Tăng viện phí có nâng cao chất lượng phục vụ?

Thực hiện hướng dẫn triển khai thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, thời gian qua, UBND tỉnh, ngành Y tế và các ngành liên quan ở Hà Tĩnh đã tổ chức các hội thảo về tăng giá một số dịch vụ khám chữa bệnh. Dự thảo về điều chỉnh 447 dịch vụ y tế lần này sẽ được trình kỳ họp HĐND sắp tới và sẽ được áp dụng vào các cơ sở KCB. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều: bệnh viện cho rằng tăng viện phí sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ, còn người dân lại tỏ ra lo ngại...

Tăng viện phí có nâng cao chất lượng phục vụ?

Theo lãnh đạo các bệnh viện cho biết, tăng viện phí lần này thực chất chỉ là thực hiện tính đủ. Bấy lâu, các bệnh viện chỉ thực hiện thu một phần, còn lại là nhà nước bao cấp. Phần bao cấp này Nhà nước lại giao cho Bệnh viện tự thu, tự chi bù vào. Tuy nhiên, phần thu của các Bệnh viện rất hạn chế do quá nhiều dịch vụ kỹ thuật phải bù lỗ, đồng thời, bệnh viện còn phải bù lỗ tất cả các chi phí trực tiếp cho bệnh nhân như chiếu, chăn, quần áo, điện, nước, dung dịch tẩy rửa… Vì vậy, hầu hết các Bệnh viện đều rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính; không dám phát triển các dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhiều vì càng phát triển càng phải bù lỗ.

Mỗi ca chạy thận nhân tạo, bệnh viện phải bù lỗ từ 30-50 ngàn đồng
Mỗi ca chạy thận nhân tạo, bệnh viện phải bù lỗ từ 30-50 ngàn đồng

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh cho biết: Như giá viện phí áp dụng bấy lâu, hầu hết các dịch vụ vật lý trị liệu đều bù lỗ. Chẳng hạn như đắp nến Parapin giảm đau cho các bệnh nhân, mỗi bệnh nhân phải chi phí đến 30.000 đồng nhưng chỉ được phép thu 8000 đồng; chụp phim chi phí hết 40.000 đồng nhưng chỉ được phép thu 20.000 ngàn đồng. Toàn Bệnh viện có đến 10/16 dịch vụ phải bù lỗ từ 80 đến 300%. Về ngân sách Nhà nước cấp chỉ đủ chi trả lương cho cán bộ công nhân viên. Do vậy, Bệnh viện rất khó khăn về tài chính, các nguồn thu được may ra chỉ để bù lỗ, không có nguồn để tái đầu tư lại cho Bệnh viện cũng như nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên. Lần tăng viện phí này được áp dụng với mức tính đủ sẽ là điều kiện tốt để cho Bệnh viện có điều kiện giải quyết các khó khăn bấy lâu; sẽ khuyến khích Bệnh viện phát triển thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật mới; cải thiện môi trường chăm sóc bệnh nhân theo chiều hướng đảm bảo điều kiện theo nhu cầu hơn…

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Tăng viện phí lần này có rất nhiều tác dụng. Người hưởng lợi trước tiên phải nói đến là bệnh nhân. Tăng viện phí chắc chắn sẽ đẩy theo mức trần BHYT lên, mệnh giá cho một đợt điều trị sẽ cao hơn; môi trường chăm sóc bệnh nhân chắc chắn cũng sẽ được cải thiện. Trước dây, do không có nguồn thu, Bệnh viện luôn luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính, việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên trong Bệnh viện không tiến hành được, vì vậy, Bệnh viện luôn trong tình trạng xuống cấp, mất vệ sinh. Nếu tăng viện phí theo cách tính đủ hiện nay, chắc chắn tình trạng này sẽ được gỉai quyết; bệnh nhân sẽ được chăm sóc một cách toàn diện hơn.

Bác sỹ Hoàng Thư – Giám đốc Bệnh viện Đức Thọ cho biết: Tăng viện phí là một xu thế tất yếu để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tăng viện phí, Bệnh viện sẽ có điều kiện, động lực nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường cơ sở vật chất. Như bấy lâu, những Bệnh viện tuyến huyện như chúng tôi rất muốn phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ bà con nhưng không thể vì… thu không đủ bù chi. Với lần tăng giá này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các Bệnh viện tuyến huyện phát triển các dịch vụ, kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế cao trên địa bàn, đồng thời, nó cũng sẽ có tác dụng giảm tải cho tuyến trên rất đáng kể.

Không mua BHYT sẽ phải chịu rủi ro

Như vậy, việc tăng việc phí là vấn đề tất yếu, cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của các Bệnh viện. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất là về việc chi trả của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Giá viện phí mới với thu nhập bình quân của người dân hiện nay chúng tôi rất lo ngại. Cách tốt nhất để giảm gánh nặng chi trả cho người dân là phải tham gia BHYT. Tuy nhiên, ý thức của người dân về vấn đề này rất thấp. Thực tế bấy lâu, người dân chưa nghĩ đến trách nhiệm, tính cộng đồng khi tham gia BHYT mà đại đa số người có bệnh mới mua BHYT. Đối với đối tượng cận nghèo, mặc dù đã có sự hỗ trợ mệnh giá rất lớn nhưng người dân cũng còn kém mặn mà. Huyện đang tập trung chỉ đạo theo hướng đưa vào Nghị quyết HĐND các cấp, nâng trách nhiệm của cấp cơ sở về vấn đề này để thực hiện quyết tâm tăng tỷ lệ tham gia BHYT của người dân.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 61,5% người dân có thẻ BHYT. Điều đáng quan tâm nữa, tỷ lệ BHYT của đối tượng cận nghèo của các địa phương còn quá thấp như Lộc Hà mới được 51%; Kỳ Anh 40%; Thạch Hà 37,2%; Hồng Lĩnh 25%...

Trong hội thảo bàn về tăng giá một số dịch vụ y tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện tỏ ra lo lắng: Mục tiêu của chúng ta là từ nay đến năm 2014 sẽ đạt lộ trình Bảo hiểm toàn dân nhưng xem ra rất khó khăn. Riêng đối với đối tượng cận nghèo, thời gian qua đã được hỗ trợ với mệnh giá BHYT rất lớn (Nhà nước 50%, dự án hỗ trợ y tế Bắc Trung Bộ từ 30 đến 40%) nhưng cũng đã khó khăn thực hiện. Đối với đối tượng này hiện lại đang gặp khó khăn hơn vì sự thay đổi chính sách của Nhà nước. Trước đây, Nhà nước hỗ trợ 50%, Hà Tĩnh có thêm dự án hỗ trợ y tế BTB hỗ trợ đối tượng từ 30 đến 40%. Hiện, Nhà nước lại thay đổi mức hỗ trợ lên 70%, tuy nhiên 20% lại giao cho điạ phương; dự án hỗ trợ y tế BTB lại giảm mức hỗ trợ xuống còn từ 10 đến 20% trong khi tỉnh nghèo như Hà Tĩnh chưa thể cân đối được ngân sách 20% để hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề tăng việc phí là lộ trình tất yếu. Về phía tỉnh cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa mức tăng viện phí với đời sống người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện cũng đã giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành liên quan vào cuộc vận động người dân tham gia BHYT. Nếu người dân nào không tham BHYT thì phải chịu rủi ro với mức chi trả mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast