Khi chất lượng thực phẩm được đặt lên hàng đầu

Có thể nhận thấy rõ sự đổi thay trên từng gian hàng, khuôn viên chợ thành phố Hà Tĩnh khi mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP được Bộ Công thương triển khai tại đây. Các hộ kinh doanh tại chợ đang có sự đổi mới từ kiến thức về VSATTP, cách thức bán hàng cũng như hiểu rõ tác hại của các loại hóa chất độc hại khi đưa vào thực phẩm.

Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xây dựng mô hình chợ thí điểm VSATTP, Sở Công thương đã chọn chợ TP. Hà Tĩnh xây dựng mô hình năm 2012. Mô hình chợ thí điểm đưa ra các tiêu chí chủ yếu bao gồm: tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ, tiêu chí về người trực tiếp kinh doanh thực phẩm và tiêu chí về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với chợ và đối với các cơ sở kinh doanh tại chợ. Sở Công thương đã tổ chức họp dân tuyên truyền và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đồng thời cử cán bộ chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, nắm bắt ý kiến phản hồi từ các thành phần, chủ thể tham gia, để điều chỉnh phù hợp với thực tế đặt ra.

Các hộ kinh doanh tại chợ đang có sự đổi mới từ kiến thức về VSATTP, cách thức bán hàng cũng như tác hại của các loại thực phẩm độc hại
Các hộ kinh doanh tại chợ đang có sự đổi mới từ kiến thức về VSATTP, cách thức bán hàng cũng như tác hại của các loại thực phẩm độc hại

Sau khi tiến hành khảo sát 173 chợ kinh doanh thực phẩm trên toàn tỉnh, 800 hộ kinh doanh thực phẩm và 27 cán bộ ban quản lý chợ về công tác ATVSTP giai đoạn 2006 – 2011, Sở Công thương đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho 700 hộ kinh doanh thực phẩm; hỗ trợ Ban quản lý chợ thành phố Hà Tĩnh triển khai công tác tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện công tác VSATTP đồng thời hỗ trợ xây dựng mới 80 bàn kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trị giá 3,7 triệu đồng/bàn kinh doanh.

Hiện 100% quầy, ki ốt tại chợ TP. Hà Tĩnh đều được kiên cố hóa, việc sắp xếp, bố trí quầy hàng, ngành hàng, nhóm hàng tương đối hợp lý, khoa học và văn minh. Theo quan sát của phóng viên, sau khi triển khai bước đầu mô hình chợ thí điểm, tại các quầy hàng kinh doanh mặt hàng tươi sống, thực phẩm chế biến, ăn nhanh, hàng ăn, hàng cá, thịt, dò chả, mặt bàn của quầy hàng được ốp bằng vật liệu sạch, không han gỉ, không gây ô nhiễm thực phẩm. Một số quầy được đổ bê tông và ốp bằng đá granit hoặc gạch tráng men khá hợp lý và bảo đảm các tiêu chuẩn về VSATTP. Hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc thu gom nước thải, rác thải, chất thải của chợ nói chung và các khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả được thực hiện gọn gàng, sạch sẽ… Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh các mặt hàng thịt, cá, hàng ăn được quét dọn, tẩy rửa hóa chất hàng ngày...

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương, các hộ kinh doanh sẽ được trang bị các kiến thức về vấn đề VSATTP thông qua các lớp tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao kiến thức về bảo quản thực phẩm. Đặc biệt là việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không sử dụng hàn the, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống đều phải đạt yêu cầu cho phép của Bộ Y tế. Như vậy, vấn đề đặt ra khi mô hình thí điểm kết thúc phải làm sao luôn duy trì hiệu quả quản lý chất lượng VSATTP tại chợ, giúp đảm bảo sức khỏe và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Cũng theo bà Thạch, Ban quản lý chợ sẽ được tập huấn về kỹ năng kiểm tra chất lượng VSATTP và được trang bị các thiết bị kiểm tra nhanh để thực hiện chức năng tự kiểm tra và có thể kiểm tra thường xuyên nhằm kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh

Sự ra đời của mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP đã khắc phục được nhiều khó khăn mà cả hộ kinh doanh lẫn người tiêu dùng đang gặp phải như cơ sở vật chất cũ kỹ, tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề môi trường, văn minh thương mại tại chợ…

Các hộ KD đã được trang bị các kiến thức về VSATTP, nâng cao kiến thức về bảo quản thực phẩm. Đặc biệt là việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không sử dụng hàn the, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống
Các hộ KD đã được trang bị các kiến thức về VSATTP, nâng cao kiến thức về bảo quản thực phẩm. Đặc biệt là việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không sử dụng hàn the, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống

Chị Phạm Thị Hồng Hà (Nam Hà - TP.Hà Tĩnh), người thường xuyên phải lựa chọn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình, tâm sự: “Vừa qua, trên thông tin đại chúng phản ánh nhiều trường hợp thực phẩm có chứa chất độc hại được bày bán tràn lan trên thị trường gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, tôi rất lo sợ “tiền thật mua phải của giả”. Kể từ khi chợ thành phố áp dụng mô hình này, chúng tôi bắt đầu yên tâm hơn khi chọn lựa thực phẩm mình yêu thích, với giá cả cũng phải chăng”.

Tiểu thương Nguyễn Thiên Lài (hộ kinh doanh thịt lợn) chia sẻ: “Bước đầu tham gia mô hình thí điểm chợ đảm bảo VSATTP chúng tôi còn có phần e ngại. Sau khi được tham gia tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tôi hiểu rõ hơn về các kỹ thuật đảm bảo VSATTP cũng như được hỗ trợ xây dựng quầy hàng khang trang, sạch sẽ hơn… Cũng qua đó mà người tiêu dùng có phần tăng nên chúng tôi rất thoải mái tham gia”.

Những tín hiệu khả quan bước đầu của mô hình cho thấy chủ trương thực hiện chợ đảm bảo VSATTP là đúng đắn, thiết thực tới đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, đây là kế hoạch “dài hơi” của các cấp ngành, chính quyền và toàn thể nhân dân. Khi thực hiện mô hình thí điểm này, chợ TP. Hà Tĩnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Như việc kinh phí hỗ trợ xây dựng các quầy hàng kinh doanh đảm bảo VSATTP tương đối thấp, do vậy phải huy động thêm nguồn đóng góp từ các hộ kinh doanh, trong khi hầu hết các hộ kinh doanh đã có đầu tư trang bị các thiết bị kinh doanh cơ bản. Vì vậy, để có được sự thống nhất cao để xây dựng mô hình là tương đối khó khăn. Thứ nữa, kiến thức về VSATTP của các hộ kinh doanh còn hạn chế nên trong quá trình triển khai mô hình gặp khó trong công tác tuyên truyền, vận động hay việc cán bộ ban quản lý chợ còn hạn chế về kiến thức chuyên môn và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm

Bước đầu, mô hình thí điểm chợ đảm bảo VSATTP đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để người dân được hưởng những thực phẩm thực sự đảm bảo vệ sinh cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía mà trong đó hộ kinh doanh vẫn là người đóng vai trò quan trọng nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast