Chung tay phòng chống bạo lực gia đình

(Baohatinh.vn) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2007, có hiệu lực vào tháng 7/2008, đến nay vừa tròn 6 năm. Thế nhưng, tình trạng BLGĐ vẫn ngày một gia tăng bởi rất nhiều nguyên nhân...

Có dịp đến nhiều địa phương, đơn vị, chúng tôi được nghe người dân phản ánh: BLGĐ đang trong tình trạng đáng báo động. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về tình hình BLGĐ. Tuy nhiên, qua làm việc với cán bộ đoàn thể nhiều huyện, thành phố, thị xã, chúng tôi được biết, BLGĐ đang xảy ra ở mọi nơi, từ khu vực nông thôn đến thành thị, trong các gia đình thu nhập cao lẫn thu nhập thấp.

Có tới 95% vụ BLGĐ do nam giới gây ra và phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. (Ảnh minh họa từ internet)
Có tới 95% vụ BLGĐ do nam giới gây ra và phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. (Ảnh minh họa từ internet)

Có những vụ việc kéo dài, dai dẳng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị hại mà còn tác động đến sự bình yên của gia đình và cộng đồng.

Gia đình anh D. (thị trấn Thạch Hà) vì BLGĐ dẫn tới ly hôn. Hai con ở với bố, do thiếu tình thương và sự chăm sóc của người mẹ dẫn đến hư hỏng và bỏ học giữa chừng... Một cán bộ công tác ở TAND tỉnh cho biết: những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn do BLGĐ gia tăng; trên 36% trường hợp ly hôn là do BLGĐ.

Theo một khảo sát về gia đình Việt Nam của Bộ VH-TT&DL, đã có 21% các cặp vợ chồng từng trải qua một trong các hình thức BLGĐ như: đánh đập, mắng mỏ và chấp nhận quan hệ tình dục khi không mong muốn. Nguyên nhân gây ra BLGĐ là do các thành kiến đã ăn sâu vào gốc rễ, các quan điểm bất bình đẳng giới và quan điểm về quyền lực đối với phụ nữ. Có tới 95% vụ BLGĐ do nam giới gây ra và phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. Những đứa trẻ trong gia đình này khi trưởng thành dễ có xu hướng gây bạo lực. Đây cũng chính là mối hiểm nguy làm gia tăng tệ nạn xã hội ở trẻ vị thành niên.

Bạo lực gia đình đã tồn tại từ rất lâu và dai dẳng trong cuộc sống. Vì vậy, việc giáo dục phòng, chống BLGĐ không dễ dàng mang lại kết quả tức thì và BLGĐ không thể giải quyết một cách dứt điểm một sớm một chiều. Bởi trong các trường hợp BLGĐ, các cặp vợ chồng hiếm khi chia sẻ với bố mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì họ cho đó là vấn đề tế nhị giữa hai vợ chồng hoặc sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Lại có những chị em cố nín nhịn để tạo không khí vui vẻ cho gia đình và để làng xóm không chê cười (?).

Một cán bộ Hội LHPN Hà Tĩnh cho hay: tại nhiều địa phương, việc phụ nữ bị BLGĐ còn được coi là chuyện nội bộ nên họ tự giải quyết, sự can thiệp của cộng đồng và chính quyền còn rất ít. Chỉ khi nào xảy ra xô xát gây thương tích, họ mới tìm đến chính quyền. Họ chưa nhận thức rõ mối nguy hại của những mâu thuẫn là nguyên nhân, mầm họa của BLGĐ. Chính vì vậy, dù Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực đã 6 năm nhưng mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại hội phụ nữ các cấp là chủ yếu.

Luật Phòng, chống BLGĐ hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người, nhất là những đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, công tác giáo dục phòng, chống BLGĐ phải được xem là một trong những vấn đề rất quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội; trong đó hội phụ nữ làm nòng cốt cộng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng thực hiện từ năm 2009 là phải giúp các ông chồng trở về với gia đình (lãnh đạo thành phố gặp và đối thoại với những người chồng có hành vi BLGĐ), sau đó, UBND các xã, phường tổ chức cuộc họp mặt.

Rõ ràng, nếu có sự kiên quyết của lãnh đạo chính quyền các cấp, sự tích cực, trách nhiệm của hội phụ nữ, phối hợp với các ngành, nhất là công an, thì sẽ hạn chế được BLGĐ, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và sự bình yên cho toàn xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast