Những công văn, quy định “lạ lùng”!

Từ việc Cục CSGT đường bộ - đường sắt ra công văn quy định “phải xin phép mới được ghi hình CSGT”, nhiều người nhớ lại những thông tư, quy định khác “lạ lùng” không kém, gây xôn xao và bất bình trong dư luận.

Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Vì loay hoay giữ an toàn cho dân nên 4 Bộ Công thương, Công an, Giao thông Vận tải, Khoa học & Công nghệ đã cùng đặt bút ký Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy điện.

Đáng chú ý nhất trong Thông tư 06 là tại khoản 2 Điều 10 quy định “phạt người đội mũ bảo hiểm rởm”, mức phạt áp dụng là 200.000 đồng, dự kiến có hiệu lực thi hành từ 15/4/2013.

Quy định phạt người đội mũ bảo hiểm rởm buộc phải hủy bỏ vì không thực tế (ảnh minh họa: Trung Kiên)
Quy định phạt người đội mũ bảo hiểm rởm buộc phải hủy bỏ vì không thực tế (ảnh minh họa: Trung Kiên)

Không quản lý được thì phạt người dân, quy định này được xem là một nỗ lực nhằm thay đổi tình trạng 70% mũ bảo hiểm đang lưu thông không đảm bảo chất lượng, hay nói cách khác là để giải quyết vấn đề mũ bảo hiểm rởm được bày bán công khai lâu nay trên thị trường tiêu dùng.

Dù chưa chính thức ban hành Thông tư 06, nhưng 4 Bộ nói trên đã phải đối mặt với làn sóng dư luận phản đối. Dư luận xã hội bức xúc vì cho rằng muốn xử lý vấn nạn mũ bảo hiểm rởm, cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý từ gốc, tại sao lại đi phạt ngọn?

Để tháo gỡ tình hình và trấn an dư luận, 4 Bộ nói trên lại cùng nhau rút bỏ quy định “phạt người đội mũ bảo hiểm rởm”.

Cấm phát tán thông tin tiêu cực trong phòng thi

Hồi đầu năm nay, Bộ Giáo dục&Đào tạo ban hành Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 42a quy định: “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào”.

Quy định “cấm phát tán thông tin tiêu cực trong phòng thi” bị cho là đi ngược với quy định Luật Tố cáo và nhận được sự phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội. Rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục đã ban hành quy định sai luật, đi ngược với Luật tố cáo và chủ trương chống tiêu cực, chống tham nhũng của Nhà nước nói chung và chống gian lận trong lĩnh vực ngành quản lý nói riêng.

Sau đó, tại Thông tư 06, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải sửa đổi quy định nói trên thành: “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi báo ngay cho nơi tiếp nhận là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và ban thanh tra giáo dục các cấp để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo”.

Quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực trong phòng thi khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ
Quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực trong phòng thi khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ

Cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng đi thi Đại học

Lại thêm một sự lạ lùng nữa về quy định của ngành giáo dục trong mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2013. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4 tháng 7 năm 2013 về việc sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên là mẹ Việt Nam anh hùng.

Đích thân Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - ông Bùi Văn Ga - đã giải thích rằng: Không phải bà mẹ Việt Nam anh hùng trước đây mà ngay bây giờ, người mẹ có con hy sinh được xác nhận liệt sĩ cũng được gọi là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Như vậy, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, thậm chí là nhiều hơn nhưng người ta muốn đi học thì không ai ngăn cấm được vì là học tập suốt đời. Bên cạnh đó, quy định này thể hiện nghĩa tình xã hội đối với những người hy sinh vì đất nước, vì độc lập dân tộc.

Không bức xúc nhưng dư luận bày tỏ sự không đồng tình vì quy định nói trên thiếu tính thực tế. Thậm chí nhiều người cho rằng Bộ Giáo dục đang ngồi trên mây để làm chính sách.

Chỉ bán thịt trong 8 giờ

Thông tư 33 (hiệu lực từ ngày 3/9/2012) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn quy định, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Quy định này áp dụng vào thực tế không hiệu quả và đã bị “tuýt còi”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - ông Cao Đức Phát - đã chỉ đạo xử lý kỷ luật các cán bộ liên quan đến việc xây dựng và ban hành các thông tư số 33 và 34, đặc biệt là những nội dung quy định gây phản ứng mạnh mẽ từ người dân.

Người mua dựa vào đâu để biết thịt đã quá "hạn 8 giờ" hay chưa?
Người mua dựa vào đâu để biết thịt đã quá "hạn 8 giờ" hay chưa?

Ngoài ra, nhiều văn bản với những quy định được cho là rất thiếu tính khả thi như cấm cán bộ công chức mang vòng hoa đến viếng đám tang (Nghị định 105 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức); quy định nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc (Thông tư 30 của Bộ Y tế), quy định trích tiền phạt để bồi dưỡng cảnh sát giao thông… Từ những văn bản "lạ lùng" cứ đưa ra rồi lại hủy này, khó ngăn được tư tưởng “nhờn luật” trong nhân dân.

Theo Quỳnh Anh/Dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast