Nước Mỹ tìm cách hóa giải hận thù

Một số nhà quan sát cho rằng sự việc ở Ferguson (bang Missouri, Mỹ) sẽ dấy lên những tranh cãi về sắc tộc và hoạt động của cảnh sát.

Nước Mỹ tìm cách hóa giải hận thù ảnh 1

Viên cảnh sát da màu ngăn trở những người biểu tình da trắng tại New York phản đối phán quyết có lợi cho cảnh sát da trắng làm chết nghi can da màu - Ảnh: Reuters

Một số khác lại cho rằng đây là vấn đề đã âm ỉ tồn tại lâu nay, trường hợp Ferguson chỉ là cái cớ để thổi bùng vấn đề lên. Có thể cả hai luồng ý kiến này đều có lý của nó.

Bạo động sắc tộc giống như những gì xảy ra ở Ferguson từng diễn ra vào những năm 1960 ở Mỹ. Năm 1964, bạo động nổ ra ở quận Watts của thành phố Los Angeles khiến 34 người chết và gây thiệt hại lên đến 40 triệu USD; một cuộc khác xảy ra năm 1967 ở Detroit khiến số người thiệt mạng lên đến 43. Một cuộc bạo động lớn nữa sau đó xảy ra năm 1992 khiến 53 người thiệt mạng.

Tất cả vụ bạo động đều liên quan đến việc sĩ quan da trắng ngược đãi người da màu, tuy nhiên không có vụ khiến bạo động lên đến mức như ở Ferguson.

Những nhìn nhận khác nhau

Trung tâm nghiên cứu Pew đã khảo sát toàn quốc về vụ nổ súng ở Ferguson. Ý kiến trả lời của các nhóm đối tượng nghiên cứu rất khác nhau, tuy nhiên vẫn hi vọng là có thể hòa hợp được.

Khoảng 80% người da màu cho rằng vụ nổ súng ở Ferguson đã dấy lên các vấn đề sắc tộc cần phải được giải quyết, trong khi 47% người da trắng trả lời “không” cho câu hỏi này.

Liên quan đến các đảng chính trị thì kết quả là: 68% người theo Ðảng Dân chủ cho rằng bạo động đã dấy lên vấn đề, trong khi đó chỉ 40% trong các đảng độc lập và 20% người theo Ðảng Cộng hòa trả lời có.

Một kết quả khác là khoảng 76% người da màu trả lời không tin tưởng vào các cuộc điều tra của lực lượng thực thi pháp luật, trong khi đó 53% người da trắng được hỏi trả lời đồng ý.

Bất kỳ sáng kiến nào nhằm đạt được sự hòa hợp và giải pháp nào cũng đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và sự nỗ lực bền bỉ lâu dài cùng với thiện chí. Nước Mỹ có lẽ chưa sẵn sàng cho điều này.

Những nỗ lực trước đây để giải quyết vấn đề này đều kết thúc bằng thất bại. Sau bạo động những năm 1960, Ủy ban Kerner về bạo lực đô thị đã được thành lập năm 1968. Ủy ban này sau đó đã kết luận để xảy ra bạo động như vậy, lỗi phần lớn thuộc về phía cảnh sát và họ cần phải được huấn luyện tốt hơn, bao gồm việc huấn luyện để nhạy cảm hơn với người da màu.

Ủy ban này cũng kêu gọi đa dạng sắc tộc trong lực lượng cảnh sát ở các khu vực của người da màu sinh sống. Và có nghĩa để làm được như vậy thì các khu vực sinh sống của người da màu sẽ phải bị phá vỡ, chia nhỏ ra và người da màu sẽ phải hòa nhập tốt hơn vào nền kinh tế và cộng đồng, và cũng có nghĩa họ phải có công việc. Nỗ lực này cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu.

Cố gắng tiếp theo nữa của chính quyền liên bang là sáng kiến “Một nước Mỹ” (One America Initiative) vào năm 1997. Nhưng việc này cũng không mang lại kết quả gì.

Ngày 1-12, Tổng thống Obama đã gặp gỡ các bên liên quan đến vấn đề này và thiết lập một ủy ban riêng. Lý lẽ đưa ra của phiên họp trù bị cũng không khác những gì đã làm trước đây, bởi vì vấn đề tồn tại vẫn như thế. Hi vọng nỗ lực lần này sẽ mang lại kết quả.

Quá nhiều vấn đề nan giải

Các cấp chính quyền và cảnh sát ở Mỹ dường như đã tìm rất nhiều giải pháp. Lâu dài là “đa dạng hóa lực lượng cảnh sát”, tức tăng số cảnh sát không phải da trắng ở những khu vực tập trung đông người da màu.

Thực tế nhiều sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ đã làm được như vậy, có nghĩa là vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được.

Dĩ nhiên vẫn còn những cá biệt như ở Ferguson, một thành phố có 21.000 dân thì 65% là người da màu. Lực lượng cảnh sát ở đây là 53 nhân sự thì chỉ có ba người da màu. Rồi các biện pháp trước mắt như gắn camera để giám sát tức thời hoạt động của cảnh sát. Hoặc các biện pháp đã thực thi như “trang bị tận răng” cho cảnh sát hệt như cho quân đội.

Một số chuyên gia cho rằng cảnh sát đã vượt quá phạm vi quyền hành của mình, họ chưa bao giờ được đào tạo để hoạt động như quân đội và họ cũng không cần phải giữ vai trò của quân đội.

Nhưng những người ủng hộ cho rằng cảnh sát đã được chính quyền liên bang trang bị đầy đủ trang thiết bị quân sự là để có thể ứng phó tấn công khủng bố. Thêm vào đó, họ cũng cho rằng băng đảng đang hoạt động khắp các khu vực đô thị nước Mỹ thường trang bị vũ khí tốt hơn của cảnh sát. Vì vậy, giải trừ quân bị lực lượng cảnh sát sẽ là một
sai lầm.

Nước Mỹ chỉ có thể giải quyết các bức xúc về sắc tộc nếu người dân, các nhóm lợi ích và các chính trị gia cùng đoàn kết chung tay. Ðiều này khó thực hiện được bởi người dân Mỹ đã để đất nước bị chia rẽ xung quanh các vấn đề khiến người dân bị chia rẽ theo chứ không đoàn kết họ lại với nhau.

Nước Mỹ đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi các cuộc bạo động sắc tộc xảy ra năm 1960, tuy nhiên thay bằng việc bước những bước đi tiếp theo, dường như cả dân tộc đang bị kéo ngược lại trục thời gian.

(viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)

Nỗ lực của bộ trưởng tư pháp

Từ năm 2009, bộ trưởng tư pháp của chính quyền Obama, Eric Holder, cũng là người da màu, đã biến mình thành cột thu lôi khi nói về các vấn đề sắc tộc.

Trong một bài phát biểu, ông từng gọi người Mỹ là những kẻ phân biệt chủng tộc và hèn nhát bởi vì đã không thể giải quyết nổi vấn đề sắc tộc.

Ông cũng cáo buộc tất cả những ai bất đồng ý kiến với những chính sách của ông Obama và của ông là những kẻ phân biệt chủng tộc.

Các nhà phê bình lên tiếng cho rằng chính những phát biểu của ông Holder về sự việc ở Ferguson đã làm dấy lên vấn đề sắc tộc.

Điều trớ trêu ở đây là Bộ trưởng Holder thật sự đã giải quyết được khá nhiều vấn đề tư pháp hình sự người da màu quan tâm mà không làm mếch lòng phe đối lập.

Ông đã cho điều tra 20 sở cảnh sát về vấn đề phân biệt chủng tộc, thí điểm một chương trình nghiên cứu về thiên vị chủng tộc ở các thành phố nước Mỹ, bỏ tù tội phạm ma túy bất bạo động, cải cách hướng dẫn quyết định hình phạt hình sự liên bang, và điều quan trọng nhất là đã cố gắng giảm việc bắt giam nghi can dựa vào màu da sắc tộc trong lực lượng cảnh sát.

Các nhà phê bình đang băn khoăn vậy tại sao lại cần phải chính trị hóa mọi vấn đề.

Theo Tuổi trẻ

Tiến sĩ TERRY F. BUSS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast