Luật Thuế GTGT tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) lần đầu tiên được thông qua vào năm 1997, với 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003, 2005 và 2008. Sau những lần sửa đổi, bổ sung, đến nay, có thể nói, Luật Thuế GTGT đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến nhiều mặt KT-XH trên địa bàn.

Có thể nói, giai đoạn 2008 – 2012 (thời điểm triển khai Luật Thuế GTGT), ngành Thuế Hà Tĩnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách trong công tác thu thuế nói chung và triển khai Luật Thuế GTGT nói riêng. Bởi, từ những tác động do thiên tai, dịch bệnh, sự bấp bênh của thị trường trong nước, tới những bất ổn, suy giảm kinh tế thế giới đã đặt ra cho ngành Thuế nhiều bài toán nan giải trước việc áp dụng, triển khai Luật Thuế GTGT. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ những người làm công tác thuế, ngành Thuế Hà Tĩnh đã vượt qua giai đoạn cam go và gặt hái được thành công nhất định.

Các đối tượng chịu thuế tìm hiểu công khai hạn mức nộp thuế của mình tại Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh.
Các đối tượng chịu thuế tìm hiểu công khai hạn mức nộp thuế của mình tại Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh.

Cụ thể, số thu thuế GTGT từ 2008 đến nay, bình quân tăng trên 30%/năm, điển hình có năm tăng đến 40%. Nếu như năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện Luật Thuế GTGT), cả tỉnh chỉ thu được 318 tỷ đồng, thì kết thúc năm 2012, số thu của sắc thuế này đã vươn lên con số 1.202 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm 2013, số thu từ thuế GTGT của ngành Thuế Hà Tĩnh đạt trên 579,547 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng số thu của toàn ngành và tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 4 năm triển khai Luật Thuế GTGT, tuy bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song, ngành Thuế Hà Tĩnh không chỉ thực hiện thu thuế một cách xuất sắc mà còn thu vượt chỉ tiêu trên giao.

Có được kết quả đáng khích lệ trên là do Cục Thuế Hà Tĩnh làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh cùng các cấp, ngành liên quan chỉ đạo công tác thuế và điều hành ngân sách trên địa bàn. Mặt khác, ngành thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, quản lý kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý thu nợ thuế... làm cho công tác thuế GTGT ngày càng hiệu quả và tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Ngoài ra, ngành còn tăng cường các chính sách ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư vào các khu CN - TTCN; miễn, giảm thuế khi các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh gặp khó khăn do suy giảm kinh tế… Nhờ đó, đã khuyến khích được các thành phần kinh tế trên địa bàn SXKD phát triển vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa đảm bảo khai thác nguồn thu.

Bên cạnh những thay đổi về chính sách thuế, ngành Thuế đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, dễ hiểu, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện nghĩa vụ thuế. Từ năm 2008 đến hết năm 2012, toàn ngành đã rà soát, bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính thuế, cắt giảm hàng trăm chỉ tiêu trong hồ sơ khai, quyết toán thuế cho cả đối tượng khấu trừ và cá nhân có thu nhập. Việc áp dụng quy chế “một cửa” trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế trên toàn bộ hệ thống cơ quan thuế từ tỉnh đến huyện cũng đánh dấu sự đột phá đi lên của ngành.

Nhờ vậy, các đối tượng nộp thuế được hưởng nhiều loại hình dịch vụ tốt hơn, được tăng cường các cuộc đối thoại với ngành, được hỗ trợ tuyên truyền, được biểu dương kịp thời khi hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế… Điểm đáng chú ý nữa là việc thực hiện cơ chế tự khai - tự nộp - được coi là “linh hồn” của sự đổi mới trong cải cách hệ thống thuế hiện nay, giúp cho các đối tượng nộp thuế chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Đồng thời, cơ quan thuế có thể quản lý tốt hơn các đối tượng nộp thuế thông qua việc thanh tra, kiểm tra thuế..., từ đó giảm thiểu tình trạng gian lận, trốn thuế GTGT.

Để thực hiện chỉ tiêu thu trên 1.600 tỷ đồng thuế GTGT trên địa bàn tỉnh trong năm 2013, ngành Thuế Hà Tĩnh đã và sẽ tiếp tục triển khai công tác phổ biến pháp luật về thuế và tích cực hỗ trợ các đối tượng chịu thuế.

Mặt khác, ngành theo dõi thường xuyên tâm tư nguyện vọng của DN, hộ kinh doanh cá thể… để lắng nghe ý kiến trực tiếp từ cơ sở. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ thuế và tạo các điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; rà soát, đôn đốc đến từng đối tượng chịu thuế nhằm đảm bảo tiến độ thu theo từng tháng, từng quí và tham mưu cho các đơn vị trực thuộc thường xuyên cắt cử cán bộ theo dõi sát tình hình thực tế của các DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh... trên địa bàn, qua đó đánh giá, phân tích hoạt động kinh tế của những đối tượng nộp thuế này để từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật thuế, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu một cách hiệu quả nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast