Sức trẻ vùng sơn cước

(Baohatinh.vn) - Một ngày mùa đông, chúng tôi vượt hơn 100 km từ TP Hà Tĩnh lên Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới Tây Sơn nằm sâu trong thung lũng của xã biên giới Sơn Kim 2 (Hương Sơn). “Lãnh địa” của tổng đội đón chúng tôi bằng những con đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những thảm chè xanh ngút ngàn và cánh rừng nguyên liệu tốt tươi...

Nghe có khách từ xuôi lên, Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc cùng anh em ra đón chúng tôi ngay từ ngoài cổng cơ quan bằng những cái bắt tay thật chặt. Sức trẻ của các đội viên mà chúng tôi cảm nhận được không phải ở những câu chuyện mà ở hiện thực đã được tạo nên từ bàn tay, khối óc của những con người xẻ núi, phát rừng lập nghiệp.

Trên 200 hộ đội viên sum vầy tại 2 thôn của tổng đội đều là đoàn viên thanh niên tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới nơi miền biên viễn theo lời kêu gọi của Tỉnh đoàn. Vùng đất bốn bên là rừng núi hoang vu, ban ngày, thi thoảng mới thấy bóng người, ban đêm, chỉ nghe tiếng hoẵng kêu, vượn hú của xã Sơn Kim 2 và Sơn Tây, nay đã được thay bằng bạt ngàn màu xanh của hàng trăm ha chè công nghiệp, cây nguyên liệu, cây ăn quả...

Sức trẻ vùng sơn cước ảnh 1

Đội viên Tổng đội TNXP chuẩn bị bầu giống ươm...

Chị Võ Thị Thu Hằng, cán bộ kỹ thuật tổng đội dẫn chúng tôi đi thăm những rừng chè ngút ngàn. Những nông dân là đội viên tổng đội đang khẩn trương thu hoạch chè và phát sẻ, chăm bón để ngày đầu xuân đón nhận những lứa chè bội thu. Tiếng nói, tiếng cười của các đội viên xung quanh chuyện chè được mùa, trúng giá như xua tan cái lạnh mùa đông vùng biên viễn.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Viết Lĩnh - chị Đặng Thị Hương (quê Tùng Lộc, Can Lộc), một trong những hộ “nhập làng” năm 2008. Khi nghe cán bộ Tỉnh đoàn tuyên truyền về chủ trương di dân lên vùng kinh tế mới Tây Sơn, vợ chồng anh đã đăng ký và được cấp đất, hỗ trợ lập nghiệp. Đến nay, sau 7 năm chăm chỉ lao động, gia đình anh đã có 12 sào chè công nghiệp (0,6 ha), tổng sản lượng năm 2014 đạt 12 tấn, thu nhập trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 8 con trâu bò, trên 300 con gia cầm và 5 ha cây nguyên liệu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhờ đó, vợ chồng anh xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Vợ chồng anh Thái Thành Long - chị Lê Thị Huyền thuộc đối tượng giãn dân đi làm kinh tế mới của xã Sơn Tây. Hơn 10 năm “mở đất”, hiện nay, gia đình anh có 12 sào chè, 5 ha rừng, gần 100 gốc cam bù, 500 con gà, 10 con lợn, 5 con bò và ao cá…, tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2014, anh chị thu nhập từ rừng trồng trên 150 triệu đồng, chè hơn 60 triệu đồng… Anh chị đã xây nhà với tiện nghi hiện đại, sắm được xe ô tô.

Sức trẻ vùng sơn cước ảnh 2

...và chăm sóc chè

Chỉ tay về phía hàng chục ngôi nhà xây ngói đỏ của thôn Thanh Dũng và Phố Tây, Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc phấn khởi cho biết: Trong số 200 gia đình đội viên, tỷ lệ khá giả tương đối cao, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, chủ yếu từ trồng chè, cây nguyên liệu và cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến thời điểm hiện tại, toàn tổng đội có gần 150 ha chè, 650 ha rừng trồng, hàng chục ha cây ăn quả. Năm 2014, tổng sản lượng chè búp tươi của đơn vị đạt 671 tấn, mang lại nguồn thu nhập 4,7 tỷ đồng; khai thác 55 ha rừng nguyên liệu, thu nhập 3,5 tỷ đồng.

Các đội viên trồng chè đều được hỗ trợ về vốn, giống từ chính sách của huyện, tỉnh với mức trên 30 triệu đồng/ha khai hoang, trồng mới. Bên cạnh đó, đội viên còn được tổng đội hỗ trợ kỹ thuật, tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đầu tư sản xuất. Về chăn nuôi, toàn tổng đội có 820 con trâu bò; 2 HTX chăn nuôi lợn và 2 nhóm đội viên, mỗi năm xuất chuồng hàng ngàn tấn lợn thịt, hàng ngàn con gia cầm; tổng thu nhập từ chăn nuôi lợn tập trung đạt 3,5 tỷ đồng.

Rời núi rừng Tây Sơn khi ánh đèn điện ở các nhà dân đã sáng rực, chúng tôi thầm cảm phục sức trẻ của các đội viên Tổng đội TNXP, những người đã không quản khó khăn, gian khổ, xây dựng vùng quê ấm no, trù phú ở chốn “thâm sơn cùng cốc”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast