Dạy và học ở Khu tái dịnh cư Dự án Formosa

Cùng với không khí dựng xây khẩn trương ở các khu tái định cư, những ngày này, đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh các trường học nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án Formosa đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo chất lượng dạy, học

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh cho biết, thực hiện chủ trương nhường đất cho dự án Formosa, ngành GD-ĐT Kỳ Anh có 11 trường phải di dời về địa điểm mới, với gần 4.000 học sinh. Đến thời điểm này, trường THCS Kỳ Long đã thực hiện các hoạt động dạy - học bình thường tại địa điểm mới. Các trường còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện để chuyển đến trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm nhân dân ở các xã trong vùng dự án đang tập trung mọi nguồn lực cho việc tái định cư nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Trường THCS Kỳ Long do Tập đoàn Formosa đầu tư
Trường THCS Kỳ Long do Tập đoàn Formosa đầu tư

Xác định rõ những khó khăn, Phòng GD-ĐT Kỳ Anh đã tham mưu cho chính quyền các cấp tranh thủ mọi nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường trong vùng ảnh hưởng của dự án. Đồng thời quán triệt tinh thần “ Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” đến mỗi giáo viên, học sinh.

Chúng tôi đến thăm trường THCS Kỳ Long, ngôi trường khai giảng đầu tiên trong khu tái định cư. Trong khuôn viên 1000m2, trường được xây dựng khang trang với 12 phòng học và 15 phòng làm việc, phòng chức năng đảm bảo các điều kiện học tập cho gần 400 học sinh.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng nhà trường, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, ngay từ những ngày đầu khởi công, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên bố trí người giám sát và đốc thúc các đơn vị thi công; đồng thời phối hợp với hội phụ huynh tiến hành vận chuyển hàng chục tấn trang thiết bị dạy học lên trường mới. Nhờ đó, việc dạy và học ở địa điểm mới diễn ra khá thuận lợi.

“Được học trong ngôi trường mới khang trang như thế này, chúng em rất vui và sẽ cố gắng học thật giỏi, mang về cho ngôi trường thân yêu nhiều thành tích hơn nữa" - em Nguyễn Thị Minh Hiền, học sinh lớp 9A cho biết.

Điều dễ dàng nhận thấy tại các khu tái đinh cư là nhận thức và quan điểm của phụ huynh về giáo dục đã có sự thay đổi đáng kể. Sau khi nhường đất đai, ruộng vườn cho dự án, họ đã thấy được đầu tư cho giáo dục là con đường ngắn nhất đảm bảo sự bền vững cho tương lai của con em mình. “Mai đây, khu công nghiệp hình thành, đòi hỏi một lực lượng lớn lao động có trình độ, tay nghề. Bây giờ mà không chăm lo việc học thì sau này các cháu sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất"- Anh Nguyễn Đình Sự ở Kỳ Long bộc bạch.

Theo kế hoạch thì năm học này thầy trò trường THCS Kỳ Phương sẽ di dời đến địa điểm mới ở khu tái định cư, nhưng do một số lý do nên nhà trường vẫn đang tiếp tục học tập ở địa điểm cũ. Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Đình Tứ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc các hộ đang trong giai đoạn xây dựng nên các em học sinh không có chỗ để học tập ở nhà. Những thay đổi trong sinh hoạt, nếp sống của người dân cũng phần nào ảnh hưởng đến việc học của các em. Để khắc phục những khó khăn đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động tăng thêm giờ học tại trường; đồng thời thành lập Ban quản lý đạo đức học đường để định hướng, quản lý và theo dõi sinh hoạt của học sinh. Nhờ đó, việc học của các em vẫn được thực hiện theo quy củ và đạt hiệu quả cao.

Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, đội ngũ giáo viên, học sinh các trường sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định việc dạy – học, viết tiếp truyền thống "đất nghèo nuôi chữ" trên các khu tái định cư.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast