Kinh tế 2018: Bắt đầu từ tinh thần tháng Giêng không là "tháng ăn chơi"

Hành động, không được đủng đỉnh, tranh thủ thời cơ, tạo sự phát triển nhanh, bền vững là tinh thần chung trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi bước vào năm mới 2018.

Điều này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tổ chức ngay trong ngày làm việc đầu tiên, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu “phải bắt tay ngay vào việc”, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Cần phải nhắc lại một điều rằng, không chỉ là chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, mà đã gần như đã thành “lệ”, thậm chí trở thành quy luật của nền kinh tế Việt Nam, đó là quý I, nền kinh tế bao giờ cũng “chậm nhịp” so với các quý còn lại.

kinh te 2018 bat dau tu tinh than thang gieng khong la thang an choi

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, mọi đơn vị phải bắt tay ngay vào việc cụ thể, triển khai nhiệm vụ cụ thể.

Không thể phủ nhận những nguyên nhân khách quan, như tháng đầu năm thường có những kỳ nghỉ lễ kéo dài, là thời gian vừa phân giao kế hoạch, chuẩn bị các thủ tục đầu tư, hay bắt đầu các kế hoạch kinh doanh mới… nên giải ngân vốn đầu tư thường chậm, sản xuất - kinh doanh cũng chưa tăng tốc mạnh, dẫn tới tăng trưởng kinh tế chưa cao.

Song cũng phải thẳng thắn, có tình trạng “đủng đỉnh” trong thực hiện kế hoạch năm. Và điều này đã khiến người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhắc đến với một sự sốt ruột nhìn thấy rõ. Cuối năm 2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương rằng, không được để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Vì thế, trong những ngày đầu năm Mậu Tuất, khi mà nhiều kỳ vọng được đặt ra đối với sự tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2018, thì điều này một lần nữa cần được nhắc tới như là nhiệm vụ sống còn, một mệnh lệnh của nền kinh tế. Trong công điện về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần là tất cả các cấp, các ngành, mọi đơn vị phải bắt tay ngay vào việc cụ thể, triển khai nhiệm vụ cụ thể.

Các bộ, ngành, cơ quan rà lại nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của mình để bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp ngay đầu năm, giải phóng sức sản xuất, “chứ không phải sau Tết chúng ta cứ ì xèo mãi, vẫn còn gây khó khăn, không tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Nhiệm vụ cụ thể cũng đã được giao cho từng bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô. Đó là phải tổng hợp, xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý, trình Chính phủ trong tháng 3/2018; nghiên cứu giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; rồi chuẩn bị nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2018 về việc tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng lao động; phát triển hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp…

Đã là cuối tháng 2/2018, nền kinh tế đã đi qua gần 1/4 chặng đường của năm. Thời gian còn lại dù vẫn còn nhiều, song nếu không nỗ lực ngay từ bây giờ, chặng đường về đích kế hoạch năm 2018 sẽ khó khăn hơn.

Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiều kỷ lục đã được thiết lập. Đây không chỉ là kết quả, mà còn là kinh nghiệm tốt cho năm 2018. Nhưng không được ngủ say trên chiến thắng, phải thấy thu nhập bình quân đầu người mới chỉ gần 2.400 USD/năm chưa có gì đáng phấn khởi. Đó là điều đã luôn được người đứng đầu Chính phủ khẳng định. Bởi thế, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, từng người dân và doanh nghiệp phải bắt tay ngay vào việc, nỗ lực vì mục tiêu đưa nền kinh tế tăng tốc.

Theo Báo Đầu tư

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast