giảm tải thiếu khoa học, một số bài giảm tải chưa phù hợp với chương trình và yêu cầu giảng dạy. Thầy Nguyễn Quang Viện – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) nói: “Mặc dù đã giảm nhưng nội dung yêu cầu của một số môn học còn quá tải đối với những học sinh (HS) có học lực yếu kém và những HS ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí thấp như các huyện miền núi”.

Cô Nguyễn Thanh Mai – Tổ trưởng Tổ Văn Sử, Trường THCS thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) cho biết: “Hiện nay, trong chương trình có một số phần, tiết giảm tải nhưng lại “bắt” GV phải soạn bài và dạy những nội dung khác không có định hướng cụ thể. Điều này gây khó khăn cho GV và không tạo được sự thống nhất trong việc thực hiện chương trình một cách đồng bộ trên cả nước”...

Nhiều GV cũng cho rằng, chương trình dạy học ở bậc phổ thông hiện nay còn biểu hiện sự bất cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, quá tải về kiến thức, yếu về kỹ năng và chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho trẻ. Nội dung của chương trình chưa có tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chưa là một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến trung học. Trong nội tại các môn học ở các cấp học thì cấu trúc chương trình cũng chưa phù hợp, còn rời rạc và thiếu tính mạch lạc, nhất là ở môn Tập làm văn lớp 4 và lớp 5.

Nhiều môn phân phối chương trình còn nặng, trong đó đáng chú ý nhất là môn Ngữ văn lớp 7 và lớp 9, môn Hóa học lớp 8, môn Tiếng Anh ở tất cả các lớp cấp THCS. Ngoài ra, chương trình của một số bộ môn chưa có sự thống nhất, gây khó khăn trong công tác giảng dạy…

Sách giáo khoa còn nhiều “sạn”

Tìm hiểu thực tế ở các trường phổ thông, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập, hạn chế của SGK hiện nay. Theo đó, SGK của tất cả các cấp học, bậc học, phân môn đều có “sạn” và chưa đáp ứng yêu cầu dạy học nói chung và trình độ học tập, nghiên cứu của HS trường chuyên, lớp chọn nói riêng. Một số phần trong một số SGK thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa ôn tập và kiểm tra, chưa chú ý đúng mức đến yêu cầu vận dụng kiến thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Sách giáo khoa ở tất cả cấp học, môn học đều có "sạn"
Sách giáo khoa ở tất cả cấp học, môn học đều có "sạn"

Ở một số môn học, việc sắp xếp các chủ đề kiến thức có dấu hiệu lạm dụng nguyên tắc “đồng tâm” nên có sự lặp lại không cần thiết. Nhiều thuật ngữ khoa học được trình bày còn khó, trừu tượng, chưa chuẩn xác và chưa nhất quán trong một lớp, giữa các lớp và các cấp học.

Ngoài ra, nhiều GV, cán bộ quản lý cũng đã phản ánh những hạn chế cụ thể khác như: số liệu trong SGK của môn Địa lý đã quá cũ, các số liệu về KT-XH chưa được cập nhật; nội dung một số bài học môn Tiếng Anh không phù hợp với văn hóa Việt Nam; ở bậc học tiểu học thì còn nhiều hình ảnh minh họa không rõ, khó quan sát, phần văn bản đọc đưa quá nhiều tác phẩm của nước ngoài; một số chỗ còn trình bày rườm rà, khó hiểu...

Lời kết

Có thể khẳng định, với những hạn chế đã nêu, việc khắc phục không thể một sớm một chiều. Điều đáng nói là các cấp chính quyền, các ngành chức năng từ T.Ư đến địa phương cần có lộ trình và quyết sách cụ thể để từng bước điều chỉnh hợp lý để đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast