Công nghiệp nền tảng Hà Tĩnh bắt nhịp

(Baohatinh.vn) - “Cán cân” tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp Hà Tĩnh nghiêng hẳn về nhóm ngành chế biến, chế tạo (84,4%). Điều đó cũng lý giải vì sao đây được coi là “nền tảng” của công nghiệp Hà Tĩnh. Bằng những giải pháp và lộ trình đầu tư cụ thể, nhóm ngành này đã cơ bản phát huy được “nội lực”…

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010-2015 (Bài 6):

>> Hà Tĩnh - Vóc dáng trung tâm công nghiệp miền Trung

Tiềm năng từ nông nghiệp

Năm 2014, giá trị sản xuất ngành chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất (35,5%) trong cơ cấu nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hà Tĩnh. Bằng những lợi thế nhất định, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã thể hiện vị trí trọng yếu trong phát triển KT-XH Hà Tĩnh.

“Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là một trong những nội dung quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi, sản phẩm của nông nghiệp là nguyên liệu chính của công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Hay nói cách khác, muốn phát triển ngành này, tất yếu đòi hỏi nông nghiệp phải theo hướng thâm canh, đa dạng hóa, tạo ra các sản phẩm, các vùng chuyên canh năng suất cao. Và, bài toán trên đã được giải quyết khi đề án tái sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được triển khai” - ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Công nghiệp nền tảng Hà Tĩnh bắt nhịp ảnh 1

Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh sử dụng trên 300 lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh nhà khá phong phú, đa dạng về chủng loại và số lượng với 8 nhóm sản phẩm chủ lực. Trên cơ sở xác định tiềm năng nguyên liệu, các dự án phát triển nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại địa bàn đang được thu hút đầu tư bằng các chính sách hấp dẫn.

Nhà máy Chế biến súc sản thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đưa vào sử dụng tháng 7/2014 (nhà máy chế biến súc sản đầu tiên ở 14 tỉnh trong khu vực Trung bộ) là sợi dây gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hiện đại. Với mức đầu tư 105 tỷ đồng, công suất giết mổ 100 con/h, chế biến 15.000 tấn/năm, xử lý nước thải 400 m3/ngày đêm, sự ra đời của nhà máy góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững và cung cấp thực phẩm cao cấp cho thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu…

Hay sự phát triển của Công ty CP Chè Hà Tĩnh tạo cơ hội cho một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có đầu ra ổn định. “Sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, nhờ đó, không chỉ dừng lại ở các bạn hàng truyền thống Trung Đông, chè Hà Tĩnh đang vươn tới thị trường khó tính châu Âu”, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh - Trần Công Lệ chia sẻ.

Khai thác hiệu quả nguồn lợi từ thủy sản (25.000-30.000 tấn/năm) và phát triển nuôi trồng thủy, hải sản là động lực để ngành chế biến các sản phẩm này có cơ sở đẩy mạnh đầu tư. Hiện nay, nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh và hàng trăm cơ sở dịch vụ thủy sản ngoài quốc doanh như hộ gia đình, doanh nghiệp… có khả năng thu mua, chế biến hàng chục ngàn tấn thủy sản mỗi năm đã phần nào đáp ứng đầu ra cho ngư dân.

Ông Trần Đình Nam - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: Với thị trường xuất khẩu khá rộng lớn: Nhật Bản, EU và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 3,5-4,5 tấn nguyên liệu để chế biến và đang có lộ trình mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Chế biến lâm sản cũng không “lép vế” vì tiềm năng từ rừng trồng lớn (hơn nửa diện tích của tỉnh có rừng bao phủ), là cơ hội để tỉnh tận dụng phát triển ngành khai thác và chế biến gỗ. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến gỗ tăng dần qua các năm, riêng năm 2014 đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh khác của địa phương

Nguồn lao động dồi dào của Hà Tĩnh là một lợi thế để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Theo niên giám thống kê, tổng số lao động đang làm việc năm 2014 của Hà Tĩnh đạt trên 700 ngàn người, chiếm gần 60% dân số và chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước (gần 90%). Với tổng số vốn đầu tư 142 tỷ đồng, xây dựng trên khuôn viên 176.000m2, từ năm 2013, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã “nhanh chân” xây dựng nhà máy sản xuất cọc sợi ở cụm công nghiệp Nam Hồng. Đến nay, dự án Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh công suất giai đoạn I đạt 30.000 cọc sợi/năm đã đi vào hoạt động; doanh thu mỗi tháng gần 22 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 300 lao động. Không dừng lại ở đó, thời gian tới, công ty dự kiến đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng công suất lên 39.000 cọc sợi/năm…

Công nghiệp nền tảng Hà Tĩnh bắt nhịp ảnh 2

Những cơ sở sản xuất gạch không nung đang phát huy thế mạnh

Đón đầu sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Hà Tĩnh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh (thuộc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) công suất 50 triệu lít/năm với tổng mức đầu tư trên 480 tỷ đồng đã chính thức đi vào sản xuất giai đoạn I từ tháng 2/2013.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đến nay, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh đã lắp đặt máy móc thiết bị, hệ thống dây chuyền chiết lon công suất 36 ngàn lon (tương đương 70 triệu lít/năm) hoàn toàn tự động được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức và đã chính thức đưa vào sản xuất thương mại. Hiện nay, nhà máy sử dụng thường xuyên 118 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.

Việc phát huy thế mạnh từ nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng khá phong phú như vật liệu xây, lợp, đá, cát, gạch không nung, ngói nung…đã góp phần đưa công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có bước phát triển nhất định. Lĩnh vực công nghiệp này đang đi theo đúng quy hoạch với việc đưa vào vận hành thêm nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất mới như: gạch không nung, khai thác và chế biến cao lanh…

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast